Gần 40 năm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An mới thấy được nỗi đau của người dân! (Tiếp theo kì trước)
Pháp luật - Bạn đọc 07/10/2020 09:48
Cơ quan thực thi pháp luật có làm trái luật?
Nguồn gốc của các vụ khiếu nại kéo dài gần 40 năm của gia đình cụ Trần Thị Liễu đã được Báo Người cao tuổi phản ánh từ năm 2008 đến nay và nhiều cơ quan báo, đài khác cũng đã phản ảnh những bất cập từ phía các cấp chính quyền ở Long An. Trong bài viết này, xin nêu tóm tắt những phần chính như sau:
Năm 1947, cụ Trần Văn Yên (cha cụ Liễu) bỏ tiền ra thuê phần đất biền lá của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Hai và cụ Dương Lệ Hoa canh tác. Đến năm 1970, cụ Hai, cụ Hoa bán đứt phần đất lá này cho cụ Yên với giá 13.300 đồng. Sau khi cụ Yên mất, để lại cho cụ Liễu sử dụng nhưng bị các hộ: Nguyễn Thị Đăng, Nguyễn Văn Thuần, Hứa Thị Son và Nguyễn Thị Ảnh lấn chiếm trái phép. Đến năm 1992, bà Ánh tự động chặt bỏ nhiều cây tràm bông vàng của cụ Liễu trồng. Cụ Liễu kêu cứu khắp các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật và chính quyền địa phương nhưng không được quan tâm giải quyết. Trước hành vi ngang ngược của bà Ảnh, để giữ lại tang chứng vật chứng chờ ngày khởi kiện ra toà về hành vi “Huỷ hoại tài sản” của bà Ảnh. Cụ Liễu chặt giữ lại một cây tràm thì ngay tức khắc bị Công an thị xã Tân An (nay là TP Tân An) ghép tội “Huỷ hoại tài sản công dân” bắt giam 3 ngày mà không có sự phê chuẩn của Viện KSND cùng cấp. Thấy vụ việc bắt giam người quá phi lí, ngày 20/5/1992, Viện KSND thị xã Tân An có Văn bản số 01/VKS/92 cho rằng, phần đất đang tranh chấp chưa xác định là của ai, nên hành vi tự động bắt giam cụ Liễu là chưa đủ cơ sở. Đây cũng là lần thứ 2 Công an phường 4, thị xã Tân An có dấu hiệu bất chấp pháp luật và đạo lí, bắt giam cụ Liễu một cách tuỳ tiện! Do nguồn gốc đất của cụ Liễu quá rõ ràng, nên sau đó UBND phường 4 đã có nhiều văn bản đề nghị giải quyết buộc bà Đăng phải trả lại đất cho cụ Liễu. Tuy nhiên, UBND thị xã Tân An lại ban hành Quyết định số 588/UB-QĐ-92 cho rằng, phần diện tích đất biền lá của cụ Liễu là đất hoang hoá, vắng chủ, để bác đơn khiếu nại của cụ Liễu, công nhận cho bà Đăng 550m2 đất. Cụ Liễu tiếp tục khiếu nại. Sau khi nghiên cứu kĩ hồ sơ, điều tra thực tế hiện trường và thu thập các căn cứ pháp lí về đất đai. Ngày 20/11/1997, UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định số 3174/QĐ-UB buộc bà Đăng phải trả lại cho cụ Liễu 550m2 đất. Nội dung quyết định này cho thấy, phần diện tích đất biền lá này là có chủ, chứ không phải đất hoang hoá, vắng chủ như UBND thị xã Tân An đã bịa ra. Mặc dù cụ Liễu còn đang tranh chấp đất với 3 hộ khác nữa là bà Son, ông Thuần, bà Ánh vẫn chưa có quyết định giải quyết cuối cùng của UBND tỉnh Long An. Sau đó một thời gian, UBND tỉnh Long An lại đảo ngược vụ việc để cấp “sổ đỏ” cho 3 hộ chiếm đất trái phép của cụ Liễu. Trong khi 4 hộ chiếm đất trái phép thì chỉ buộc một hộ (bà Đăng) trả lại đất cho cụ Liễu còn 3 hộ chiếm dụng diện tích lớn thì hợp thức hoá cấp “sổ đỏ”(!?) Cả 4 hộ đều chiếm dụng đất trái phép, nhưng UBND tỉnh chỉ hợp thức hoá cho 3 hộ và chỉ buộc hộ bà Đăng trả lại. Chính quyền lấy lí do là: Cả 3 hộ bị mất giấy tờ để “lách luật” cấp sổ đỏ cho 3 hộ này. Trong đó, hộ bà Son được cấp sổ đỏ: 7.102m2; hộ ông Thuần: 989m2; hộ bà Ảnh: 1.216m2. Tiếp đó, Thanh tra Chính phủ “phụ họa” bằng nội dung của Báo cáo số 1862/TTCP-V4: “Đối với hộ bà Son, ông Thuần, bà Ánh, diện tích tự kê khai từ 1992 so với năm 1999 tuy có dư 208m2, nhưng xét thấy các hộ đã sử dụng ổn định, lâu dài, được tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), do đó cần giữ nguyên diện tích cho 3 hộ sử dụng”.
Điều lạ là, trong khi cả 4 hộ chiếm đất của cụ Liễu, nhưng hộ bà Đăng lại không được Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh nhắc tới trong Báo cáo trên(!?)
Tùy tiện cưỡng chế đất của dân?
Vào thời điểm 1947, cụ Trần Văn Yên thuê 5.440m2 đất trồng lúa của gia đình cụ Nguyễn Văn Hai và vợ là cụ Dương Lệ Hoa. Năm 1969, cụ Nguyễn Thị Học mua lại phần đất này để làm đất thổ mộ cho gia đình. Tuy đất đã được đổi chủ nhưng cụ Học vẫn giao cho gia đình cụ Liễu sử dụng. Gia đình cụ Liễu bỏ tiền thuê nhân công mua cây giống, đào mương lên liếp, lập vườn cây ăn trái ngay trên diện tích 5.440m2 đất này. Căn nhà cụ Liễu ở ngay cạnh khu đất, liên tiếp trực canh và không hề bỏ trống đất một ngày nào. Trong Báo cáo số 2626/BTNMT-TTr ngày 9/10/2003 của Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định: “Diện tích đất 5.440m2 là của bà Học, bà Học để lại cho gia đình ông Yên trông coi mồ mả từ 1947 - 1977”. Vậy nhưng chính quyền ba cấp ở tỉnh Long An đều cho là đất vắng chủ, bỏ hoang từ sau 1975 (!?) Kết luận đó của chính quyền là một điều hết sức phi lí mà gia đình cụ Liễu đã mất gần 40 năm khiếu nại để buộc họ phải sửa sai trả lại tài sản hợp pháp cho gia đình cụ. Năm 1977, ông Trương Tấn Bền tự xưng là cán bộ đến xâm chiếm một phần đất để cất nhà, cụ Liễu ra ngăn cản liền bị Công an phường 4, thị xã Tân An bắt giam nhốt bà trong nhà tắm 3 ngày. Sau 12 năm liên tiếp gửi đơn khiếu nại, UBND tỉnh Long An vẫn “hợp thức hoá” cho ông Bến 1.330m2. Sau đó ông Bền lấn thêm khu đất xéo bên cạnh của cụ Liễu, nâng tổng diện tích lên 1.917m2. Thấy ông Bền chiếm được, năm 1984, ông Nguyễn Văn Trâm cũng lấn chiếm 600m2. Sau nhiều năm cụ Liễu khiếu nại, ông Trâm giả hành vi làm giấy chuyển nhượng cho con trai tên là Nguyễn Văn Bằng (cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Long An). Phần diện tích đất này của cụ Liễu đã được các ngành chức năng liên quan từ Trung ương tới địa phương khẳng định bằng văn bản về tính hợp pháp của nó. Trong nội dung Báo cáo số: 2626/BTNMT-TTr ngày 9/10/2003 của Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Diện tích đất 5.440m2 là của ông Yên trực canh từ năm 1947, khi qua đời để lại cho bà Liễu”. Trong nội dung Báo cáo thẩm tra của Thanh tra Nhà nước tỉnh Long An ngày 29/3/1997 cũng khẳng định: “Ông Trâm và ông Bằng có hành vi gian dối trong việc hợp thức hoá giấy tờ sang nhượng đất lấn chiếm trái phép cho nhau”. Trước đó ông Trâm chiếm dụng 600m2, sau đó cả hai cha con ông chiếm thêm phần đất xéo của cụ Liễu theo đo đạc thực tế lên tới 1.154,4m2. Vụ việc chỉ có thế, vậy mà cả ba cấp chính quyền ở Long An ban hành hàng loạt quyết định hết sức quan liêu, trái ngược hoàn toàn với thực tế. Ban đầu cụ Liễu chỉ yêu cầu chính quyền ba cấp từ phường tới tỉnh giải quyết buộc ông Trâm, ông Bền là những kẻ chiếm đất trái phép trả đất lại cho cụ. Thế nhưng sau đó ba cấp chính quyền lại biến cụ Liễu thành kẻ tranh chấp 5.440m2 đất với chính quyền địa phương. UBND tỉnh Long An ban hành nhiều quyết định “mơ hồ” chỉ công nhận cho gia đình bà Liễu 240m2/5.440m2. Trên thực tế, cụ Nguyễn Thị Học chủ đất đã giao khu đất thổ mộ này cho gia đình cụ Yên, cụ Liễu trông nom, tôn tạo mồ mả từ năm 1947. Đến năm 1975, cụ Học qua đời được an táng ngay tại khu đất thổ mộ này. Tuy nhiên Thanh tra tỉnh Long An lại nêu trong Quyết định số 95/QĐ-GQ-RĐ giữ y Quyết định số 404/QĐ-UB.92 của UBND thị xã Tân An, bác đơn khiếu nại của cụ Liễu với lí do: “Diện tích 5.440m2 đất thổ cư này là sở hữu của bà Nguyễn Thị Học đã đi nước ngoài bỏ đất trống từ 1972”.
Tuy khu đất thổ mộ này từ xưa tới nay chưa bao giờ có quyết định trưng thu, tịch thu hay thu hồi của các cấp có thẩm quyền, nhưng khi cụ Liễu khiếu nại, ngày 21/6/2007, UBND thị xã Tân An tổ chức đoàn cưỡng chế khu đất thổ mộ 5.440m2 của gia đình cụ Liễu đã trực tiếp canh tác suốt 70 năm qua (từ 1947-2007). Cụ Liễu cho rằng, đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Khoản 3, Điều 48, Nghị định số 181/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003: “Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà trước đây Nhà nước đã có quyết định quản lí, trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước, nhưng trong thực tế, Nhà nước chưa quản lí thì hộ gia đình cá nhân đó vẫn được tiếp tục sử dụng, được cấp giấy đỏ và không phải đóng tiền sử dụng đất”. Đó là quy định về các loại đất mà trước đây Nhà nước đã có quyết định thu hồi, còn đất bà hoàn toàn không có bất kì một quyết định thu hồi nào, mà là đất trực canh hợp pháp suốt 70 năm liên tục. (Còn nữa)