Đôi điều về “thương cho roi cho vọt,...”
Nghiên cứu - Trao đổi 29/05/2024 10:29
Nhà văn Nga I. Riuricopxki viết: “Trẻ em là nguồn sa khoáng hạnh phúc giàu có của thế gian”. Song điều đó chỉ có thể đạt được nếu các cháu được phát triển lành mạnh và chúng ta đối xử đúng mức với chúng. Nếu không thì niềm vui sẽ ít mà khổ đau thì nhiều. Trường hợp bà chủ cơ sở giáo dục mẫu giáo ngoài công lập Ti Bo, ở phường Linh Đông TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh ngồi lên người một bé trai 5 tuổi ép ăn và tát một bé trai 6 tuổi do làm hư đồ chơi đã gây bức xúc trong dư luận xã hội khiến chúng ta nghĩ đến một phương pháp cổ truyền từ hàng nghìn năm nay: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.
Cái roi là biểu tượng quyền lực của một nền giáo dục hà khắc, áp đặt miệt thị, đui điếc trước thiên tính trẻ thơ. Nền giáo dục đó nghĩ rằng giáo dục là dòng nước chảy theo một hướng, là việc “rót tâm hồn” từ bình này (người lớn) sang bình kia (trẻ em). Điều đó nhà văn Nga I Riu ricopxki gọi là “sự lừa dối kéo dài hàng nghìn năm”.
Sự thật thì phương pháp roi vọt đã nhất thời mang lại “hiệu quả trông thấy” khi cần dạy trẻ em thích ứng với nhu cầu của xã hội đầy khuôn mẫu. Chuyện vua Tự Đức khi nhỏ cũng bị bà Từ Dũ nọc ra đánh đòn mỗi khi sai phạm là một ví dụ.
Ảnh minh họa |
Trò chuyện với các bậc phụ huynh học sinh, tôi đã nghe họ nói: “Hồi nhỏ tôi thường bị đánh cho nên bây giờ rất khó kiềm chế”; “Chúng tôi mệt mỏi và luôn bực bội trăn trở nên giận cá chém thớt”; “Thương cho roi cho vọt thì chúng ta cũng được nuôi dạy như vậy, có thấy hại gì đâu?”. Nhưng cũng có bà mẹ nói khác: “Hồi nhỏ tôi thường bị cha mẹ đánh mắng nhưng cắn răng chịu đòn nên bây giờ tôi không đánh mắng con cái”; “Trong lúc khùng lên, tôi đánh mắng con bé, nhưng sau đó thì xót xa ân hận”.
Những trừng phạt thể xác không những có ít tác dụng mà còn làm tổn thương sâu sắc nhân cách của trẻ gây ra những nét xấu nguy hại hơn cả những nguyên nhân mà trẻ chịu đòn: Gieo mầm thù ghét, oán hờn của một kẻ yếu đuối bị ức hiếp. Những hình phạt luôn gây ra sự sợ hãi chứ không tạo nên sự cắn rứt lương tâm của trẻ thơ và tạo nên sự phản ứng thấp hèn nhu nhược, dễ phục tùng, thậm chí mất thăng bằng về tâm lí, có thể dẫn đến dối trá và lẩn trốn thế giới cay nghiệt tàn nhẫn của người lớn. Khi bạt tai trẻ, hoặc bắt úp mặt vào tường… thì than ôi, chúng ta đã không thông minh, thậm chí trở thành kẻ độc ác. Chúng ta đã cướp đi niềm vui và sự ngọt ngào của trẻ thơ. Đánh mất đi những tình cảm tốt đẹp nhất ở trẻ thơ và cả ở bản thân mình. Bạo lực với kẻ khác cũng luôn tác động trở lại bản thân mình như con dao hai lưỡi. Tôi đã từng được nghe một bé gái nói với bạn sau khi bị mẹ ghẻ đánh: “Tao ghét cái mụ ấy lắm”; còn một bé trai thì bảo: “Tao chỉ mong không phải giáp mặt với ông ấy”.
Khi còn học ở trường sư phạm, tôi nhớ các nhà tâm lí học phân tích đại ý là: Đối với trẻ em nỗi sợ hãi làm tăng thêm cơ hội phạm sai lầm. Mối lo ngại bị trừng phạt sẽ làm chậm đi quá trình học hỏi, nhận biết của trẻ. Các thói quen do sự sợ hãi tạo ra tính nhút nhát, dối trá rất khó sửa đổi.
Biết vậy nhưng những người làm công tác giáo dục trẻ thơ (đặc biệt là các cơ sở giáo dục ngoài công lập) vẫn mắc những sai lầm không đáng có. Nguyên nhân chủ yếu là do sự học của họ chắp vá thiếu hàn lâm. Các nhà quản lí giáo dục chưa đi sâu đi sát quản lí, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nói chung, đặc biệt là giáo dục ngoài công lập. Thứ nữa là các nhà xây dựng khu chung cư không chú ý dành phần đất để xây dựng khu mẫu giáo, thành thử người ở chung cư phải mang con đến cơ sở giáo dục ngoài công lập vì gần nhà và cũng vì hợp với túi tiền của công nhân thu nhập mỗi tháng mươi triệu đồng.
Yêu thương là cơ sở của sự giáo dục đúng đắn nhưng cũng đầy khó khăn, được dựa trên một hệ thống động cơ tâm lí - đạo đức phức tạp. Muốn hoàn thành nó trước tiên phải nhận thức được cái lõi nhân tính trong mối quan hệ giáo dục là tính nhân bản. Thực tế cho thấy sự hòa đồng trong hoạt động giáo dục, người lớn đã thu nhận được vô số điều từ trẻ em để trở thành nhà giáo dục đích thực: Chính nhờ trẻ em những điệu tâm hồn, những phẩm chất mới của nhà bảo dưỡng là tình thầy trò - huynh đệ được mở ra. Sự trong sáng trẻ thơ, sự rụt rè dịu dàng, sự bộc trực tin cậy, sự thẳng thắn ngây thơ và tất cả diện mạo trẻ thơ đã làm thức tỉnh hay góp phần gìn giữ ở ta những phẩm chất tương tự. Khi hướng dẫn khả năng quan sát của trẻ, ta có thể tự phát triển khả năng đó của mình. Khi dạy các em lòng tốt, sự quan tâm đến người khác chúng ta có thể làm cho mình tốt hơn. Lợi dụng ngọn gió thuận chiều có thể hướng vào cánh buồm của hồn ta, để cùng với trẻ, và chính chúng ta có sự phát triển tốt hơn theo hướng hoàn thiện.
Đây chính là cái lõi của một nền giáo dục tương xứng với thế kỉ XXI, thế kỉ văn hóa nhân văn, phải gạt bỏ tận gốc nền giáo dục hà khắc, áp đặt thành nền sư phạm nhân đạo, hợp tác, tin cậy và yêu thương.