Đề nghị TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết công minh, đúng pháp luật
Pháp luật - Bạn đọc 05/04/2021 08:46
Năm 2003, thấy Quốc lộ 1A không làm tới, bà Võ Thị Quê, người nhận chuyển nhượng đất phía sau, nhảy ra tranh chấp. Bản án số 04/2013/DSST của TAND huyện Thuận Nam xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Quê. Nhưng Bản án phúc thẩm số 38/2013/DSPT của TAND tỉnh Ninh Thuận xử bà Quê thắng kiện. Bị đơn làm nhiều đơn kiến nghị giám đốc thẩm, nhiều nơi nhận đơn có giấy báo, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết…
Đơn khởi kiện của bà Võ Thị Quê trình bày, ngày 1/6/1992, bà Quê nhận chuyển nhượng đất rẫy trồng cây ăn trái của ông Lê Văn Quang và vợ là bà Nguyễn Thị Út, tại thôn Lạc Nghiệp, xã Phước Diêm (nay là thôn Lạc Sơn 2, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam. Ngày 2/7/2007, bà Quê được UBND huyện Ninh Phước (cũ) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số AK 461041, thuộc thửa số 2, tờ bản đồ số 27, diện tích 5.573m2. Sau đó bà Nguyễn Thị Tâm lấn chiếm khoảng 300m2 phần đất mặt tiền giáp Quốc lộ 1A, nên hai bên xảy ra tranh chấp. Bà làm đơn khiếu nại gửi xã Cà Ná, nhưng giải quyết không thành. Tại đơn khởi kiện bổ sung, bà Quê cho rằng, diện tích đất bị lấn chiếm là 656m2, nhưng tại phiên tòa bà thống nhất diện tích này là 599m2.
Khu đất tranh chấp nằm cặp ngay Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Cà Ná |
Bà Nguyễn Thị Tâm trình bày: Vào năm 2001, vợ chồng ông Lê Văn Quang, bà Nguyễn Thị Út chuyển nhượng cho bà diện tích đất có tứ cận: Đông giáp đất bà Quê (đất mua của vợ chồng ông Quang, bà Út), Tây giáp Quốc lộ 1A, Nam giáp đất bà Bông, Bắc giáp nhà Thanh Hoa (nhà máy nước đá cũ). Hai bên làm giấy viết tay, có vẽ sơ đồ thửa đất. Sau khi nhận chuyển nhượng bà đổ đất xây kiềng làm lò cá hấp, thì bà Quê tranh chấp. UBND huyện Ninh Phước giải quyết cho rằng đất tranh chấp là hành lang đường bộ, nên không giao cho hộ nào sử dụng. UBND tỉnh Ninh Thuận giải quyết giao đất cho bà Quê. Bà không thống nhất nên khiếu nại, đồng thời lấy lại đất quản lí, sử dụng đến nay. Tại đơn yêu cầu phản tố, bà Tâm yêu cầu hủy một phần sổ đỏ số AK 461041 ngày 2/7/2007, do UBND huyện Ninh Phước (cũ) cấp cho bà Quê, vì căn cứ vào Giấy sang nhượng đất giữa vợ chồng ông Quang với bà Quê, đất sang nhượng chỉ có diện tích 4.350m2, nhưng sổ đỏ lại cấp 5.573m2 là không đúng thực tế.
Khu vực tranh chấp hiện vẫn “dậm chân tại chỗ” vì chưa được giải quyết dứt điểm |
Bản án số 04/2013/DSST ngày 15/3/2013 của TAND huyện Thuận Nam căn cứ Giấy sang nhượng rẫy ngày 1/6/1992 giữa vợ chồng ông Quang, bà Út với bà Quê. Theo đó, phần đất bà Quê nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Quang, bà Út có bề ngang 30m, bề dài 80m, nhưng sổ đỏ cấp cho bà Quê lại thể hiện dài 105m, trừ phần đất tranh chấp 17,8m, còn lại 87,2m, như vậy vẫn dư so với Giấy sang nhượng rẫy. Trong quá trình thu thập chứng cứ, cũng như tại phiên tòa, bà Quê và vợ chồng ông Quang, bà Út đều khẳng định Giấy nhượng rẫy ngày 1/6/1992 chính là do các bên thỏa thuận lập. Mặt khác, một nhân chứng là bà Trần Thị Hoa xác nhận: Quá trình sử dụng đất, bà Quê có đặt vấn đề với bà đổi đất phía sau của bà Quê, lấy 5m đất mặt tiền của bà Hoa, để làm đường đi vào đất của mình, nhưng bà Hoa không đồng ý. Bà Hoa giới thiệu đất còn lại của ông Quang, bà Út cho bà Quê mua, nhưng bà Quê không mua vì lí do đất đó nằm trong quy hoạch.
Bà Quê cũng có lời khai đã biết phần đất tranh chấp nằm trong quy hoạch, nên vẽ nét đứt để phân biệt. Bà Quê cũng xác nhận, sau khi bà mua đất, vợ chồng ông Quang, bà Út vẫn tiếp tục cất nhà tạm trên phần đất tranh chấp. Suốt thời gian này cho đến khi bà Tâm nhận chuyển nhượng của ông Quang, bà Út và làm nhà muối mắm, bà Quê không hề tranh chấp gì với ông Quang, bà Út. Như vậy rõ ràng phần đất tranh chấp không nằm trong hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Quang, bà Út với bà Quê. Do đó, việc bà Tâm nhận chuyển nhượng phần đất này là phù hợp với quy định của pháp luật. Bà Quê khởi kiện đòi lại phần đất này là không có căn cứ để chấp nhận.
Khu đất của bà Võ Thị Quê nhận chuyển nhượng của ông Quang, bà Út hiện vẫn để đó chưa sử dụng |
Ngày 2/7/2007, UBND huyện Ninh Phước cấp sổ đỏ số AK 461041 cho bà Quê, là căn cứ Quyết định số 8140/QĐ ngày 14/12/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, về giải quyết khiếu nại của bà Quê. Tại Quyết định này, UBND tỉnh Ninh Thuận căn cứ Giấy chuyển nhượng rẫy ngày 1/6/1992 giữa vợ chồng ông Quang, bà Út với bà Quê, nhưng lại lấy cả phần đất bà Tâm nhận chuyển nhượng từ ông Quang, bà Út giao cho bà Quê. Do đó, yêu cầu của bà Tâm về việc hủy một phần sổ đỏ số AK 461041, đối với diện tích 599m2 đất, là có cơ sở chấp nhận.
Từ những nhận định nêu trên, Bản án số 04/2013/DSST của TAND huyện Thuận Nam tuyên: Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Quê; Hủy một phần sổ đỏ số AK 461041 ngày 2/7/2007, do UBND huyện Ninh Phước cấp cho bà Quê, đối với diện tích 599m2 bà Tâm nhận chuyển nhượng của ông Quang, bà Út. Thế nhưng, ngày 10/9/2013, TAND tỉnh Ninh Thuận đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, ban hành Bản án số 38/2013/DSPT, tuyên: Đình chỉ yêu cầu phản tố của bà Nguyễn Thị Tâm; Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Quê. Bản án số 38/2013/DSPT này không căn cứ các tài liệu, chứng cứ như TAND huyện Ninh Phước, mà chỉ căn cứ Quyết định số 1298/QĐ ngày 21/11/2003 của Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, Quyết định số 8140/QĐ ngày 14/12/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận. Bà Tâm không thể đồng ý, nên đã khiếu nại Quyết định số 8140/QĐ nhưng chưa được giải quyết, thì TAND tỉnh Ninh Thuận lại lấy ra làm căn cứ để xét xử, là không tôn trọng sự thật khách quan, không thượng tôn pháp luật.
Bà Tâm làm đơn khiếu nại Bản án phúc thẩm số 38/2013/DSPT của TAND tỉnh Ninh Thuận, đề nghị kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 13/5/2014, TAND Tối cao có Giấy xác nhận đơn của bà do bưu chính chuyển đến ngày 28/4/2014, có nội dung đã nhận được đơn và hứa: “TAND Tối cao sẽ tiến hành xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”. Thế nhưng sau đó bà nhận được Giấy báo số 306/2014/GB-CQTTPN đề ngày 28/5/2014 của Cơ quan thường trực phía Nam TAND Tối cao, về việc chuyển đơn kiến nghị, có nội dung: “Cơ quan thường trực TAND Tối cao tại phía Nam đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án, kèm theo đơn đề nghị kháng nghị của bà đến Tòa Dân sự để giải quyết theo thẩm quyền...”, hướng dẫn bà liên hệ với Tòa Dân sự TAND Tối cao tại 262 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội, để biết kết quả giải quyết.
Thế rồi mọi việc trôi vào im lặng, bẵng đi đến ngày 31/12/2020, TAND Tối cao mới lại có Văn bản số 970/TANDTC-VP, gửi TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, nội dung chuyển đơn của bà Tâm đến đây để giải quyết. Bà Tâm lại chờ đợi trong vô vọng, đến nay cũng chưa thấy hồi âm.
Một vụ việc tưởng chừng như đơn giản, mà người dân chỉ biết chờ đợi trong ngần ấy năm, chưa được cơ quan nào trả lời có thụ lí giải quyết hay không? Hi vọng rằng tới đây TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh sẽ thụ lí, kháng nghị và xem xét Bản án số 38/2013/DSPT của TAND tỉnh Ninh Thuận, xem xét một cách khách quan vụ việc, để bà Tâm yên tâm sinh sống và sản xuấtn