Đọc lại “Nhớ máu”, nhớ Trần Mai Ninh
Văn hóa - Thể thao 21/06/2024 15:49
Nhưng trong lĩnh vực văn nghệ, thành công hơn cả của ông là thơ. Trong gần ba chục bài thơ hiện đã sưu tầm được thì hai bài “Tình sông núi” và “Nhớ máu” là hay nhất của ông. Năm 1947, tham gia kháng chiến chống Pháp ở Liên khu V, ông bị giặc bắt và đã hi sinh anh dũng. Mãi đến tháng 3/1947, bài Nhớ máu mới được lưu truyền rộng rãi sau khi in trong tạp chí Văn nghệ số 1.
Có thể nói “Nhớ máu” là một trong những bài thơ hay nhất của thơ ca cách mạng trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Tác giả ghi dưới bài thơ: Kết thúc đêm 9/11/1946, tại Tuy Hòa. Thời kì đó, nhiều nhà thơ lớp trước đang mày mò thể nghiệm, lớp nhà thơ trẻ thì chưa kịp trưởng thành. Từ miền khu V rừng rực lửa chiến đấu, Trần Mai Ninh đã ném ra “Nhớ máu” và để lại một ấn tượng đẹp đẽ về thi ca cách mạng trong lòng bạn đọc.
Điều đáng chú ý, trước đó, Trần Mai Ninh viết nhiều thơ nhưng chưa nổi trội và lời thư còn cũ. Xin dẫn ra đây bài “Thèm trăng” tác giả viết ở nhà tù Thanh Hóa tháng 1/1942:
Trăng ở đâu xa mới trở về/ Đem màu sao biếc tặng pha lê/ Trên tường mắt trẻ nhìn lưu luyến/ Tha thiết mong gió tựa hoa kề/ Ôi đã ba trăng thầm nuốt hận/ Âm thầm nằm lắng bước thời gian/ Mơ rừng hàn mặc bao nhiêu bận/ Líu mộng tơ trăng líu nhịp đàn/ Đêm hôm nay mơ thấy hồn trăng/ Chẳng được trên vàng say đặt bước/ Vươn ngắm trăng ngoài sân lả lướt/ Hồn mơ chân tưởng vấp bâng khuâng.
Hầu hết các bài khác của ông viết trước 1945 đều một giọng như vậy. Thế mà liền sau đó, tháng 11/1946, tắm mình trong không khí sôi sục cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, ông đã viết: “Nhớ máu” với một phong cách hoàn toàn đổi mới, từ chiều sâu suy nghĩ, chiều sâu cảm xúc cho đến hình thức thể hiện. Bài thơ mở đầu không rềnh ràng, mà lập tức buộc người đọc cùng cuốn theo cảm xúc mãnh liệt của tác giả: “Ô cái gió Tuy Hòa…/ Cái gió chuyên cần/ Và phóng túng/ Gió đi ngang, đi dọc/ Gió trẻ lại lưng chừng/ Gió nghĩ/ Gió cười/ Gió reo lên lồng lộng…”.
Và suốt cả bài thơ, mạch cảm xúc đó cứ cuồn cuộn, hối hả, tới tấp. Càng đọc tình cảm chúng ta càng cuộn sôi cùng với tác giả và cùng với Nhân dân chiến đấu. Cho đến hết bài thơ, lòng chúng ta trào lên niềm tin tưởng cùng với niềm tin mạnh mẽ của tác giả vào cuộc kháng chiến của toàn dân: “Các anh hùng tay hạ súng trường/ Rồi khẽ vuốt mồ hôi và máu/ Họ cười vang rung lớp lớp tinh cầu.
Đây là một bài thơ không vần nhưng rất giàu nhạc điệu - có thể nói đây là một trong những bài thơ không cần thành công nhất trong thi ca thời kì kháng chiến chống Pháp. Và suốt bài thơ, hình ảnh liên tiếp dựng lên, dạt dào và lối cuốn. Những hình ảnh đó có khi thật táo bạo: Gió trẻ lại - lưng chừng/ Gió nghĩ/ Gió cười…”.
Có khi sắc nét, có tính chất khắc họa với những đường nét cụ thể và độc đáo: “Ô, những người/ Đen như mực đặc thành keo/ Tròn một củ/ Hay những người gầy sắt lại/ Mặt rẹt một đường gươm/ Lạnh gáy/ Lòng bàn tay/ Khắc ấn chuôi dao găm/ Chân bọc sắt/ Mắt khoét thủng đêm dày…”.
Đến nay, và mãi sau này, bài thơ vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Nhưng, trên Tạp chí Văn nghệ số 1 ra đời nơi rừng núi Việt Bắc, đọc lại bài thơ “Nhớ máu” (cùng với bài “Cả nước” của Tố Hữu) in trên giấy bản màu vàng ố, ta càng xúc động và càng thấy rõ giá trị buổi đầu của nó.