Gần 40 năm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An mới thấy được nỗi đau của người dân! (Tiếp theo và hết)
Pháp luật - Bạn đọc 08/10/2020 08:55
Gần 40 năm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An mới thấy được nỗi đau của người dân! (Tiếp theo kì trước) Gần 40 năm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An mới thấy được nỗi đau của người dân! |
Giọt nước mắt giữa hai thế kỉ
Trường hợp bi đát thứ ba của gia đình cụ Liễu xảy ra vào những năm 90 thế kỉ trước. Nguyên do là vào năm 1977, cụ Liễu có đưa 1 ha (10.000m2) đất vào Tập đoàn sản xuất. Khi tập đoàn giải thể, đất ai trả về chủ đó. Cụ Liễu được nhận lại đất và có cho người con gái làm giáo viên tên là Phan Thị Mỹ Lệ một phần diện tích trong số diện tích được tập đoàn sản xuất trả lại. Bà Lệ cất nhà ở, lập vườn trên khu đất này. Không rõ vì lí do gì, năm 1990, chính quyền thị xã Tân An vô cớ tổ chức dỡ nhà cô giáo Lệ đang ở, cất nhà tình nghĩa cho bà Võ Ánh Nguyệt, chị ruột của liệt sĩ. Đến năm 1996, chính quyền thị xã Tân An mới có biên bản tạm giao đất cho bà Nguyệt. Sau khi có đơn tố giác, hoàn cảnh bà Nguyệt không phải hộ nghèo. Ngày 8/9/1992, UBND thị xã Tân An đã có cuộc họp khối nội chính. Tại Biên bản số 218/BB.UB.92 và Biên bản số 813/BB.HH ngày 9/9/1996 đều có kết luận: “Bà Nguyệt phải có trách nhiệm bồi hoàn phần diện tích sử dụng (trước đây chính quyền đã lấy cất nhà tình nghĩa) cho bà Liễu, phần diện tích còn thừa lại phải giao trả cho bà Liễu tuỳ nghi sử dụng”. Ngày 20/11/1997, UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định số 3174/QĐ-UB buộc bà Nguyệt phải bồi hoàn cho bà Liễu. Tuy vụ việc rõ ràng, minh bạch như vậy, thế nhưng sau đó UBND phường 4 và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Tân An nại ra chuyện phần đất cất nhà tình nghĩa cho bà Nguyệt là đất của ông Sương (em trai cụ Liễu), trong khi ông Sương không phải là chủ sở hữu mảnh đất này. Để bác đơn bà Lệ, chính quyền cho rằng, giữa cụ Liễu với ông Sương có sự hoán đổi đất. Ông Sương giao cho cụ Liễu 7.300m2 đất, đổi lại ông Sương được nhận phần tiền bồi hoàn của nhiều hộ, trong đó có của bà Nguyệt. Dựa vào lí do này và sự quan liêu của người ban hành quyết định, không kiểm tra thực tế dẫn đến việc bác đơn bà Lệ một cách trái pháp luật. Sau khi ông Sương nhận tiền, cụ Liễu gửi đơn khiếu nại. Ngày 9/10/2003, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Báo cáo số 2626/BTNMT-TTr kết luận là không có sự hoán đổi này. Đề nghị UBND tỉnh Long An giao số tiền bồi hoàn cho cụ Liễu theo Quyết định 3174/QĐ-UB của UBND tỉnh Long An. Thực tế vụ việc quá rõ ràng, nhưng sau đó Thanh tra Chính phủ lại Báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ là “không có tình tiết này trong Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (?!)”. Từ đó, nỗi đau lại nối tiếp nỗi đau ập đến liên tiếp với mẹ con cụ Liễu.
Trường hợp bi đát thứ tư của mẹ con cụ Liễu là hành vi cậu, cháu trong đại gia đình hoán đổi đất dẫn đến tranh chấp. Khi Tập đoàn sản xuất giải thể, mẹ con cụ Liễu được trả lại 7.300m2 đất. Cụ Liễu phân chia đất cho các con trong gia đình như sau: Bà Hằng: 1.000m2; bà Mai: 1.000m2; bà Tiếm: 1.300m2; ông Giang: 2.000m2. Phần còn lại 2.000m2 bà Liễu canh tác. Vì phần diện tích 7.300m2 đất của các con cụ Liễu nằm kề cận, xen kẽ với đất của ông Sương nên ông Sương đề nghị cụ Liễu bàn với các con hoán đổi vị trí ruộng cho ông để thuận tiện trong qúa trình canh tác. Cậu và các cháu đổi ruộng làm ăn yên ổn mới được 10 năm, khi thấy đất lên giá thì ông Sương lật ngược vụ việc, cho rằng đất của mình nằm phía ngoài mặt đường chứ không phải ở trong, phát sinh khiếu kiện. Để tìm hiểu ngọn ngành của các vụ việc khiếu nại của mẹ con cụ Liễu ôm đơn đi tìm công lí suốt gần 40 năm nay, chúng tôi đã trực tiếp đến hiện trường ở Long An hàng chục lần và tìm gặp rất nhiều các tầng lớp cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ lão thành, cán bộ nghỉ hưu, cán bộ đương chức... Tất cả họ đều khẳng định: “Việc mẹ con cụ Liễu khiếu nại đòi lại đất là có cơ sở”. Kết thúc phần tóm tắt của bài biết này, chúng tôi trích nêu hai ý kiến của hai cán bộ lão thành ở Long An. Khi thấy trường hợp khiếu nại của mẹ con cụ Liễu kéo dài hai thế kỉ, các cán bộ lão thành thấy quá bức xúc đã cùng nhau đến tận hiện trường xem xét vụ việc.
Ông Lê Văn Cao, cựu Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, từng là Trưởng ban cải tạo nông nghiệp tỉnh Long An, gặp gỡ chúng tôi hàng chục lần khi ông còn sống mà các số báo trước chúng tôi đã trích đăng. Ông Cao khẳng định: “5.440m2 đất của mẹ con bà Liễu đã trực canh liên tục nhiều đời từ 1947-1977 không xảy ra tranh chấp. Nhiều văn bản của địa phương bác đơn của bà Liễu là vô căn cứ. Tôi đề nghị chính quyền vận động bà Liễu nên để lại cho ông Bền một cái nền nhà, vì chính quyền đã lỡ cấp rồi. Diện tích 429m2, Trường Tiểu học đã lỡ xây dựng thì để nguyên. Số diện tích còn lại UBND tỉnh phải ra quyết định công nhận chủ quyền cho bà Liễu mới hợp đời, hợp đạo” (số 177 (2329) thứ 3, ngày 6/11/2018).
Ông Ngô Hải Phong, cựu Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Long An, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, cựu Chủ tịch Hội Giáo chức tỉnh Long An khẳng định: “Đối với vụ tranh chấp đất của bà Liễu, chính quyền ba cấp đã phạm nhiều sai lầm, vì những nhân chứng chính quyền đưa ra đối thoại với dân tại thị xã Tân An lúc bấy giờ và TP Tân An hôm nay hoàn toàn không khách quan, vì những người nay lại là những kẻ chiếm đất, hoặc bao che cho những kẻ chiếm đất của mẹ con bà Liễu. Trong khi gia đình bà Liễu có hộ khẩu và làm nhà ở cạnh khu đất 5.440m2 từ năm 1969 đến nay đã là 51 năm rồi. Còn đất, trong khoảng thời gian cha con bà Liễu canh tác, sau khi ông Yên mất, con gái (bà Liễu) tiếp tục thay cha canh tác suốt 30 năm (1947-1977) không hề xảy ra tranh chấp. Đến nay đã là 73 năm rồi. Căn nhà bà Liễu vẫn còn đó. Mẹ con bà Liễu chưa bao giờ bỏ nhà, rời xứ một ngày. Thế mà cấp nào cũng cho là đất vắng chủ, hoang hoá. Theo tôi, đừng nên để nỗi đau của một gia đình mẹ goá con côi kéo dài đến vô tận. Đời người quá ngắn ngủi. Với những ai có đủ chức quyền để vì dân, do dân, có chút lương tâm thì nên trả lại 5.440m2 đất cho mẹ con bà Liễu là thấu tình, đạt lí, được Nhân dân tôn trọng và ngưỡng mộ. Các phần còn lại tôi cũng đồng tình với cách xử lí của ông Lê Văn Cao và các vị lão thành ở đây. Sau đó tôi có đến gặp ông Dương Quốc Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhiệm kì trước ông Xuân cũng khẳng định khu đất 5.440m2 là của bà Liễu, bà Liễu không cần phải đưa ra bằng khoán 5.440m2 mang tên bà Học. Còn nếu đưa ra thì nó cũng đương nhiên là của bà Liễu theo đúng quy định của Luật Đất đai”.
Khi chúng tôi đến nhà, cụ Liễu đã thay van tim lần thứ tư và đang nằm trên giường. Nghe người con gái là giáo viên nghỉ hưu kể lại sự việc: “Mẹ ơi, tại cuộc đối thoại với những người dân liên quan đến các vụ việc khiếu kiện kéo dài của UBND tỉnh tổ chức vào sáng 10/9/2020, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã nhìn thấy nỗi oan của mẹ con mình rồi. Ổng đã có lời xin lỗi gia đình mình và hứa sẽ tiếp tục giải quyết dứt điểm!”. Cụ Liễu đang nằm bất tỉnh trên giường đã bật tỉnh dậy, hai mẹ con ôm chặt nhau khóc nức nở. Cụ Liễu hỏi con gái: “Bao giờ má con mình có được công lí? Giờ thì má không cần đất nữa đâu, cái mà má cần là cần đạo đức, nhân cách các ông cán bộ biết làm việc đúng cho dân là tốt rồi. Cảm ơn ông Chủ tịch! Trước khi nhắm mắt, tôi chỉ mong có từng đó thôi!” Nhìn những dòng nước mắt lăn dài trên đôi gò mó gầy gò, đen sạm, nhăn nheo, uẩn khúc trăm bề thể hiện trên khuôn mặt ở cái tuổi 84 gần đất xa trời của cụ Liễu, chúng tôi, những người đi trong đoàn không một ai cầm được nước mắt.