Hành trình 21 năm đòi đất của hàng trăm lao động ngành Dầu khí
Pháp luật - Bạn đọc 10/05/2023 09:16
Ngày 18/3/2002, trên 200 người góp vốn - đa số là người lao động thuộc Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) và các đơn vị khác trong ngành Dầu khí cùng người thân lập một Ban đại diện gồm các ông Nguyễn Quốc Quân; Đinh Văn Dĩnh và Hoàng Bá Cường, mục đích đứng ra đại diện thương thảo, thuê một pháp nhân là Công ty Song Đạt, do bà Trần Thị Quy làm Giám đốc, đứng ra làm thủ tục triển khai Dự án nhà - vườn tại phường Long Phước, quận 9 (nay là TP Thủ Đức), TP Hồ Chí Minh).
Theo bảng tính của Công ty Song Đạt đưa ra tại thời điểm ra thông báo và kí kết với Ban đại diện năm 2002, chi phí trọn gói cho một nền loại 500m2 có giá 44 lượng vàng SJC và loại nền 1.000m2 có giá 86 lượng vàng SJC. Tổng số nền đăng kí là 247 nền nhà, trong đó 194 nền loại 500m2 và 53 nền loại 1.000m2.
Nghiên cứu hồ sơ dự án và các phê duyệt của UBND TP Hồ Chí Minh trong quá trình triển khai dự án năm 2002, Ban đại diện và các thành viên tham gia dự án thấy rằng: Hồ sơ dự án do Công ty Song Đạt lập, trình và phê duyệt của cấp có thẩm quyền đều ghi rõ Chủ đầu tư là Công ty Song Đạt chứ không phải là Ban đại diện, nên các bên đã thảo luận và thống nhất lại tư cách của từng bên tham gia đầu tư vốn triển khai dự án, quyền và trách nhiệm của các bên để phù hợp với hồ sơ dự án và quyết định phê duyệt của UBND TP Hồ Chí Minh. Vì vậy từ ngày 18/3/2003 đã triển khai kí kết hợp đồng góp vốn đầu tư triển khai dự án Khu nhà ở tại phường Long Phước, giữa: Chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Song Đạt (Bên A) và Ban đại diện cho các thành viên góp vốn (Bên B) và Thành viên góp vốn (Bên C).
Năm 2010, Công ty Song Đạt tổ chức bốc thăm chọn nền cho người góp vốn, nhưng sau đó khóa cổng, không cho thành viên góp vốn ra vào thực địa dự án. |
Tính từ 18/3/2002 đến 16/11/2009, có 224 hợp đồng góp vốn đầu tư nền nhà được kí kết và thông qua Ban đại diện, các thành viên đã nộp cho Công ty Song Đạt 9.000 lượng vàng SJC. Số vàng tương đương 82% giá trị nền đất đã thỏa thuận. Sau khi tổ chức bốc thăm xác định vị trí nền nhà, các bên thống nhất sẽ cân đối vốn thừa thiếu và nộp tiền làm hạ tầng trực tiếp với Công ty Song Đạt.
Theo số liệu tổng hợp sau cùng, Công ty Song Đạt đã thu nhận tổng cộng 9.475 lượng vàng SJC và 23,8 tỉ đồng của tất cả thành viên góp vốn tham gia dự án. Chi phí tạo lập quỹ đất của dự án, thiết kế dự án, lập quy hoạch 1/2000, lập quy hoạch chi tiết 1/500, thiết kế hạ tầng kĩ thuật, san lấp mặt bằng, thi công giai đoạn 1 giao thông và cấp thoát nước, hạ tầng kĩ thuật khác… được Công ty Song Đạt thanh toán từ nguồn tiền vốn góp của các thành viên.
Về phần thủ tục, ngày 7/8/2006, UBND TP Hồ Chí Minh ra Quyết định số: 3605/QĐ-UBND giao đất cho Công ty Song Đạt để triển khai dự án xây dựng khu nhà ở tại phường Long Phước. Công ty Song Đạt đã làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, lập và xin phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Ngày 7/5/2007, Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hồ Chí Minh ra Văn bản số: 1445/KQTĐ-SQHKT phê duyệt thẩm định dự án.
Ngày 4/3/2013, bà Trần Thị Quy, Giám đốc Công ty Song Đạt bị bắt, với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”. Ngày 15/1/2018, Cơ quan Công an ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án “Trần Thị Quy lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án Khu nhà ở phường Long Phước, quận 9, TP Hồ Chí Minh và tại Công ty Song Đạt”.
Sau thời điểm này, từ giữa năm 2018 đến nay, bà Trần Thị Quy và Công ty Song Đạt liên tiếp trở thành bị đơn của hàng loạt vụ kiện dân sự tranh chấp hợp đồng góp vốn - bản chất là kiện đòi đất.
Những phán quyết trái ngược gây hoang mang dư luận!?
Điều đáng nói là nội dung khởi kiện gần như giống nhau, nhưng diễn biến xét xử dẫn đến phán quyết ở mỗi phiên tòa lại cho một kết quả trái ngược.
Ngày 23/4/2021, TAND TP Hồ Chí Minh tổ chức phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự tranh chấp hợp đồng góp vốn giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Thanh Thúy (địa chỉ liên lạc 91 Ngô Quyền, phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh) với bị đơn là Công ty Song Đạt. Nội dung khởi kiện việc bà Thúy đã góp vốn bằng 59 lượng vàng SJC và 204,7 triệu đồng từ năm 2010, nhưng 11 năm trôi qua bà Thúy không được Song Đạt bàn giao 336m2 đất nền theo thỏa thuận.
Bản án số: 566/2021/DS-ST ngày 23/4/2021 của TAND TP Hồ Chí Minh tuyên Công ty Song Đạt thua kiện, buộc bị đơn phải bàn giao cho bà Thúy lô đất biệt thự mã nền C36 diện tích 336m2 thuộc dự án khu nhà ở tại phường Long Phước, TP Thủ Đức.
Ngày 15/12/2022, TAND TP Thủ Đức tổ chức phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng góp vốn giữa nguyên đơn Trần Thị Thúy Hằng (trú tại phường 15, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) với bị đơn là Công ty Song Đạt.
Theo đó, vào ngày 30/3/2010, phía bà Hằng đã góp đủ vốn bằng 59 lượng vàng SJC và 204,7 triệu đồng cho Công ty Song Đạt.Tuy nhiên, 12 năm trôi qua bà Hằng không được Công ty Song Đạt bàn giao 336m2 đất nền biệt thự theo thỏa thuận.
Bản án số: 4493/2022/DS-ST ngày 15/12/2022 của TAND TP Thủ Đức tuyên bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Theo đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, cho rằng hợp đồng góp vốn năm 2003 của Công ty Song Đạt với bà Trần Thị Thúy Hằng là vô hiệu, các Phụ lục hợp đồng kí tháng 3/2010 của hai bên bị vô hiệu, Công ty Song Đạt sẽ chỉ phải hoàn trả vốn gốc đã góp cho từng người góp vốn.
Cần nói thêm, sau 21 năm hình thành và triển khai dự án từ nguồn vốn của những người lao động ngành Dầu khí, giá trị Dự án nhà - vườn tại phường Long Phước đã tăng lên nhiều lần; phần chênh lệch địa tô sẽ đi về đâu khi mà những người góp 100% vốn để hình thành và triển khai dự án chỉ nhận lại vốn gốc mà họ đã góp. Liệu công lí đã được thực thi với phán quyết này của HĐXX vụ kiện tranh chấp hợp đồng góp vốn giữa nguyên đơn Trần Thị Thúy Hằng với bị đơn là Công ty Song Đạt.
Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, những tình huống “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như trên của cơ quan tư pháp khiến người dân băn khoăn, thậm chí bức xúc và lung lay niềm tin về cách nhận định khác nhau trong các vụ kiện về cùng một nội dung, nhưng dẫn đến cách áp dụng pháp luật khác nhau của từng quan tòa - là người “cầm cân nảy mực” trong các vụ kiện đòi đất đai rất nóng bỏng hiện nay.
TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, bản chất vụ án không phức tạp, việc hàng trăm lao động dầu khí góp gần 1 vạn lượng vàng và hàng chục tỉ đồng từ hơn hai chục năm trước cho Công ty Song Đạt là có thật; sau hơn 20 năm gom góp tiền vàng bằng mồ hôi công sức với số lượng rất lớn như vậy nhưng đến nay hàng trăm lao động đã góp vốn không được nhận đất nền ở TP Thủ Đức cũng là sự thật, không ai phủ nhận.
“Công lí được thực thi nghĩa là họ phải được nhận lại tài sản mà khi giao kèo, chính phía Song Đạt đã chủ động soạn ra trong các bộ hợp đồng góp vốn và đặt tên các quyền, nghĩa vụ của người góp vốn. Cơ quan Nhà nước cần công tâm, khách quan để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên theo pháp luật và thực tiễn, góp phần ổn định xã hội, tránh các hậu quả xấu xảy ra”, TS. Lưu Bình Nhưỡng cho biết.