Dấu tích hơn 2.000 năm của đấu trường La Mã
Du lịch 14/10/2020 11:10
Roma: từ Vương quốc La Mã cổ đại đến nước Cộng hòa Ý
Có được chuyến đi này, bởi khi đó con gái lớn của tôi đang học thạc sỹ tại trường đại học ở thành phố Becmoga và con gái nhỏ của tôi ở Nhật bản, đã sắp xếp chuyến du lịch này cho cả gia đình.
Chúng tôi tới thủ đô nước Ý, theo tiếng La tinh, tiếng Ý và tiếng Pháp là Roma, còn theo phiên âm tiếng Việt là La Mã.
Nơi chúng tôi đến đầu tiên là thủ đô Roma, thành phố đóng vai trò là thủ phủ vùng Lazio, dọc theo con sông Tevere (khu vực Latium lịch sử) thuộc Trung Tây của bán đảo Ý. Roma là thành phố lớn nhất và đông dân nhất ở Ý với hơn 2,8 triệu cư dân trong phạm vi 1.285 km2, đây là thành phố đông dân thứ ba của Liên minh châu Âu, sau Berlin và Madrid, tính theo số dân sinh sống bên trong phạm vi thành phố.
Lịch sử ra đời của Roma vào khoảng năm 753 trước Công nguyên, khi đó vùng đất này đã có cư dân sinh sống, vì thế thành phố trở thành một trong những khu định cư lâu đời nhất tại châu Âu. Roma trở thành thủ đô của Vương quốc La Mã cổ đại rồi đến Cộng hòa La Mã và Đế quốc La Mã, là cái nôi của nền văn minh phương Tây, cũng như là kiểu mẫu đô thị trung tâm. Roma được mệnh danh là Kinh đô Thế giới và cũng được gọi là Thành phố vĩnh hằng.
Công trình mỹ thuật kiệt tác ở thành phố Roma : Ảnh Nghiêm Thị Hằng |
Sau sự sụp đổ của Đế quốc La Mã, là khởi đầu của Đêm trường Trung cổ, Roma dần rơi vào sự thống trị của Giáo hoàng (đã cư ngụ tại thành phố kể từ thế kỷ 1) và chính thức thế kỷ 8 trở thành Thủ đô của Vương quốc Giáo hoàng tồn tại cho đến năm 1870. Bắt đầu từ thời kỳ Phục Hưng, hầu như tất cả các Giáo hoàng từ Nicôla V (1447–1455) trở đi đều chủ trương theo đuổi tiến trình mang tính kiến trúc và đô thị hóa liên tục suốt 400 năm nhằm mục đích biến thành phố trở thành trung tâm nghệ thuật và văn hóa của thế giới. Roma trở thành trung tâm lớn của nền Phục Hưng Ý và sau đó là nơi khai sinh của trường phái Baroque và chủ nghĩa Tân cổ điển. Các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư nổi tiếng đã biến Roma trở thành trung tâm hoạt động của họ, tạo ra những kiệt tác khắp toàn thành phố. Năm 1871, Roma chính thức trở thành thủ đô của Vương quốc Ý thống nhất và sau đó là Cộng hòa Ý từ năm 1946 cho đến ngày nay.
Mang đẳng cấp của một thành phố toàn cầu, năm 2016, Roma xếp thứ 14 trong số những thành phố được viếng thăm nhiều nhất thế giới, đứng thứ 3 tại châu Âu và là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất tại Ý. Khu trung tâm lịch sử của Roma được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.Bảo tàng Vatican nổi tiếng nằm trong số những bảo tàng được viếng thăm nhiều nhất thế giới và Đấu trường La Mã trở thành điểm thu hút khách du lịch phổ biến nhất thế giới với 7,4 triệu lượt khách trong năm 2018.
Roma cũng là một trung tâm thiết kế và thời trang quan trọng nhờ các thương hiệu quốc tế nổi tiếng có trụ sở tại thành phố và đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các kinh đô thời trang của thế giới trong những năm gần đây. Phim trường Cinecittà của Roma là phim trường lớn nhất tại châu Âu, đã trở thành nơi bấm máy của rất nhiều bộ phim đoạt giải Oscar.
Hơn 2.000 năm-Đấu trường La Mã di tích trường tồn với thời gian
Vaticang là điểm đến đầu tiên của gia đình chúng tôi du lịch thành phố Roma.
Ngày thứ hai chúng tôi đến thăm đấu trường La mã – Colosseum đây là đấu trường lớn nhất, vĩ đại nhất của đế chế La Mã. Được biết việc xây dựng đấu trường Colosseum bắt đầu dưới thời Hoàng đế Vespasian vào khoảng năm 70-72 sau Công nguyên, xây dựng trong 9 năm, hoàn thành vào năm 80 dưới thời Titus. Công trình liên tiếp được điều chỉnh dưới triều vua Domitian. Sau trận đại hỏa hoạn thành Roma vào năm 64 sau Công nguyên, khu đất xây dựng đấu trường bị bỏ hoang và được hoàng đế Nero cho xây dựng công trình Domus Aurea tại địa điểm này.
Thăm đấu trường La Mã cổ đại : Ảnh Nghiêm Thị Hằng |
Hơn 60.000 nô lệ người Do Thái đã ngày đêm xây dựng trong 9 năm để hoàn thành đấu trường La Mã. Công trình có chiều cao 8m, dài 189m, rộng 156m, diện tích đáy 24.000m², chu vi bên ngoài 545m và kích thước đấu trường trung tâm là 87m x 55m. Để xây dựng nên công trình này, người La Mã đã sử dụng 100.000 m3 đá, 300 tấn kẹp sắt để kết nối. Đấu trường Colosseum có sức chứa 50.000 - 80.000 khán giả. Đây nơi từ thời cổ đại đã diễn ra những màn tử chiến vô cùng đẫm máu và tàn bạo giữa các tù binh giác đấu, các tù binh chiến tranh, nô lệ cùng những con quá thú nhằm mục đích mua vui cho vua chúa và người dân.
Công dụng chính của đấu trường La Mã Colosseum là được dùng làm nơi đấu của các võ sĩ thời đó. Có khoảng hơn 500.000 người và hơn 1 triệu động vật được cho là đã phải bỏ mạng khi tham gia các trò chơi sinh tử đẫm máu tại đây nhằm mua vui cho mọi người.
Đấu trường La Mã Colosseum được biết đến với phần xây dựng thiết kế bên trong khá hoàn hảo. Đấu trường được bao quanh bằng 80 lối vào trên mặt đất, vì thế khi có sự cố trong trận đấu, người xemchỉ mất vài phút đã có thể thoát ra khỏi đấu trường này. Đặc biệt trong số 80 lối vào, có 76 lối vào dành cho khán giả bình thường và được đánh số La Mã, còn lại phần cổng chính phía Bắc dành riêng cho hoàng đế La Mã cùng cận thần và ba cửa khác dành cho giới quý tộc.
Đấu trường La Mã Colosseum, còn có mạng lưới những đường hầm dưới lòng đất. Đây là nơi dành cho các đấu sĩ luyện tập trước khi đối mặt với đám đông khán giả đang chờ phía trên. Những đường hầm này mới chỉ được bắt đầu mở cửa lại cho du khách tham quan từ năm 2010. Hiện đấu trường La Mã Colosseum chỉ còn giữ được 1/3 cấu trúc, phần còn lại đã bị hư hỏng, xuống cấp do nhiều yếu tố tác động như: động đất hay nạn cướp đá, chiến tranh… Mặc dù vậy, đấu trường La Mã Colosseum vẫn là một công trình kiến trúc trường tồn với thời gian và là một kiệt tác kiến trúc mỹ thuật của đế chế La Mã. Với niên đại hơn 2000 năm tuổi, đấu trường La Mã xứng đáng với danh hiệu “Chứng nhân lịch sử” của chính mình.