Hoạ sĩ đam mê vẽ tranh Bác Hồ
Văn hóa - Thể thao 21/05/2024 15:17
Bên chén trà nóng, người họa sĩ năm nay đã 70 tuổi, tâm sự: “Lúc tầm 4, 5 tuổi, tôi hay xem cậu tôi vẽ tranh. Chính cậu đã truyền cảm hứng vẽ tranh cho tôi. Có lần đam mê vẽ tranh, tôi quên “cả ăn, cả ngủ”. Đến khi học lớp 2, thông qua những câu chuyện về Bác, tôi ao ước được vẽ tranh về Người”. Năm 12 tuổi, cậu bé Nguyễn đã thành công bức tranh chân dung đầu tiên về Bác Hồ và được mọi người khen là có “năng khiếu”.
Năm 1973, hoạ sĩ Nguyễn tham gia lớp học vẽ của Liên hiệp Công đoàn tỉnh và Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Ninh tổ chức. Lúc bấy giờ, hoạ sĩ Nguyễn được thầy giáo giao cho vẽ tranh về Bác. Bức tranh “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” chất liệu sơn mài, vẽ Bác Hồ với ba cháu thiếu niên đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam tay cầm tay vui múa hát vây quanh Bác. Bức tranh của hoạ sĩ Nguyễn đã được chọn tham gia Triển lãm tranh cổ động “Chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” năm 1975, đó là khởi đầu về sáng tác tranh cổ động sau này của ông.
Hoạ sĩ Đặng Đình Nguyễn bên tranh lụa vẽ về Bác Hồ. |
Cơ duyên đến với nghề vẽ tranh cổ động, vẽ tranh Bác Hồ đối với họa sĩ Đặng Đình Nguyễn thật sự nở rộ vào năm 1976, khi ông về công tác tại Phòng Văn hoá - Thông tin của huyện Yên Hưng, với nhiệm vụ vẽ tranh cổ động phục vụ công tác tuyên truyền. Trong một lần đồng chí Tố Hữu, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ đến thăm Huyện uỷ rất khen bức tranh vẽ về Bác Hồ của ông. Cũng chính từ đó, mà mọi người gọi ông là “hoạ sĩ vẽ tranh Bác Hồ”.
Đến nay, họa sĩ Đặng Đình Nguyễn không thể nhớ được đã vẽ bao nhiêu bức chân dung Bác. Tranh cổ động, nhất là những bức tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh có một sức lan tỏa mãnh liệt. Để tạo được khả năng kì diệu ấy chính là nhờ đôi tay, khối óc của những tác giả đã miệt mài và âm thầm hoàn thành tác phẩm đúng tiến độ.
Theo họa sĩ Nguyễn, khả năng vẽ đẹp và nhanh của ông là do tình cảm kính yêu đối với Bác. Tuy chưa một lần được gặp Bác nhưng họa sĩ Đặng Đình Nguyễn tìm hiểu hàng ngàn tư liệu ảnh, sách, báo, thơ văn về Bác để thể hiện Bác qua tranh với một góc nhìn mới, sinh động hơn, giàu tính nhân văn hơn.
Bên cạnh những bức "truyền thống” như: Bác ngồi đọc sách, duyệt công văn, câu cá, vui với các cháu thiếu nhi... được nhiều nghệ sĩ khai thác, họa sĩ Nguyễn đã "sáng tạo” thêm nhiều bức tranh "độc và lạ” như bức tranh: “Bác Hồ đang đánh đàn ghita” thể hiện sự gần gũi của Bác với công nhân lao động vùng Mỏ”, “Bác Hồ với các chiến sĩ”, hay “Bác Hồ với các cháu thiếu nhi”…
Đa số các bức tranh ông vẽ thường trực nằm trong sức ép của thời gian. Những bức vẽ khó nhất, đòi hỏi nhiều công sức nhất cũng chỉ trong khoảng một vài tuần. Trong số hàng ngàn bức vẽ của mình, ông vẽ nhiều bức tranh khổ lớn "kỉ lục” của dòng tranh cổ động. Ông kể, thời đó không có giàn giáo nên khi vẽ tranh lớn phải dùng bàn, ghế kê lên hết cỡ để đứng vẽ. Họa sĩ Nguyễn chia sẻ: "Ngoài các bức vẽ cổ động về Bác, tôi còn vẽ Bác trên chất liệu gỗ, hay lụa, đá…
Hơn 50 năm qua, nhiều tác phẩm về Bác của tác giả Đặng Đình Nguyễn đã lần lượt ra đời và đạt giải cao, để lại ấn tượng trong giới hội hoạ và những độc giả, có thể kể đến như: Tranh lụa “Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng” đoạt giải C và tác phẩm “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” đoạt giải C (không có giải A), tác phẩm “Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng” đoạt giải Khuyến khích, tranh lụa “Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc Quảng Ninh” và “Bác Hồ với nông dân” lần lượt được chọn trưng bày tại Triển lãm Mĩ thuật toàn quốc năm 2005…