Để những nạn nhân chất độc da cam không bị bỏ lại phía sau
Đời sống 07/08/2024 09:34
Chính biểu tượng chất độc da cam kẻ thù rải xuống Việt Nam, đã làm 4,8 triệu Nhân dân ta bị phơi nhiễm, trong đó có tới 3 triệu người là nạn nhân chất độc. Hàng vạn người đã chết; hàng triệu người mắc các bệnh hiểm nghèo. Nhiều trẻ em sinh ra bị dị dạng, thiểu năng trí tuệ; sống trong đau khổ, không được học hành, vui chơi…
Trong bối cảnh đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập. Hội là tổ chức xã hội, có tính chất đặc thù của những nạn nhân chất độc da cam và các tập thể, cá nhân tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ, tiền bạc, vật chất, giúp đỡ những nạn nhân này khắc phục hậu quả do Mỹ sử dụng chất độc trong chiến tranh ở Việt Nam. Hội vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước giúp đỡ những nạn nhân hòa nhập cộng đồng xã hội; đoàn kết, bảo vệ lợi ích của hội viên, giúp họ vươn lên trong cuộc sống và thực hiện nghĩa vụ công dân. Hội còn quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đấu tranh buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả do chất độc gây ra ở Việt Nam.
20 năm qua, kể từ ngày thành lập (10/8/2004-10/8/2024), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, chính quyền và Nhân dân địa phương, Hội đã triển khai các mặt công tác, đạt được những kết quả quan trọng. Tổ chức hội các cấp, phối hợp với báo chí Trung ương, địa phương tuyên truyền trong nước, nước ngoài giúp Nhân dân ta với bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam là dã man, tàn bạo, gây thảm họa lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo; người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Họ rất cần sự chia sẻ, an ủi, giúp đỡ của đồng bào trong nước và cộng đồng quốc tế.
Hội chủ động phối hợp với các Ban, Bộ ngành của Trung ương; tham mưu cho Đảng, Nhà nước, ban hành các chủ trương giải quyết hậu quả chất độc hóa học; các chế độ chính sách với người kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Các cấp hội chủ động triển khai nhiều hình thức vận động nguồn lực giúp nạn nhân. Hình thức chăm sóc đa dạng, bao gồm: Thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ làm kinh tế, cho vay vốn sản xuất, dạy học nghề, học văn hoá…
Hội đã xây dựng 2 trung tâm bảo trợ xã hội ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; 24 trung tâm nuôi dưỡng bán trú, phục hồi chức năng, dạy nghề cho hàng nghìn người ở các tỉnh. Trung tâm xông hơi, giải độc cho nạn nhân đạt kết quả tốt ở 4 tỉnh: Thái Bình, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Gia Lai. Riêng Thái Bình đã xông hơi, giải độc cho hơn 4.000 nạn nhân.
Hội hỗ trợ gia đình nạn nhân xây dựng 3.124 ngôi nhà; trợ cấp 780 suất tìm việc làm, 4.117 suất học bổng, hơn 119.000 suất vốn sản xuất, ủng hộ 160.000 lượt gia đình nạn nhân gặp khó khăn. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước giúp nạn nhân trao tặng hiện vật, đầu tư trực tiếp quy thành tiền hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.
Thành tích của các tập thể, cá nhân đã được ghi nhận bằng phần thưởng cao quý. Ban Bí thư Trung ương Đảng tặng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin bức trướng: “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”. Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Chủ tịch nước đã kí quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Hội, vì đã có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, vận động, chăm sóc và quyên góp, giúp đỡ nạn nhân chất độc ở Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.