Chủ nhân cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng bị địch bắn chết vẫn không được công nhận là liệt sĩ
Phóng sự 22/05/2021 08:14
Nhấp ngụm cà phê đen đắng chát đầu môi, ông Hồ Văn Trí, hiện cư ngụ tại khu đô thị Hà Quang 2, phường Phước Hải, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tâm sự: “Năm 1972 địch càn vào làng, đến gần nhà tôi thì bị du kích đánh lựu đạn thương vong. Địch cay cú bắn đạn xối xả vào nhà tôi và dọa sẽ đốt nhà. Khi đó dưới hầm còn hai cán bộ cách mạng ẩn nấp. Cha mẹ tôi ra ngăn cản thì bị địch bắn chết tại chỗ rồi bỏ đi. Sau đó anh em chúng tôi lưu lạc mỗi người mỗi ngả, đến khi được bà con và cán bộ hướng dẫn, anh em chúng tôi làm hồ sơ, lấy xác nhận của những người liên quan nộp cho cơ quan chức năng. Thế nhưng sau thời gian xác minh, họ lại nói không công nhận cho cha mẹ tôi là liệt sĩ được, mà hướng dẫn chúng tôi làm hồ sơ để được cấp Huân chương kháng chiến… Tôi nghĩ, như vậy là không đúng, nhưng cũng không biết làm gì hơn. Và đó là nỗi đau mà anh em chúng tôi đang nung nấu trong lòng. Nhờ nhà báo lên tiếng giúp, đặng cơ quan chức năng nhìn nhận sự hi sinh của cha mẹ chúng tôi, để khỏi tủi vong linh người đã khuất”.
Đem theo tâm sự của ông Hồ Văn Trí, chúng tôi tìm hiểu thì được biết: Cụ Hồ Môn, sinh năm 1915 và cụ Trần Thị Tám, sinh năm 1930, hai cụ sinh được bốn người con, hai trai hai gái, ông Hồ Văn Trí là con trai thứ hai trong gia đình. Thời chiến tranh chống Mỹ, gia đình cụ Hồ Môn sinh sống tại thôn Long Hà, xã Xuân Long (nay là thị trấn La Hai), huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Năm 1963, cụ Hồ Môn và cụ Trần Thị Tám tham gia cách mạng, được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho lực lượng bên ngoài và nuôi giấu cán bộ hoạt động trong lòng địch. Hai cụ khi đó làm nghề tráng bánh tráng, nên thuận lợi cho việc tập hợp gạo, lương thực cung cấp cho lực lượng bên ngoài. Bản thân hai cụ cũng nhiều lần vận chuyển gạo qua sông, giao cho lực lượng vận chuyển về căn cứ.
Huân chương kháng chiến hạng nhì cấp cho cụ Hồ Môn và cụ Trần Thị Tám |
Người trực tiếp giao nhiệm vụ cho cụ Môn và cụ Tám là cụ Phan Hồng Sơn, khi đó là Bí thư Chi bộ, Xã đội trưởng xã Xuân Long. Nhiệm vụ được giao lúc đó là bám trụ, giữ gìn nhà cửa để làm chỗ dựa tập hợp, vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cách mạng và nuôi giấu cán bộ nằm vùng. Ngày 22/9/1994, cụ Phan Hồng Sơn có bản xác nhận, khẳng định gia đình cụ Hồ Môn và cụ Trần Thị Tám là nơi tập kết lương thực, thực phẩm để chuyển ra cho lực lượng cách mạng, bản thân hai cụ cũng vận chuyển gạo ra bên ngoài. Cụ Sơn còn giao nhiệm vụ cho hai cụ nắm tình hình địch, báo cáo cho lực lượng hoạt động bên trong như cơ sở, du kích B và che chở, giúp đỡ cán bộ cách mạng hoạt động trong nhà.
Về cái chết của hai cụ Hồ Môn và Trần Thị Tám, bản xác nhận của cụ Phan Hồng Sơn viết: “Ngày 23/12/1972, địch dùng lực lượng đi “tảo thanh” ở Long Hà, ông Môn và bà Tám đã thực hiện nhiệm vụ được giao, báo cáo cho cách mạng và du kích B đã kịp thời bố trí đánh trúng đội hình, làm chúng bị thương vong. Cay cú, chúng đã xông vào nhà bắn bừa bãi xối xả. Chúng đòi đốt nhà, trong lúc đó có hai cơ sở khác là bà Phan Thị Hồng và bà Phạm Thị Sinh đang đi làm nhiệm vụ, cùng nấp dưới hầm trong nhà ông bà. Ông Môn và bà Tám lên khỏi hầm, ra đấu tranh đòi chúng không được bắn bừa bãi và không được đốt nhà. Vốn chúng đã nghi ngờ gia đình này có quan hệ với cách mạng, chúng đã tàn nhẫn xả súng bắn chết ông Môn, bà Tám trước sân nhà”.
Tờ khai của gia đình liệt sĩ và Biên bản đề nghị xét nhận liệt sĩ của chính quyền thị trấn La Hai |
Các nhân chứng khác như cụ Phan Thị Hồng, người nằm hầm bí mật trong nhà cụ Môn, cụ Tám; cụ Trần Thị Hai, một cơ sở cách mạng khác; cụ Nguyễn Đức Điểm, thời kì đó là cán bộ kinh – tài; cụ Đinh Văn Muộn, khi đó là đội viên đội du kích B, cũng có những bản xác nhận, nội dung tương đương với xác nhận của cụ Phan Hồng Sơn. Như vậy rất rõ, cụ Hồ Môn và cụ Trần Thị Tám bị địch bắn chết khi ngăn chặn địch nhằm bảo vệ cán bộ, chứ không phải bị chết do tình cờ hoặc các nguyên nhân khác.
Trở lại câu chuyện bốn người con của cụ Môn, cụ Tám. Sau khi cha mẹ bị địch bắn chết, người anh cả là ông Hồ Văn Thanh (Hảo) phải đùm bọc các em còn nhỏ. Bốn anh em dắt díu nhau theo bà con vào Tuy Hòa, Phú Yên sinh sống. Rồi ông Thanh phải lưu lạc vào Sài Gòn làm ăn, dành dụm tiền gửi về nuôi các em. Sau đó, người em thứ hai của ông Thanh là ông Hồ Văn Trí chuyển đến sinh sống tại Nha Trang, Khánh Hòa, còn hai em gái vẫn sống tại Tuy Hòa. Đến năm 1975, một người em gái của ông Thanh bị chết, nên họ chỉ còn ba anh em. Do các em còn nhỏ, lại phải bươn chải kiếm sống nuôi các em, nên mấy anh em bỏ bẵng việc khai báo đến cơ quan chức năng, để cha mẹ họ được công nhận liệt sĩ. Mãi tới năm 1994, sau khi có điều kiện về chăm chút mồ mả cha mẹ, được bà con và các cán bộ chỉ dẫn, mấy anh em mới tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận cha mẹ họ là liệt sĩ, để được Nhà nước ghi ơn.
Bốn trong nhiều bản xác nhận của các nhân chứng đều xác nhận cụ Hồ Môn và cụ Trần Thị Tám bị bắn chết khi đang thực hiện nhiệm vụ |
“Chúng tôi mang hồ sơ với đầy đủ xác nhận của các nhân chứng, trong đó có nhân chứng Phan Thị Hồng, là người trực tiếp nằm dưới hầm trong nhà tôi khi cha mẹ tôi bị bắn chết. Hồ sơ như vậy là đầy đủ, các nhân chứng đều ghi rất rõ, cụ thể nhiệm vụ cha mẹ tôi được giao và cái chết của cha mẹ tôi, do bị địch bắn trong khi đang làm nhiệm vụ. Thế nhưng, họ chỉ trả lời miệng với chúng tôi là cha mẹ chúng tôi không trực tiếp chiến đấu, nên không thể công nhận liệt sĩ. Họ hướng dẫn anh em chúng tôi làm hồ sơ, rồi họ cấp cho gia đình chúng tôi Huân chương kháng chiến hạng nhì, với tên cha mẹ tôi là Hồ Môn – Trần Thị Tâm” – ông Trí cho biết.
Cuộc chiến tranh khốc liệt qua đi đã lâu, đủ để khỏa lấp đi những vết thương chiến tranh, nhưng việc tri ân những người có công đóng góp, đặc biệt những người đã hi sinh tính mạng khi hoạt động, cũng cần được xem xét giải quyết. Mà tri ân những người hi sinh tính mạng cho cách mạng, chúng ta phải có thái độ trọng thị, không nên quá xét nét, mà bỏ qua sự biết ơn đối với người đã khuất. Hi vọng, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên tiếp tục xem xét việc này, làm thủ tục công nhận cụ Hồ Môn và cụ Trần Thị Tám là liệt sĩ, để khỏi tủi vong linh người đã khuất.
Để giáo dục, văn hóa thực sự là nền tảng đưa đất nước phát triển toàn diện Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 29/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - ... |