Hành trình Tour khám phá, về nguồn của những NCT (người còn trẻ)
Du lịch 12/04/2023 11:05
Được biết vào đầu tháng 4/2023, sân bay Điện Biên ngừng khai thác để nâng cấp mở rộng đường băng đến tháng 12, do đó nên chúng tôi tìm tuor trong tháng 3 để bay thẳng từ TP Hồ Chí Minh đến Điện Biên. Vậy là chúng tôi đã được ghép vào đoàn của Công ty du lịch Hà Nội Travel khởi hành sáng 29/3, có tất cả 17 người hầu hết là trên 60 tuổi. Tất cả có cùng sở thích là được đến Điện Biên.
Du khách chinh phục cột mốc A Pa Chải |
Khởi hành từ TP Hồ Chí Minh đến Điện Biên lúc 12 giờ trưa, hướng dẫn viên (HDV) đã chờ sẵn đón đoàn về nhà hàng dùng cơm trưa. Sau đó đoàn tiếp tục di chuyễn thêm 20km đến xã Mường Phăng, thăm căn cứ Bộ Chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Gíáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cách trung tâm xã 4 km. Đi len lõi trong đường rừng sâu hun hút là các chòi canh, bếp Hoàng Cầm (tên của người đã thiết kế nấu cơm không thấy khói), Hầm thông tin, Đài quan sát, hầm của Ban Chính trị nối qua hệ thống Hầm Chỉ huy, lán trại làm việc của Đại tướng năm xưa. Nơi đây, không chỉ là điểm đến tham quan của du khách trong và ngoài nước, cũng là nơi cho các em học sinh đến tìm hiểu về truyền thống cách mạng, trí tuệ và nghệ thuật quân sự của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp.
Đoàn về lại Mường Thanh tham quan Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm, nơi Tướng De Castries của quân đội Pháp đầu hàng chiều 7/5/1954, HDV Phùng Văn Năng vừa hỗ trợ chụp ảnh cho đoàn còn thuyết minh về lịch sử ngày ấy của bộ đội ta; Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn Đại đội 360 thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 luồn dưới làn đạn của những khẩu trọng liên 4 nòng, băng qua cầu Mường Thanh, rời giao thông hào nhảy lên mặt đất, dùng một tên lính ngụy dẫn theo đường tắt tiến thật nhanh đến sở chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm để bắt Tướng Pháp, cắm cờ lên nóc hầm chỉ huy, đánh dấu sự thất bại của quân đội Pháp tại mặt trận này, có cả Tiểu đội trưởng Hoàng Đăng Vinh (sinh 1935) là một trong 5 người (sau này là đại tá được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông mất ngày 22/10/2019, tại Bắc Ninh). Buổi tối xe đưa đoàn đến tham quan bản Mến thuộc xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên để dùng cơm, các món ăn như thịt trâu gác bếp, cá suối gói lá hấp, gà bản nướng, măng rừng luộc chấm chéo, canh chua cá… giao lưu, ca hát, nhảy sạp, nhảy múa với các cô thiếu nữ xinh đẹp dân tộc Thái, đây cũng là điểm du lịch cộng đồng.
Sau một đêm nghỉ ngơi tại khách sạn A1 (Trung tâm TP Điện Biên), đoàn di chuyễn 200km đến Mường Nhé dừng chân ăn cơm trưa, tiếp tục đi thêm 50km đến Đồn Biên phòng A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, chúng tôi thuê đội ngũ xe ôm để chinh phục đỉnh cao cực Tây Tổ quốc là Cột mốc A Pa Chải giáp ranh giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc (nơi gà gáy cả 3 nước đều nghe). Theo tư liệu tại Đồn Biên Phòng, cột mốc giao điểm nằm trên đỉnh núi Khoan có độ cao 1.866m do ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc cùng xây dựng chất liệu bằng đá hoa cương, có ba mặt gắn quốc huy của ba nước, khởi công ngày 21/4/2005, hoàn thành ngày 5/7/2005. Công trình đường tuần tra biên giới (đoạn A Pa Chải - Tả Long San) với tổng chiều dài 8,9km gồm: Đường bê tông dài 4,36 km theo tiêu chuẩn đường tuần tra biên giới; đường đi bộ dài 4,36 km; bậc lên mốc dài 0,94 km làm bằng đá garanit rộng 1,5m với 29 chiếu nghỉ, khởi công ngày 2/10/2012, hoàn thành ngày 31/12/2018. Trước khi chinh phục đỉnh đèo, HDV đã thông tin về những mạo hiểm và tốn tiền thuê xe tự túc, nhưng tất cả đoàn đi ai cũng háo hức muốn “khám phá” (trong đó có tôi là người “năm sinh” nhỏ nhất) trừ một chị bạn đang say xe nên nghỉ lại tại Đồn Biên phòng. Xe ôm di chuyễn quanh co theo đường rừng đèo dốc hơn 8 km, leo bộ thêm 541 bậc thang, có 29 chiếu nghỉ là đến cột mốc 0 được ba nước thống nhất cắm mốc vào ngày 27/6/2005, có 2 cán bộ là Bộ đội Biên phòng theo hỗ trợ cùng nhau chụp hình, tuy ai cũng thấy mệt nhưng lại rất vui. Trở về dùng cơm chiều tại Mường Nhé xong là 19 giờ tối, di chuyễn ngay về khách sạn A1 (Điện Biên) đã hơn 24 giờ khuya, coi như ngày thứ hai phải ngồi ô tô hơn 500 cây số đường đèo, cũng chỉ cốt để chinh phục đỉnh cao A Pa Chải.
Các thành viên trong đoàn thăm quan đồi A1 |
Đến ngày thứ 3, mặc dù trong lịch trình tham quan không có đến đồi A1 và Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng cả đoàn và HDV khi nghe tôi đề nghị phải đưa đoàn thăm 2 điểm trên để thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ (vì biết tôi là CTV của game bài đổi thưởng tiền that ) nên tất cả đều hưởng ứng ngay; Sau khi rời khách sạn A1, đoàn di chuyễn đến đồi A1 cách chùng 500m, tôi thay mặt đoàn vào Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thắp hương, lúc này đã có cô Bạch Thị Hoàn là HDV của BQL Di tích tỉnh Điện Biên hướng dẫn đoàn và thuyết minh: Điện Biên Phủ, một cái tên tự hào được gắn với những địa danh lịch sử như Mường Thanh, khu trung tâm đề kháng Him Lam, Hồng Cúm, căn cứ địa Mường Phăng… Và đặc biệt là đồi A1, nơi đã diễn ra trận chiến lịch sử kéo dài 39 ngày đêm.
Đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong Tập đoàn cứ điểm của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Đồi A1 nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490m, Đông Nam cao hơn 493m. A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt cho quả đồi. Sau nhiều trận chiến vô cùng ác liệt đã diễn ra ở đây thì đến 4g30 sáng ngày 7/5/1954 quân đội Việt Nam đã chiếm được đồi A1. Di tích A1 (cứ điểm Elian 2) nằm cạnh quốc lộ 279 (nay là đường Võ Nguyên Giáp) thuộc phường Mường Thanh - TP Điện Biên Phủ. Cứ điểm này cao 32 m so với mặt đường, có diện tích gần 100.000 m2, cách Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội Pháp khoảng 500m về phía Tây theo đường chim bay. A1 thuộc dãy đồi phía Đông cùng với C1, C2, D và E tạo nên bức tường thành vững chắc che chở cho phân khu trung tâm, là điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp, được ví như “chìa khóa” của cả Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đã có hơn 2000 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hi sinh, dù bọn Pháp cũng thiệt hại nặng nề. Cuối cùng quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1, mở toang cánh cửa thép tiến thẳng vào trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trận thắng đồi A1 có ý nghĩa rất quan trọng, đã mở ra cho toàn mặt trận nhanh chóng chuyễn sang tổng công kích và đã giành toàn thắng chỉ sau đó 13 giờ. Ngày nay, du khách đến với cứ điểm đồi A1, thấy những chứng tích lịch sử còn lại của chiến tranh như: lô cốt, đường hầm, chiếc xe tăng 18 tấn của Mỹ chi viện cho quân đội Pháp (trước khi đưa đến Mường Thanh phải tháo rời, vận chuyễn bằng máy bay đến nơi mới ráp lại) đã bị ta bắn hạ vào lúc rạng sáng ngày 1/4/1954, hố bộc phá 1.000kg của bộ đội ta đánh vào (nay còn là cái ao cạn khổng lồ hình phểu) là minh chứng lòng dũng cảm, nhiều mưu trí của quân và dân ta đã làm nên lịch sử vẻ vang cho nước nhà; Nhìn ngôi mộ tập thể “vô danh” mà cô HDV giới thiệu, ai nghe cũng xúc động, bồi hồi!
Chia tay HDV Bạch Thị Hoàn, đoàn rời đồi A1 đến tham quan Tượng đài chiến thắng tại đồi D1 nằm ở vị trí trung tâm TP Điện Biên Phủ để thắp hương, tượng có chiều cao 12,6m, bệ tượng cao 3,6m nặng 220 tấn, khánh thành vào ngày 30/4/2004, nhân kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đoàn tiếp tục di chuyễn theo QL 6 qua đèo Pha Đin là một trong tứ đại đỉnh đèo (gồm Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Pha Đin) đều thuộc vùng núi Tây Bắc của Tổ quốc, đi cao nguyên Mộc Châu, Sơn La; cùng nhau chụp ảnh tại đồi chè, thác Dải Yếm, tham quan đi bộ qua cầu kính Bạch Long dài 632m được Tổ chức Kỷ luc Guines công nhận là cầu đi bộ dài nhất thế giới, dùng cơm tối tại nhà hàng, nghỉ khách sạn ở Sơn La. Trên đường về Hòa Bình, đoàn dừng chân dùng cơm trưa tại bản Lác (xã Chiền Châu) là điểm du lịch cộng đồng; buổi chiều tham quan Thủy điện Hòa Bình, công trình khởi công xây dựng vào ngày 6/11/1979, trên sông Đà, khánh thành vào ngày 20/12/1994 là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á thế kỉ 20 (thời điểm năm 1994, đến năm 2012 thủy điện Sơn La phá kỉ luc dẫn đầu), kinh phí xây dựng là 1,6 tỷ đô la do Liên Xô giúp đỡ. Với đội ngũ hơn 30.000 cán bộ, công nhân, hơn 5.000 chiến sĩ công binh và 1.000 cán bộ quản lí, 750 chuyên gia Liên Xô tham gia trong quá trình xây dựng Nhà máy Thủy điện. Theo HDV của Nhà máy Thủy điện Hòa Binh cho biết, trong quá trình thi công, xây dựng đã có 168 cán bộ, công nhân và kĩ sư, (trong đó có 11 chuyên gia Liên Xô) hy sinh tại công trường do tai nạn lao động, nay đã xây Đền tưởng niệm ở phía hạ lưu.
Mặc dù thời gian tour chỉ có 4 ngày, nhưng hầu hết anh chị em trong đoàn đều cảm nhận tỉnh Điện Biên tuy có nhiều phát triển, người dân luôn hiếu khách, nhưng vẫn còn những khó khăn của bà con vùng cao phía Bắc, họ cũng cần sự chung tay chia sẻ của những tấm lòng người dân từ mọi miền đất nước. Chia tay tỉnh Điện Biên, anh chị em đều có niềm vui thỏa mãn, được thăm chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, nơi Đại tướng Võ Nguyên Gíáp chỉ huy quân đội ta đánh thắng đội quân hùng hậu có vũ khí tối tân, làm nên lịch sử chấn động địa cầu. Sự hy sinh của những Liệt sĩ tại mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa, trong số đó có ngôi mộ tập thể “vô danh”, làm chúng tôi luôn ray rức, xúc động và nhớ mãi.