Kỉ niệm không quên của vợ chồng cựu chiến binh Vũ Xuân Lương
Tuổi cao gương sáng 18/05/2023 11:20
Nơi tôi đến ở trọ học là gia đình ông Vũ Xuân Lương, đồng hương và bộ đội chuyển ngành. Nghe ông bà nói về kỉ niệm những ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi rất cảm phục, bởi sự lựa chọn con đường ra chiến trường của ông bà đầy chông gai và nhiều hiểm nguy. Là cựu chiến binh từng trải qua bao gian khổ hiểm nguy trên đường hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ nên tôi càng cảm phục những chiến sĩ gái vượt Trường Sơn, trong đó có bà Lê Thị Thúy Liên, hội viên Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến TP Thủ Đức.
Ông Vũ Xuân Lương, quê huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, hiện ngụ tại quận 9, TP Hồ Chí Minh là người đã trốn cha mẹ đi bộ đội. Ông kể, thấy mấy người hàng xóm được đi bộ đội vui quá, ông cũng đi theo đến đơn vị nhận quân cách nhà hơn 60km. Tới nơi, ông được đơn vị nhận quân tiếp nhận thay một người không đủ tiêu chuẩn bị trả về địa phương. Khi ông được nghỉ phép về thăm gia đình đểchuẩn bị vào chiến trường miền Nam, gia đình và địa phương mới biết ông đi bộ đội.
Bà Lê Thị Thúy Liên nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng và Bằng mừng thọ 70 tuổi |
Ông sinh năm 1948, nhập ngũ tháng 1/1966 thuộc đơn vị D7, E4, F 320B. Từ tháng 4/1966 đến tháng 4/1968, đơn vị ông huấn luyện ở tỉnh Hòa Bình rồi hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu thuộc Trung đoàn 80B.
Từ tháng 5/1968 đến tháng 5/1969, ông được cử đi học Trường báo vụ thuộc Cục Hậu cần Miền. Từ tháng 6/1969 đến tháng 8/1975, ông về công tác tại Phòng I, Cục Hậu cần Miền. Ông đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba.
Vợ ông, bà Lê Thị Thúy Liên, cùng quê, dù là phận gái và có người anh đang trong quân ngũ, ngày 20/10/1969, bà vẫn viết “Quyết tâm thư” bằng máu xin vào chiến trường miền Nam phục vụ. Sau 2 tháng rèn luyện tại Trường bồi dưỡng nghiệp vụ 105 Trung ương, ngày 27/1/1970, bà cùng đoàn cán bộ Giáo dục - Y tế lên đường vào chiến trường. Sau hơn 100 ngày vượt Trường Sơn với bao gian nan vất vả, đoàn gần tới điểm tập kết thuộc miền Đông Nam Bộ thì buộc phải quay ra vì “đụng” trận càn của quân đội Mỹ ngụy. Trong những ngày “tránh càn”, đoàn phải chịu nhiều gian khổ, đói khát, có bữa phải ăn rau, măng rừng thay cơm, nên hầu hết bị bệnh sốt rét và có người đã không qua khỏi. Chặng đường hành quân vào chiến trường ấy, đoàn cán bộ Giáo dục - Y tế phải đi gần một năm mới tới được điểm tập kết K7, Chiến khu D, thuộc tỉnh Đồng Nai hiện nay. Đây thật sự là một kì tích với những phụ nữ “chân yếu tay mềm” phải chịu đựng nhiều gian khổ.
Vào đến chiến trường, bà bị sốt rét ác tính phải vào chữa trị tại Bệnh viện C5, D122, BS67 (tiền thân của Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh ngày nay), sau đó được lãnh đạo Bệnh viện giữ lại làm nhiệm vụ chăm sóc y tế các học viên. Cuối năm 1971, bà nhận được thư cha từ hậu phương miền Bắc gửi vào, trong đó có đoạn viết: “Liên con! Càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan. Con phải yên tâm bền chí, quyết tâm vượt khó hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao con nhé. Đây là vinh hạnh nhất của gia đình ta, là nguồn động viên lớn với bố, bố tự hào có hai con đang cùng toàn dân chống Mỹ trên tuyến lửa anh hùng này. Gia đình đều mong mỏi cầu chúc con khỏe mạnh, công tác tiến bộ, lập nhiều thành tích trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước...”.
Lời cổ vũ, động viên của người cha ở hậu phương là nguồn sức mạnh với người ở trận tuyến, quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 1973 bà về công tác tại Ban Liên lạc Quân sự 4 bên, làm nhiệm vụ “trao trả tù binh” ở sân bay Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, rồi về nhận nhiệm vụ tại Phòng Điều trị, Bệnh viện Lộc Ninh. Năm 1974, về Ban Dân Y Miền, công tác ở C30 tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngày 20/3/1975, bà vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.