Dự án đã thu hồi hủy bỏ, cần trả lại đất cho dân
Pháp luật - Bạn đọc 27/05/2021 13:34
Xác minh thực tế cho thấy, gia đình ông Hồ Văn Trí có 500m2 đất thửa số 67, tờ bản đồ số 118-B, tọa lạc tại thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, trong đó có 200m2 đất ở, còn lại là đất vườn. Thửa đất này ông Hồ Văn Trí nhận chuyển nhượng từ ông Trương Thanh Phong năm 2004. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thể hiện: Bên chuyển nhượng là ông Trương Thanh Phong, bên nhận chuyển nhượng là ông Hồ Văn Trí, loại đất T (thổ cư) + Vườn, thửa số 67, tờ bản đồ số 118-B, tổng diện tích 500m2.
Về nguồn gốc thửa đất, ngày 18/9/1993, ông Trương Thanh Phong được Ban điều hành Dự án khu kinh tế mới Đồng Bé cấp để ở và sản xuất. Biên bản tạm giao đất thể hiện, bên giao: Khu kinh tế mới Đồng Bé, xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa (nay là thị xã Đông Hòa – PV); bên nhận: ông Trương Thanh Phong. Như vậy, ông Trương Thanh Phong là người đi xây dựng khu kinh tế mới, được giao đất để ở và sản xuất. Khoản 1, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp, mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất: b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng kí ruộng đất, sổ địa chính”.
Ông Trí đang chỉ cho phóng viên mốc giới đất của gia đình ông |
Theo quy định nêu trên của pháp luật về đất đai, đất của ông Trương Thanh Phong được coi là hợp pháp. Do đó, khi ông Trương Thanh Phong chuyển nhượng cho ông Hồ Văn Trí, cũng là hợp pháp. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được UBND xã Hòa Tâm xác nhận ngày 3/11/2004, có nội dung: Về giấy tờ sử dụng đất, đăng kí sổ địa chính quyển 05, trang 1A2; Về hiện trạng sử dụng, không có tranh chấp; Chủ sử dụng Hồ Văn Trí, loại đất T + Vườn, diện tích 500m2; Về điều kiện chuyển nhượng: Thuộc trường hợp được chuyển nhượng đất…
Sau khi nhận chuyển nhượng đất, ông Trí thực hiện đóng thuế đất hằng năm cho Nhà nước, đầy đủ và có biên lai thu thuế đất của xã. Do chưa có điều kiện xây dựng nhà, nên ông Trí tiến hành trồng một số cây ăn quả lâu năm như: điều, ổi, thầu dầu… Ông Trí cho biết: “Việc tôi trồng cây trên đất không có ai thắc mắc, tranh chấp. Hàng xóm của tôi là gia đình bà Trương Thị Hòa cũng không có ý kiến. Ngày 9/11/2004, tôi đã có Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được UBND xã Hòa Tâm có ý kiến đề nghị UBND huyện cấp giấy chứng nhận, nhưng chưa kịp làm thì dự án vào lấy đất của gia đình tôi, mà không bồi thường đất vườn cho gia đình tôi là vô lí”.
Khu đất hiện bị bỏ hoang hóa, rất lãng phí |
Xác minh được biết, việc thu hồi đất của gia đình ông Hồ Văn Trí không hề có bất cứ quyết định gì. Ông Trí chỉ nhận được Thông báo số 20/TB-TTPTQĐ của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa (cũ), do ông Lê Thanh Long, Phó Giám đốc kí ngày 7/9/2016, nội dung thông báo niêm yết công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và gửi Bảng tính chi tiết… Trong dự án này, gia đình ông Trí bị thu hồi 2 diện tích đất, diện tích 129m2 vào Tuyến đường Phước Tân – Bãi Ngà (đoạn qua dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô), 324m2 vào dự án. Dự thảo bảng tính chi tiết cho thấy, gia đình ông Trí không được bồi thường đồng nào tiền đất, mà Trung tâm quỹ đất chỉ tính tiền bồi thường cây cối, bằng 370 triệu đồng.
Ông Trí khiếu nại, chính quyền huyện Đông Hòa (cũ) không giải quyết, mà Trung tâm Phát triển quỹ đất lập Bảng chi tiết chính thức về bồi thường, hỗ trợ gắn với đất để xây dựng tuyến đường Phước Tân – Bãi Ngà. Theo đó, gia đình ông Trí được tính 50m2 đất ở, với giá 360.000 đồng/m2, cộng với tiền bồi thường cây cối bằng 19.430.000 đồng. Thật khó hiểu, dựa vào căn cứ nào mà Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện này lại ban hành Bảng tính chi tiết, không bồi thường giá đất vườn cho gia đình ông Trí, còn cây cối và đất ở lại bồi thường theo giá rẻ mạt như vậy? Ông Trí không thể đồng tình với việc này, nên nhất quyết không nhận tiền và tiến hành khiếu nại. Nhưng khiếu nại của ông không được giải quyết, mà chính quyền huyện vẫn tổ chức san bằng hết đất của gia đình ông Trí.
Tương tự như gia đình ông Trí, gia đình bà Trương Thị Hòa cũng không nhận được quyết định thu hồi đất và các quyết định liên quan, mà chỉ nhận được Bảng tình chi tiết, trong đó có 648m2 đất vườn, 2.199m2 đất trồng cây hằng năm khác, mà chỉ bồi thường cả tiền đất, tiền cây cối, tổng cộng 439.649.500 đồng. Trong khi đó, gia đình bà có 400m2 đất ở, trên tổng diện tích 3.200m2 đất được Ban điều hành Dự án khu kinh tế mới Đồng Bé giao năm 1993, cùng căn nhà đã xây, mà không được tính bồi thường. Gia đình bà Trần Thị Ly Na được lập phương án bồi thường 145m2 đất, được cho là “Đất nông nghiệp trong khu dân cư”, với tổng số tiền cả đất cả cây cối và công trình chỉ có 25.104.752 đồng. Đương nhiên bà Trần Thị Ly Na cũng không thể đồng ý. Do đó, đến nay các gia đình này vẫn chưa nhận đồng nào tiền bồi thường.
Nhà bà Trương Thị Hòa bỏ không, bị bão quật đổ |
Liên quan đến Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, do chủ đầu tư có quyết định tự chấm dứt đầu tư dự án, nên đầu tháng 3 năm 2018, tỉnh Phú Yên có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án, chính thức chấm dứt Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Hiện trạng qua xác minh cho thấy, nơi đây vẫn là bãi đất hoang hóa, không có người sử dụng. Còn những cán bộ liên quan đến dự án này, tháng 6 năm 2014, Cơ quan Cảnh sát điểu tra Công an tỉnh Phú Yên khởi tố vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại UBND huyện Đông Hòa. Sau đó 15 cựu cán bộ UBND huyện này phải ra hầu tòa vì đã làm trái các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, trong đó có cựu Chủ tịch, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện; cựu Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, Phó ban đền bù giải phóng mặt bằng Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô…
Các gia đình ông Hồ Văn Trí, bà Trương Thị Hòa, bà Trần Thị Ly Na không nhận được quyết định thu hồi đất, đồng nghĩa việc đất của họ chưa bị thu hồi. Nay dự án đã bị thu hồi, hủy bỏ, thiết nghĩ chính quyền địa phương nên trả lại đất cho dân sử dụng vào mục đích ở và sản xuất, không nên để đất hoang hóa, lãng phí như hiện nay.
Chủ nhân cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng bị địch bắn chết vẫn không được công nhận là liệt sĩ Gia đình tự nguyện làm cơ sở của cách mạng, nơi tập trung lương thực, thực phẩm để chuyển ra ngoài cho lực lượng cách ... |