Cơ hội và thách thức
Nghiên cứu - Trao đổi 21/06/2024 07:15
Nước Việt Nam XHCN khẳng định vị thế, uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phù Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thắng lợi to lớn của dân tộc có sự đóng góp quan trọng của báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo cả nước. Niềm tự hào của nền báo chí cách mạng, báo chí và đội ngũ những người làm báo đoàn kết, tuyệt đối trung thành với lí tưởng chiến đấu của Đảng. Báo chí xứng đáng là một trong những đội quân xung kích, đi tiên phong trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa của Đảng, tuyên truyền, cổ động toàn dân tộc nhất tề đứng dậy đánh giặc giữ nước, xây dựng đất nước phồn vinh. Trong quá trình phát triển, xây dựng và trưởng thành, báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo có nhiều thuận lợi cơ bản và thành công trên nhiều mặt nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.
Thuận lợi cơ bản của báo chí và đội ngũ những người làm báo cách mạng, báo chí đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng - một Đảng Cách mạng chân chính trung thành với Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn luôn phấn đấu vì lợi ích của đất nước, của dân tộc và Nhân dân. Người làm báo cách mạng là con em của giai cấp công nhân, nông dân, trí thức xã hội chủ nghĩa, được sinh thành và nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa Việt Nam, nền văn hóa yêu nước đậm đà bản sắc dân tộc, giàu truyền thống cách mạng. Báo chí Việt Nam và đội ngũ người làm báo không chỉ kế thừa truyền thống cách mạng, yêu nước của dân tộc mà đã sớm nắm bắt thời cơ hội nhập toàn diện, sâu rộng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với nền báo chí tiên tiến, chuyên nghiệp và hiện đại của báo chí thế giới, báo chí các quốc gia tiên tiến.
Thuận lợi cơ bản đi liền với những thách thức không nhỏ, đối mặt với không ít khó khăn khách quan và chủ quan. Để báo chí không bị tụt hậu, không bị bỏ lại phía sau so với yêu cầu nhiệm vụ, với nền báo chí tiên tiến của thế giới, đòi hỏi người làm báo phải vươn lên không ngừng, sự phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt, không mệt mỏi. Thấy được thời cơ và thuận lợi để không ngừng tiến lên, thấy được thách thức và khó khăn để không chồn chân mỏi gối, thẳng tiến đến tương lai. Đó chính là bản lĩnh và trí tuệ của người làm báo Việt Nam trong thời kì mới.
Thứ nhất: Bổn phận và trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo là không ngừng tu dưỡng, tôi rèn bản lĩnh, sự vững vàng về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp. Sự vận hành nền kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế thị trường, sự tác yêu tác quái, cám dỗ của đồng tiền làm cho một bộ phận không nhỏ người làm báo hư hỏng, bị nhiễm bẩn của thói ích kỉ, lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, chạy theo nhóm lợi ích, xa rời tôn chỉ mục đích. Đạo đức nghề nghiệp của báo chí cách mạng Việt Nam trước hết, trên hết là trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động báo chí; hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi, bảo vệ chân lí và lẽ phải; nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người … Những năm qua, trước và sau đại dịch Covid-19 bên cạnh nhiều nhà báo hi sinh phấn đấu hoàn thành xuất sắc thiên chức và nhiệm vụ, đã có một số người làm báo vi phạm các quy định cơ bản về đạo đức nghề nghiệp, tự mình đánh mất uy tín và danh dự nhà báo, bị xử lí kỉ luật, cao hơn là vi phạm pháp luật, bị xử lí hình sự.
Thứ hai: Báo chí đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại hình. Báo in giảm lượng người đọc, số lượng phát hành giảm mạnh, phát hành báo in rất khó khăn. Báo điện tử, báo hình cạnh tranh với báo in, báo nói. Nếu báo in giảm người đọc thì báo nói giảm số lượng thính giả. Báo chí truyền thống bị mạng xã hội cạnh tranh, thậm chí trong một số trường hợp bị dẫn dắt thông tin, mất bạn đọc, từ đó dẫn đến giảm doanh thu quảng cáo. Cuộc cạnh tranh này đã và đang diễn ra gay gắt, tỉ lệ thuận với sự bùng nổ và phát triển của công nghệ, thời kì báo chí số và trí tuệ nhân tạo. Nếu báo in và các loại hình báo chí khác không có sự đổi mới mạnh mẽ, không thay đổi nội dung thông tin, chậm trễ trong thông tin thì sớm muộn cũng sẽ bị bỏ lại phía sau.
Thứ ba: Tình hình thế giới đang có những biến đổi mau lẹ khó lường, tác động đến nền kinh tế trong nước. Thách thức của báo chí đang hiện hữu từng ngày trong điều kiện cơ chế thị trường và nền kinh tế thế giới không ổn định. Đó là sự chậm trễ, thua cuộc của kinh tế báo chí, chịu sự thử thách nghiệt ngã của cơ chế thị trường. Thời kì mới đòi hỏi báo chí phải từng bước tự chủ về tài chính, một số tòa soạn bị thu hẹp, bị cắt nguồn tiền tài trợ từ ngân sách, kể cả các cơ quan báo chí thuộc các đoàn thể - tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp.
Báo chí thực hiện việc đặt hàng sản phẩm từ các cơ quan chủ quản. Trong bối cảnh đó, vấn đề kinh tế báo chí đang nổi lên như là vấn đề thời sự nóng. Kinh tế báo chí gặp trắc trở, khó khăn, biên chế bị cắt giảm, cùng với việc thực hiện Quy hoạch báo chí thời kì mới, vài ba năm nay không ít tòa soạn tạp chí phải tự mình đóng cửa, giảm kì xuất bản, sống trong chật vật, khó khăn. Một số tòa soạn báo in buộc phải cắt giảm số phụ, giảm kì xuất bản. Đầu tư tái tạo phát triển của một số cơ quan báo chí có nguy cơ bị đóng băng, nếu không có các giải pháp quyết liệt.
Thứ tư: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã chứng kiến sự bùng nổ của những công nghệ mới, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống, trong đó có báo chí - truyền thông. Một trong những đặc trưng lớn nhất có thể kể đến của cách mạng 4.0 chính là Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI). AI tạo ra các hệ thống máy móc mô phỏng trí thông minh của con người, được lập trình để có thể bắt chước suy nghĩ và hành động của con người, đến mức AI có thể làm báo, viết báo thay con người. Trí tuệ nhân tạo đang chuyển đổi hoạt động của các tổ chức tin tức, đặt ra những câu hỏi nghiêm túc, gây tác động mạnh mẽ đến báo chí. AI có thể viết tin - làm chương trình phát thanh, truyền hình; AI tìm kiếm tư liệu, trích dẫn văn bản, lời nói của lãnh tụ …
Tuy nhiên cần chỉ ra AI là thiết bị, máy móc, là sự lập trình khô cứng, AI không có trái tim, không có bản lĩnh và nhạy cảm chính trị, không có “đạo đức nghề nghiệp” như phóng viên, biên tập viên. Về khách quan, tự nó AI sẽ đẩy nhanh việc truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc, vu khống, vi phạm nhân quyền, vi phạm những điều tối kị của báo chí cách mạng là vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân. Ai làm thay con người nhiều việc trong hoạt động tác nghiệp, sẽ có những tác động tiềm ẩn chết người đối với các nhà báo trẻ trong nhiệm vụ học hỏi, trau dồi kiến thức, lo lắng bị mất việc làm. Sự bùng nổ của AI, người làm báo nói chung, người làm báo trẻ dễ dẫn đến chủ quan, dựa dẫm, lười học, lười tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp và rèn luyện kĩ năng tác nghiệp.
Như vậy, với AI là một thách thức không nhỏ của hoạt động báo chí thời kì báo số. Điểm mấu chốt là các cơ quan báo chí, người làm báo cần chủ động, thật sự bản lĩnh để sử dụng AI có hiệu quả, biết khắc phục những mặt trái của AI. Nếu biết sử dụng theo hướng chủ động và tích cực, AI sẽ là cơ hội ngàn vàng để thúc đẩy sự phát triển của nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn. Bị động, lười học tập, ỷ lại AI sẽ là sự tụt hậu và trả giá, đó chính là một trong những thách thức không nhỏ của báo chí và người làm báo thời đại kỉ nguyên số.
Kỉ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, hướng tới kỉ niệm 100 năm ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), các cơ quan báo chí, người làm báo càng phải nhận rõ những thời cơ - thuận lợi đang đến, những thách thức, khó khăn trên con đường đi tới, để đồng hành, chủ động tích cực, xây dựng nền Báo chí Cách mạng giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại.
Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng lòng đồng ý chí và quyết tâm củng dân tộc xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với bè bạn thế giới.