Đại diện Công ty Sydney cam kết sẽ liên hệ người dân để trả dần tiền góp vốn
Pháp luật - Bạn đọc 10/04/2024 09:59
Để hợp thức hoá những khoản tiền lớn được chuyển vào doanh nghiệp, những bản “hợp đồng hợp tác chiến lược” đã được tạo ra. Trong khi người dân chỉ nghĩ đơn thuần mình là khách hàng đem tiền đi gửi lấy lãi, thực chất, họ đang mang cái mác “nhà đầu tư”.
Sau khi người dân đóng tiền vào Công ty Sydney, do việc sử dụng vốn thiếu minh bạch công khai nên yêu cầu trả lại vốn thì không được phía công ty chấp nhận.
Cụ thể, ông Trần Quang Thắng, 73 tuổi, ở số 48, ngõ 132 đường Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội hùn tiền (uỷ quyền toàn phần) cho con là bà Trần Thị Tuyết Mai đầu tư vào Công ty Sydney. Theo hợp đồng đã kí, với số tiền 300 triệu đồng đóng cho Công ty Sydney, bà Mai sẽ nhận được chiết khấu lợi nhuận 14%/năm, trả theo quý. Bên Công ty sẽ cam kết mua lại “cổ phần” sau 1 năm kể từ ngày đóng hoàn tất số tiền đầu tư, mọi hoạt động kinh doanh đều do bên Sydney vận hành và quản lí.
Trụ sở của Công ty Sydney, ở số 315 Bạch Mai, Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. |
Với loại hình hợp đồng hợp tác góp vốn kinh doanh là hợp đồng ngang hàng, trách nhiệm pháp lí của Công ty Sydney và nhà đầu tư là như nhau và phân chia công việc rõ ràng. Cụ thể, trách nhiệm của nhà đầu tư là góp tiền và trách nhiệm của Công ty Sydney là dùng tiền của nhà đầu tư góp vốn đi kinh doanh và trả lãi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh và kế hoạch giải ngân vốn đều không được Công ty Sydney nêu trên hợp đồng nên bà Mai không biết tình hình kinh doanh của Công ty hiện nay như thế nào.
Để rồi kể từ ngày đóng đủ số tiền 300 triệu nêu trên, gia đình bà Mai chưa nhận được một đồng lợi nhuận nào. Đi tìm nhiều lần lãnh đạo Công ty và ý kiến cầu cứu nhiều lần tới các cơ quan chức năng thì mới đây bà mới được chuyển trả 3 triệu đồng. Bà Mai không biết đó là tiền lãi hay tiền gốc Công ty trả cho mình, trong khi gia đình bà đang cần tiền để tiếp tục điều trị ung thư cho người thân. Nhiều lần liên hệ với nhân viên công ty yêu cầu trả tiền theo đúng cam kết, đồng thời gia đình đã mấy lần đến Chi nhánh của Công ty ở 315 phố Bạch Mai yêu cầu trả lời khách hàng nhưng không được giải quyết triệt để.
Tìm hiểu, bà Mai mới vỡ lẽ, mình được chọn để làm “khách hàng” của Công ty. Bởi cho đến nay, thông tin về báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm của Công ty Sydney vẫn là một ẩn số, chưa có bất kì nhà đầu tư nào được nhìn thấy nó, kiểm chứng nó. Và lời hứa sẽ giải quyết vụ việc cho bà Mai của ông Bùi Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Sydney đến nay vẫn chưa biết khi nào mới được xử lí dứt điểm.
Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua “nở rộ” tình trạng các doanh nghiệp huy động vốn thông qua nhiều hình thức như đầu tư mua cổ phần, trái phiếu, góp vốn, hợp tác kinh doanh… tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Trước “bánh vẽ” lợi nhuận phía doanh nghiệp đưa ra, không ít nhà đầu tư đã thế chấp, cầm cố nhà đất, các tài sản khác hoặc vay mượn tiền của người thân, gia đình, bạn bè để lấy tiền đầu tư. Khi các doanh nghiệp huy động vốn mất khả năng thanh toán cho nhà đầu tư thì dẫn đến việc các nhà đầu tư này mất tiền, mất tài sản nhà đất.
Điển hình như vụ việc Công ty Nhật Nam và Công ty Capel huy động vốn của hàng nghìn người dân, sau một thời gian thì các công ty này ngưng phân chia lợi nhuận, ra thông báo hứa trả tiền rồi thất hứa khiến hàng loạt nhà đầu tư điêu đứng.
Hay mới đây, dư luận không khỏi dậy sóng trước thông tin ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức Shark Thủy) bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ông Thủy được biết đến là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Tập đoàn Egroup, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax. Vào năm 2023, ông Thủy bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi. Nhiều phụ huynh cho con theo học tại hệ thống các trung tâm Anh ngữ Apax Leader của ông Thủy cũng phản ánh được yêu cầu đóng tiền học trước, tuy nhiên sau một thời gian, các trung tâm đột ngột đóng cửa hoặc chuyển sang giảng dạy online.
Bài học từ công ty Anh ngữ Apax và nhiều công ty khác đã cho thấy, người dân cần cẩn trọng khi đầu tư vào những kiểu huy động vốn như thế này.
Thông tin về các đơn thư ý kiến của người dân, ông Nguyễn Trọng Dũng, Quản lí cổ đông của Công ty Sydney cho biết: Việc kêu gọi “hợp tác đầu tư” Công ty đã chấm dứt từ khoảng tháng 9/2023. Số tiền mà 70-80 nhà đầu tư tham gia với Công ty khoảng 10 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại, phía Công ty đã liên hệ các nhà đầu tư được coi như là các cổ đông để thông báo cho họ. Đối với trường hợp của gia đình bà Trần Thị Tuyết Mai, phía Công ty mới đây đã chuyển trả 3 triệu đồng. Do tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên Công ty cam kết sẽ trả tiền dần cho người dân theo hợp đồng đã kí kết. Về cơ bản, các nhà đầu tư đều thông cảm với hoạt động của Công ty và nhận được tiền không nhiều thì ít. Thời gian tới, phía Công ty sẽ tiếp tục liên hệ người dân để xử lí tiếp tục các phần nợ gốc và lãi. Đồng thời làm rõ số tiền lãi và gốc để trả dần với từng trường hợp cụ thể.