Đầu Xuân khao lão ở làng Diệc
Văn hóa - Thể thao 16/02/2024 10:00
Tục khao lão của người làng Diệc quy định khá nghiêm ngặt. Từ rất lâu đã quy định đàn ông 54 tuổi mới được làng cho lên lão. Tục lệ không bắt buộc ai đến tuổi cũng phải làm, mà tùy theo nhu cầu và điều kiện từng người nhưng nếu không làm thì sau này không được làm nữa. Người ở xa không về được có thể gửi tiền nhờ anh em, họ hàng làm cỗ thay. Lễ khao lão làng Diệc tổ chức một năm một lần vào sáng mùng 3 Tết, tại miếu làng.
Những người lên lão phải có một mâm cỗ đặc biệt. Cỗ lão phải giống nhau theo quy định chung, xếp hai tầng và đủ, có nước, có mặn. Cỗ mặn với 4 bát nấu và 8 đĩa. Cỗ nước có 4 bát chè, đĩa xôi và các loại bánh.
Mâm cỗ lão hiện nay so với trước kia đã đơn giản hơn nhiều. Vẫn 4 bát nấu gồm chân giò ninh và bát mọc nạc; 8 đĩa gồm 4 đĩa giò, 1 đĩa nem, 1 đĩa thịt gà, 1 đĩa cá chép, 1 đĩa mọc hấp. Cỗ nước chỉ còn chè và xôi. Nhìn vào mâm cỗ, ta cảm nhận cuộc đời mỗi con người. Ở đó có vất vả, vui buồn và thành đạt, no ấm.
Cái hấp dẫn, ngon và độc đáo chính là cách chế biến và trình bày các món cỗ. Trong mâm cỗ mặn, đĩa cá chép nằm võng là điểm nhấn, đòi hỏi chế biến tỉ mỉ, mất nhiều thời gian nhất. Cá từ ba cân trở lên, rán xong phải cong như mái đình, vàng óng màu lúa đang chín. Vảy cá đều tăm tắp, không cong vênh. Mắt nguyên hình như đang đùa giỡn với sông nước, hàm chứa nét văn hóa ẩm thực riêng của làng Diệc.
Sau món cá chép cầu kì là món thịt gà. Gà là gà trống thiến đã rút xương, chặt không để rách da và phải bày khum khum như đĩa xôi. Một trong những món khó làm nhất là đĩa mọc hấp. Đĩa mọc làm bằng nhiều nguyên liệu khác nhau như thịt lợn, gan lợn, gan gà, mề gà, trứng,... phải cao bảy phân so với mặt đĩa và khi hấp không bị hở chân mới đạt yêu cầu. Ngoài các đĩa, các bát nấu cũng khá công phu, thể hiện sự khéo léo, tinh tế.
Bên cạnh cỗ mặn là cỗ nước. Cỗ nước hiện nay đã giảm hết các loại bánh chỉ còn xôi và 4 bát chè. Đĩa xôi tưởng đơn giản nhưng lại chế biến sao cho từng hạt xôi rời, không kết dính nhưng phải dẻo, thơm.
Người làng Diệc đã chế chiếc mâm gỗ có kích thước lớn hơn những chiếc mâm thường dùng để đựng được tất cả các món ăn. Đúng 5 giờ sáng mùng 3 Tết, cửa miếu mở. Những người đủ tuổi lên lão trong năm mới sẽ lần lượt dâng cỗ. Mâm cỗ của người lên lão có bố cao tuổi nhất sẽ được đặt ở vị trí trung tâm để lễ thánh. Các mâm sau theo thứ tự tuổi ông bố của người được lên lão đặt xung quanh. Lễ xong nhà nào về nhà đó khao làng, khao họ. Ngoài mâm cỗ lão, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, các gia đình sẽ làm thêm vài mâm cỗ thường để người thân, họ hàng chung vui.
Tại làng Diệc hiện có mấy trăm người đã lên lão. Khao lão một lần nhưng đi ăn cỗ cả đời vì được những người khao lão sau mời. Ai lên lão cũng được mời song không phải tất cả mọi người đều được dự. Gia đình có tang trở, làm sang cát sẽ không đến ăn cỗ lão. Việc mời cũng phải theo quy tắc, thể hiện sự kính trọng người sau với người trước. Theo danh sách bốc thăm, người sẽ lên lão cầm một quả cau đến nhà người đã lên lão để mời. Câu mời xưng hô cũng khác ngày thường, người đến mời phải gọi người được mời bằng cụ. Qua ngày lên lão, cách gọi lại trở về như ngày thường.
Sau khi lên lão, các cụ đều đóng góp vào việc của làng; như tu bổ đình, chùa, hay làm đường nông thôn mới, nhà văn hóa thôn… Quỹ đó gọi là quỹ công của những lão làng. Người ta căn cứ vào những người làm lão mà cắt cử vai vế cũng như nhận việc làng, việc họ. Ai không tham gia làm lão đều không được tham gia tiến cử các công việc của làng.
Mùng 3 Tết, làng Diệc hội mừng cho làng có thêm các bậc lão gìn giữ gia phong. Lên lão - đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên. Cũng là cách giáo dục, răn dạy con cháu bổn phận ăn ở có trước, có sau với người đời, với xã hội. Phong tục thể hiện khát vọng sống lão, sống thọ, sống sung túc, no đủ của dân địa phương. Bởi ý nghĩa đó, tục lên lão vẫn được người dân làng Diệc duy trì, gìn giữ đến tận ngày nay và chắc chắn còn tồn tại mãi.