Hai bên bờ Sê Pôn
Văn hóa - Thể thao 19/07/2024 11:28
Từ mạch nguồn Sê Pôn
Không phải người nào cũng nhớ hay biết đến dòng sông Sê Pôn, một con sông nhỏ bắt nguồn từ dãy Trường Sơn nhưng lại không chảy về phía Đông mà chảy về phía Tây dọc theo miền bãi là những nóc nhà sàn của cư dân nơi biên giới Việt - Lào. Bao năm tháng trôi qua, dòng sông ấy đã trở thành chứng nhân cho nghĩa tình hữu hảo của Nhân dân hai nước. Đặc biệt, từ khi 2 nước láng giềng xây dựng mô hình kết nghĩa bản - bản, đồng bào thường qua lại thăm thân, mối thân tình giữa 2 dân tộc, 2 đất nước anh em thêm thắm đượm.
Thôn Long Thành (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) và bản Ma Hạt (cụm bản Ka Túp - Ma Hạt, huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhệt, Lào) đã tổ chức kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới vào tháng 4/2009. Sau 15 năm kết nghĩa, nghĩa tình anh em giữa hai thôn, bản đã nâng lên tầm cao mới, sâu sắc và toàn diện hơn. Điểm tô cho nghĩa tình ấy, ngày 2/5/2024 vừa qua, các địa phương hai bên biên giới đã phối hợp tổ chức sơ kết 15 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới tại thôn Long Thành (xã Tân Long). Gặp lại những người láng giềng, những người anh em kết nghĩa, ai cũng tay bắt mặt mừng.
Tặng quà cho bà con các bản Lào dọc biên giới. Lực lượng chức năng 2 nước thường xuyên tổ chức tuần tra đường biên giới. |
Tương tự, đã 17 năm nay, người dân bản La Lay A sói (huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào) và bản La Lay (xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) luôn gắn bó mật thiết với nhau. Nằm ở vị trí đối diện, tiếp giáp hai bên trên đoạn biên giới dài hơn 10km, có 4 mốc quốc giới nên hai bản được lựa chọn kết nghĩa từ tháng 1/2007. Nhân dân 2 bản tích cực phối hợp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thôn, bản hai bên biên giới. Ông Hồ Văn Thủy, Trưởng thôn La Lay cho biết: “Sau khi kết nghĩa, 2 bản thường xuyên giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội. Hai bên đã trao tặng cây giống, con giống, hỗ trợ nhau kĩ thuật nuôi trồng. Mỗi khi có việc, các già làng hay các vị chức sắc của hai bản lại gặp gỡ, xử lí những việc xảy ra nơi vùng biên giới. Những tranh chấp lớn nhỏ được phân xử rạch ròi, những thông tin còn mơ hồ sẽ được mổ xẻ, làm rõ trước sự đồng thuận của đôi bên”.
Những người vun đắp
Mô hình kết nghĩa bản - bản được triển khai từ năm 2005, đến nay đã có 25/25 cặp bản kết nghĩa giữa tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) với 2 tỉnh Savanakhet và Salavan (Lào). Nơi biên giới, cư dân ở hai quốc gia Việt Nam và Lào cùng chia sẻ mạch nước mát của dòng Sê Pôn, cùng sinh sống thuận hòa nơi mảnh đất tổ tiên để lại. Những cư dân dọc đường biên Việt - Lào thường có chung gốc gác, hoặc ít nhất cũng có họ hàng với nhau. Vậy nên, chỉ cần cái “cầm tay” của chính quyền địa phương, của Bộ đội Biên phòng là hai bên giúp nhau làm nương rẫy, phát triển kinh tế, đời sống ngày càng nâng lên.
Lực lượng chức năng 2 nước thường xuyên tổ chức tuần tra đường biên giới. |
Khi đã “kết nghĩa”, mối quan hệ đoàn kết giữa Nhân dân hai bản và hai nước càng thêm mặn nồng. Họ cùng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, động viên nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa từng dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị. Cũng vì hai bản đã kết nghĩa “anh em”, nên khi có nhà hảo tâm mang quà từ dưới xuôi lên, chính quyền địa phương cũng chia cho đều, thậm chí còn ưu tiên phía bạn. Như mới đây ngày 31/5, Đồn Biên phòng Thuận phối hợp các nhà hảo tâm tổ chức vui Tết Thiếu nhi 1/6 cho các em học sinh trên địa bàn. Tại chương trình đã trao tặng 450 suất quà, mỗi suất gồm bánh, kẹo, sữa với tổng trị giá 60 triệu đồng; trao 50 suất học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, trong đó 20 suất cho các cháu bản Cheng và bản Ra Leng/Cụm bản Ka Túp - Ma Hạt/Lào, trị giá 10 triệu đồng.
Ông Phạm Trọng Hổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai xây dựng mô hình “Kết nghĩa bản - bản”. Đến nay, dọc tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị với Lào có 25 cặp bản đối diện hai bên biên giới tổ chức kết nghĩa. Qua việc thực hiện kết nghĩa đã khẳng định Mô hình kết nghĩa bản-bản của tỉnh Quảng Trị là cách làm sáng tạo trong chính sách đối ngoại Nhân dân của Đảng ta. Hằng năm, tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ xây dựng một số dự án như: Trường học; trạm xá; công trình điện nước; cung cấp cây con giống; khảo sát các dự án trồng rừng, cây công nghiệp như cà phê, sắn nguyên liệu, cao su, hồ tiêu và một số dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, văn hóa, giáo dục. Bên cạnh đó, các cặp bản kết nghĩa, các ban, ngành, đoàn thể hai bên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện thông thoáng cho việc lưu thông sản phẩm trở thành hàng hóa trao đổi trên thị trường…
Việc kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới đã góp phần ổn định chính trị, bảo đảm được tình hình an ninh trật tự mà còn phát triển kinh tế-xã hội, khơi dậy truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt-Lào, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác hai nước cùng phát triển là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng.