Đền Chiêu Trưng và danh tướng Lê Khôi
Văn hóa - Thể thao 18/12/2019 09:45
Theo sử sách, đền Chiêu Trưng được xây dựng vào khoảng thế kỉ XV, là một trong 4 công trình kiến trúc nổi tiếng ở Nghệ Tĩnh cùng với đền vua Lê, đình Hoành Sơn, đình Trung Cần.
Danh tướng Lê Khôi là con ông Lê Trừ, gọi vua Thái tổ Lê Lợi bằng chú ruột. Cha mẹ mất sớm, ông ở với Lê Lợi và cùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn, tham gia tổ chức Hội thề Lũng Nhai và có tên trong danh sách 35 công thần khởi nghĩa.
Đền Chiêu Trưng |
Trong trận Bồ Ải (Anh Sơn) diễn ra vào năm 1424, ông cùng các tướng sĩ đánh tan giặc Minh do Sư Hựu chỉ huy, giết chết tướng tiên phong Hoành Thành, bắt sống Đô đốc Chu Kiệt và trên 1.000 quân địch. Trong trận đánh thành Xương Giang diễn ra vào năm 1427, ông cùng các tướng Nguyễn Xí, Phạm Vấn, Trương Lôi đem 3.000 quân Thiết đột và 4 voi chiến cùng với các đội nghĩa quân đồng loạt tổng tấn công hạ thành. Giặc Minh đại bại, Thôi Tụ, Hoàng Phúc với 300 tướng lĩnh và 2 vạn quân bị bắt. Sau chiến thắng Xương Giang, Lê Khôi được phong Hổ vệ Thượng tướng quân, Tư mã; sau đó được vua cử vào coi châu Hóa; rồi lại ra đánh dẹp giặc ở Thái Nguyên.
Đời vua Lê Thái Tông, năm 1437, danh tướng Lê Khôi được thăng Nhập nội Tư mã Tham tri Chính sự, gia phong Đô đốc tham dự triều chính nhưng sau đó bị bãi chức. Đến năm 1443, niên hiệu Thái Hòa ông mới được phục chức Nhập nội Thiếu úy, cử vào coi phủ Nghệ An, tức vùng đất Hà Tĩnh, Nghệ An ngày nay. Năm 1446, danh tướng Lê Khôi cùng tướng Nguyễn Xí, Nguyễn Chính đem quân vào châu Hóa đánh Chiêm Thành, bắt được chúa Chiêm là Bí Cai. Giữa mùa Hạ năm ấy, đại quân về đến cửa bể Nam Giới (cửa Sót) thì ông bị bệnh nặng rồi mất vào ngày 3/5/1446. Ngay sau đó, ông được triều đình tặng chức Nhập nội đại hành khiển Thái úy Tán Quốc công, ban tên thụy Võ Mục.
Mộ và đền thờ danh tướng Lê Khôi đặt ở đỉnh Long Ngâm. Hằng năm, triều đình giao cho quan trấn thủ Nghệ An phải về đây tế lễ nghiêm trang. Do đó đền Chiêu Trưng được gọi là đền quốc tế-tức quốc gia làm lễ tế thần. Năm Quang Thuận thứ 4 (1463) vua Lê Thánh Tông sai Bảng nhãn Nguyễn Như Đỗ soạn bài văn bia. Vua Lê Thánh Tông còn ban tấm hoành phi đề 4 đại tự “Nam thiên tuấn vọng” và làm một bài thơ Nôm đánh giá tài năng và công trạng của danh tướng Lê Khôi: Dẹp yên bốn cõi mới buông tay/ Rờ rỡ thai sinh một đóa mây/ Tể tướng bếp tàn mai lạnh vạc/ Tướng quân dinh vắng liễu chau mày/ Phong lưu phú quý ba đời thấy/ Sự nghiệp công danh bốn bể đầy/ Thương ít tiếc nhiều khôn xiết chể/ Miếu đường hồ dễ cột nào thay.
Năm 1487, niên hiệu Hồng Đức thứ 18, vua Lê Thánh Tông gia tặng ông tước Chiêu Trưng Đại vương. Dưới triều Nguyễn, năm 1823, Chiêu Trưng Vương Lê Khôi được thờ phụ ở miếu Linh Đại đế vương; năm 1835, hiệu Minh Mạng thứ 16 được thờ phụng ở Võ Miếu (Huế). Năm 1849, niên hiệu Tự Đức thứ 2, Lê Khôi được phong Thượng đẳng thần dự thờ ở Võ Miếu.
Đền Chiêu Trưng được kiến thiết vào năm 1467, niên hiệu Thái Hòa thứ 5, đời vua Lê Nhân Tông. Từ năm 1641, đời Lê Thần Tông ngôi đền Chiêu Trưng ở đỉnh Long Ngâm, được giao cho 3 xã là Mai Phụ, Vĩnh Tuy và Kim Đôi trông nom và thờ cúng. Năm 1709, đời Lê Dụ Tông, sắc cho dân Mai Phụ được làm tảo lễ. Dân đánh cá trên dòng sông từ cầu Nghèn đến cửa Nam Giới nộp tiền thuế do dân tảo lễ thu góp chi cho việc hương đèn thờ phụng danh tướng Lê Khôi.
Mộ của Chiêu Trưng Đại vương đặt ở sau đền thờ ông. Mộ được xây trên nền cao kiểu trùng diêm, 4 phía bao tường hoa, phía trước có 4 trụ. Giữa trụ là cột hoa biểu, hai bên là cột cổng. Giữa hai trụ hoa biểu là bàn thờ, hai bên có bậc lên mộ.
Bên cạnh đền chính ở đỉnh Long Ngâm, hiện nay rất nhiều làng xã như Thạch Kim, Mai Phụ, huyện Lộc Hà… có lập đền thờ vọng danh tướng Lê Khôi và tổ chức lễ hội giỗ danh tướng. Hằng năm vào ngày mùng 3/5 âm lịch, ngày giỗ của danh tướng Lê Khôi, Nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội trong 2 ngày mùng 3 và mùng 4 rất long trọng, tưng bừng và náo nhiệt; có rước kiệu thần và đua thuyền trên sông Sót từ xã Mai Phụ đến cửa Ông.
Đền Chiêu Trưng được chính quyền địa phương và Nhân dân trong vùng bảo tồn gần như nguyên vẹn cảnh quan và kiến trúc cổ độc đáo, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.