Hẹn ngày về lại với Măng Đen
Nhịp sống văn hóa 17/01/2020 15:04
Có lẽ những lời rung động sâu sắc từ trái tim đã làm nên bản tình ca bất hủ. Tình yêu quê hương, đất nước và tình yêu lứa đôi hòa quyện, đan xoắn vào nhau, khiến tôi như miên man giữa vùng đất Tây Nguyên nắng gió.
Một góc Khu du lịch sinh thái Măng Đen |
Thật không gì thú vị hơn khi thả mình vào cung đường quanh co, mềm như dải lụa, hai bên là ngút ngàn thông xanh mướt, những mỏm núi nhô lên giữa chùm mây trắng. Cơn mưa bất chợt đầu sáng gột rửa đi những bụi bặm thường ngày, để khoác cho cánh rừng chiếc áo mới như nàng tiên xanh làm duyên dưới nắng vàng. Dưới thảm cỏ mịn như nhung nổi lên những đám hoa trắng, đỏ, tím, hồng li ti, và từng chùm hoa sim, hoa mua muôn màu muôn sắc. Ông mặt trời vừa tỉnh giấc, nở nụ cười đỏ rực phía xa. Tia nắng xuyên qua kẽ lá hắt lên những giọt sương lung linh tựa viên ngọc nàng tiên nào bỏ quên giữa núi rừng. Ríu rít những chú chim chuyền cành rủ nhau đón nắng. Thanh khiết và yên bình quá! Một không gian mà ai đến đây cũng đều bị mê hoặc, thôi miên.
Bài tình ca Măng Đen khắc trên phiến đá |
Chúng tôi lượn một vòng quanh thị trấn, cảm nhận nơi đây thật không khác gì Đà Lạt thứ hai, kể cả cảnh sắc lẫn khí hậu. Những con đường nhỏ mềm mại dẫn về hàng chục căn biệt thự xây theo quy hoạch, ẩn hiện dưới những lùm cây xanh, mang đến vẻ đẹp huyền bí, sang trọng cho thị trấn nhỏ xinh đẹp này. Kiến trúc truyền thống đan xen hiện đại của những căn nhà sàn, nhà rông, mái cong cong của các công trình tôn giáo làm phong phú thêm bức tranh vốn đa sắc màu văn hóa của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại.
Người dân ở đây cho biết, Măng Đen được coi như dải phân cách chính giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, nằm ở độ cao khoảng 1.200m so với mặt nước biển, thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Cái tên Măng Đen là cách người Kinh gọi chệch từ "T'mang deeng" (tiếng Mơ Nâm), có nghĩa là "chỗ đất bằng phẳng". Ở đây hoa nở bốn mùa, nhiệt độ cao nhất chỉ vào khoảng 22 độ C, khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ.
Rừng cao su ở Gia Lai |
Trong không gian mênh mang của Khu du lịch sinh thái Măng Đen, bên dòng thác Pa Sỹ đang tung bọt trắng xóa, tỏa ra xung quanh làn sương mờ ảo, mát rượi, chúng tôi thưởng thức món gà nướng, cơm lam, đặc sản có một không hai vùng này. Chú gà nguyên con (nuôi tại đất Măng Đen) trong bụng "ôm" một nắm lá tiêu rừng, tẩm mật ong vàng ươm tỏa mùi thơm phức quyện mùi xôi nếp, làn khói trắng nhẹ bay bên cạnh chén muối tiêu với ớt cay và vị ngọt tận chân răng tạo cảm giác riêng cho món ăn không thể lẫn vào đâu. Cô gái phục vụ người bản địa dễ thương cho biết, món gà nướng Măng Đen đã được kỉ lục Guinness Việt Nam ghi nhận trong danh sách 50 món ngon. Thịt gà sau khi ướp đem phơi nắng một lúc rồi mới nướng. Còn cơm lam làm từ gạo nếp rẫy ngâm lá dứa qua đêm, nấu với nước suối trong bếp tro hồng. Cơm lam dẻo trắng tinh chấm muối vừng lạc, ăn với thịt gà thật ngon khó cưỡng.
Nhà rông văn hóa trong Khu Du lịch sinh thái Măng Đen |
Thác Pa Sỹ đẹp hoang sơ hình thành từ 3 ngọn suối lớn chụm lại thành một dòng. Những năm gần đây, Khu du lịch sinh thái này đầu tư ngày càng hoàn thiện, công phu và đưa vào phục vụ du khách với hệ thống vườn tượng, cầu bắc qua suối, đường đi, nhà rông, nhà chòi, xưởng sản xuất thủ công mĩ nghệ, nhà trưng bày văn hóa của đồng bào bản địa, trang trại trồng hoa, rau sạch sắp xếp khoa học, đẹp mắt...
Huyện Kon Plông có hơn 6.500 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Xê Đăng, Mơ Nâm, Ka Dong, Hre. Khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ tạo ra hệ động vật, thực vật quý hiếm; gắn liền với truyền thuyết thần Pling làm nên vùng đất này. Các hồ Toong Ly Leng, Toong Ziu, Toong Zơ Ri, Toong Săng, Toong Pô, Toong Đam và Đắk Ke nước trong vắt nhìn tận đáy; những ngọn thác hùng vĩ Pa Sỹ, Đắk Ke và Đắk Pne tựa dải lụa từ trời cao buông xuống đại ngàn, điểm xuyết cho cảnh sắc nơi đây sự hấp dẫn đến mê hồn.
Rừng thông sau cơn mưa |
Suốt mấy ngày ở Tây Nguyên, tôi như lạc giữa thiên cung khi ngồi bên li cà phê tí tách thả hồn theo các ca khúc mạnh mẽ, trữ tình hoặc "tắm mình" trong đêm lửa trại, trong trang phục sắc màu độc đáo, ánh mắt nồng nàn đắm say qua ché rượu cần và những điệu múa, tiếng khèn cùng âm thanh mê mải của cồng chiêng giữa chốn thiên nhiên hoang dã.
Và tôi hiểu, không phải tự nhiên mà nơi đây đã và đang từng ngày được đầu tư nâng cấp, để trở thành trung tâm du lịch sinh thái, chữa bệnh và nghỉ dưỡng quốc gia. Kon Plông, đặc biệt là khu vực Măng Đen, đã được chọn là một trong ba khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Kon Tum; trong mối liên hệ với hành lang kinh tế Đông - Tây tạo thành một tour du lịch khép kín qua nhiều nước (Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma) và được hưởng thụ nhiều sản phẩm du lịch khác biệt.
Xa rồi, còn nhớ lắm nơi đây. Nhớ "lưng đồi vàng nắng, những hố bom thù năm xưa đã hóa điệp trùng ngàn xanh/ Lá rừng reo vui trong gió, thành bản tình ca như tình em thiết tha" ấy, để hẹn ngày về lại với Măng Đen.