Đôi điều cảm nhận
Văn hóa - Thể thao 21/12/2023 10:51
Chỉ mới nhìn tên cuốn sách với cái bìa là một cái cân công lý tôi đã thấy hấp dẫn và muốn đọc ngay. Đọc xong mỗi chương, lại muốn đọc tiếp chương khác vì câu chuyện hấp dẫn và lôi cuốn. Thế là chỉ hơn 1 ngày tôi đọc xong “Lộ Diện”. Gấp cuốn sách lại, tôi trầm ngâm suy nghĩ về 3 vấn đề sau đây:
Thứ nhất:. Cuốn sách với gần 290 trang, 16 chương, đã phản ánh hiện thực cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra vô cùng cam go, phức tạp. Lộ Diện đã tái hiện những thói hư tật xấu, những mánh mung, mưu mô xảo quyệt, lối sống sa đoạ, hư hỏng, vô luân, vô pháp, chạy theo đồng tiền bất chấp luân thường đạo lí của một số quan chức lúc nào cũng lớn tiếng rao giảng đạo đức giả của thành phố Hoàng Hà. Thông qua đây, tiểu thuyết “Lộ Diện” nhằm dự báo cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta phát động đã và đang diễn ra phức tạp nên mọi cấp, mọi ngành và cả hệ thống chính trị cần phối hợp chặt chẽ để đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này.
Thứ hai: “Lộ Diện” cũng tái hiện những sự kiện và con người trong các cơ quan tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát Nhân dân nói riêng đang phối hợp chặt chẽ, đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng, tiêu cực. Tôi cũng đọc nhiều câu chuyện về tư pháp trên các sách báo mang tính giật gân, câu khách nhưng đọc xong, không để lại dấu ấn vì rất tẻ nhạt. “Lộ Diện” là câu chuyện đánh án do những cán bộ trong ngành Kiểm sát thực hiện cũng khá gay cấn, căng thẳng, li kì. Nhưng điều làm tôi rất chú ý, những cán bộ này đã thể hiện ý chí, nghị lực, không quản hiểm nguy, quyết đi đến tận cùng để vạch trần cái ác, cái xấu, cái tiêu cực và không làm oan người vô tội. Dưới ngòi bút của nhà văn Dương Thanh Biểu, đội ngũ cán bộ Kiểm sát đã thể hiện phẩm chất nhân văn, sâu đậm: Hết lòng yêu ngành, yêu nghề, yêu gia đình và yêu đồng nghiệp. Cho nên đọc “Lộ Diện” kể về vụ án nhưng không xơ cứng, ngược lại rất thấm đẫm tình yêu thương ngọt ngào.
Như vậy, tiểu thuyết “Lộ Diện” đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, các thế lực “giặc nội xâm” hay “giặc ngoại xâm” dù trăm mưu ngàn kế, dù gian xảo, quỷ quyệt đến đâu cũng bị lực lượng cách mạng đánh bại, buộc chúng phải “Lộ Diện” và chung số phận bị tiêu diệt, triệt phá. Lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm là bộ máy chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật trung thành, tận tuỵ, liêm chính và kiên quyết đang ngày đêm phấn đấu nhằm bảo vệ cuộc sống yên bình, hạnh phúc của Nhân dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Tôi nghĩ đó là giá trị to lớn mà cuốn tiểu thuyết “Lộ Diện” của nhà văn Dương Thanh Biểu đã đề cập.
Thứ ba: Vài điều về tác giả. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tôi và anh Dương Thanh Biểu cùng đơn vị nên rất hiểu anh là con người mưu trí, dũng cảm chỉ huy đơn vị lập nhiều chiến công. Khi anh là Đại đội trưởng, Đại đội 1, chủ công của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, sư 10 Quân đoàn 3, chỉ huy đơn vị chiến đấu dũng cảm. Đại đội anh lúc đó đã đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn địch. Nhưng không may, kết thúc trận đánh thì anh bị thương rất nặng phải ra Bắc điều trị. Anh là thương binh, chuyển ngành về Viện Kiểm sát Nhân dân thối cao. Với bản chất Bộ đội Cụ Hồ, anh đã tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện và trở thành cán bộ cấp cao của ngành Kiểm sát. Khi về nghỉ theo chế độ, anh vẫn miệt mài lao động, sáng tác cống hiến cho sự nghiệp văn chương. Cho nên đọc xong tiểu thuyết “Lộ Diện” tôi thấy thấp thoáng hình bóng của người lính trẻ Dương Thanh Biểu, Đại đội trưởng một đơn vị chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên, đánh thắng nhiều trận, tiêu diệt nhiều địch, lập nhiều chiến công trên mặt trận “chống ngoại xâm” năm xưa. Khi chuyển về ngành Kiểm sát, anh vẫn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, mưu trí, dũng cảm xông pha cùng đồng nghiệp trên mặt trận “chống nội xâm” ngày nay.
Xin chúc mừng TS nhà văn Dương Thanh Biểu với tác phẩm văn học thứ 10, tiểu thuyết “Lộ Diện”. Chúc anh và gia đình sức khỏe, tiếp tục có những tác phẩm văn học phục vụ nhu cầu của bạn đọc.