Có dấu hiệu lạm quyền khi thi hành công vụ
Pháp luật - Bạn đọc 18/11/2021 17:52
Tài liệu thu thập được và kết quả xác minh cho biết: Ngày 13/5/2021, bà Nguyễn Thị Mai, trú tại tổ 8, khu phố 3, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh mua của ông Phan Trung Tiên vườn keo tràm đã đến kì thu hoạch, rộng 52ha, tại tiểu khu 41, thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Việc mua bán lập bằng giấy viết tay. Bà Mai đến Ban Quản lí khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng làm thủ tục khai thác, được Ban Quản lí khu rừng phòng hộ đồng ý cho nộp 236.200.000 đồng tiền thế chân (nộp tiền phí tỉa thưa rừng trồng của hộ nhận khoán Phan Trung Tiên), đồng thời được cấp Giấy phép khai thác thời hạn 60 ngày, Giấy phép mang phương tiện vào rừng khai thác thời hạn 30 ngày.
Đang khai thác được khoảng nửa diện tích vườn cây, bỗng dưng ngày 14/8/2021, Ban Quản lí khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng gửi cho bà Mai thông báo, nói việc thu tiền có sai sót, yêu cầu bà Mai đến nhận lại tiền đã nộp, để thu hồi lại giấy phép. Nhưng do tình hình dịch Covid-19, địa phương áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, nên bà Mai không đến làm việc được. “Tôi đã yêu cầu Ban Quản lí khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, nếu nhận sai do làm thủ tục thì phải bồi thường thiệt hại cho tôi. Công nhân của tôi, gần 20 con người phải ở lại trong rừng, không thể trở về địa phương được. Hiện cây chúng tôi hạ xuống đã nảy mầm, chất lượng gỗ xuống cấp rõ rệt, ai chịu trách nhiệm cho chúng tôi? Nếu Ban Quản lí khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đình chỉ việc khai thác cây của chúng tôi, thì phải có biên bản và quyết định, nêu rõ lí do chính đáng. Vậy nhưng, họ không có giấy tờ gì hết, mà vẫn thu giữ phương tiện, cây cối đã khai thác của chúng tôi là trái pháp luật…” – bà Mai chua chát cho biết.
Công nhân phải mắc võng, mắc lán ngủ trong rừng vì không thể ra khỏi rừng |
Ngày 11/9/2021, bà Mai cho xe máy vào vận chuyển cây đã khai thác trước ngày 14/8/2021 ra ngoài, thì bị Ban Quản lí khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng thu giữ. “Tôi yêu cầu lập biên bản thu giữ xe. Ban Quản lí rừng phòng hộ cũng mời kiểm lâm địa bàn xuống xác minh. Kiểm lâm trả lời rằng tôi có đủ giấy tờ và khai thác cây không vi phạm pháp luật. Thế nhưng, Ban Quản lí khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng vẫn tiếp tục giữ xe và cây đã khai thác trước đó của chúng tôi. Thu giữ tài sản của người dân suốt mấy tháng mà không rõ lí do. Đứng nhìn tài sản trị giá hàng tỉ đồng của người dân hư hỏng từng ngày mà không biết xót. Công nhân phải dựng lều bạt ngủ trong rừng, không điện nước, đủ biết họ khổ như thế nào? Không biết lương tâm những cán bộ Ban Quản lí khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng để đâu?” – bà Mai gay gắt trình bày.
Những trình bày nêu trên của bà Mai là có cơ sở. Tài liệu có trong hồ sơ cho thấy, ngày 13/5/2021, ông Phan Trung Tiên lập Giấy bán vườn cây keo, có nội dung: “Đồng ý bán vườn keo tràm tổng diện tích 52ha, thuộc tiểu khu 41, xã Suối Ngô và bán khai thác hết 2 năm. Với số tiền 950 triệu đồng, bán cho chị Nguyễn Thị Mai, Tân Châu, Tây Ninh. Chúng tôi đã thỏa thuận các điều kiện sau: Bên bán phải bảo đảm không có sự cố về tranh chấp số cây trên và bảo đảm đường xá, thuận tiện cho việc chuyển từ vườn ra bãi tập kết xe lớn bốc được. Nếu hợp đồng này bên bán sai phạm, thì phải chịu bồi thường gấp 5 lần tiền cọc. Nay tôi nhận 100 triệu đồng. Khi có giấy khai thác, thanh toán đợt 2 của năm 2021 là 650 triệu đồng. Khi có giấy khai thác năm 2022, sẽ thanh toán 200 triệu đồng. Phần còn lại và thanh lí hợp đồng, khi bên bán cắt xong cây và giao đất…”. Giấy bán có chữ kí, ghi rõ họ tên ông Phan Trung Tiên. Như vậy, tuy chưa hoàn toàn đúng pháp luật trong thủ tục mua bán cây (đúng ra hai bên phải kí hợp đồng mua bán có công chứng), nhưng việc mua bán đã hoàn thành. Nếu có tranh chấp việc mua bán, phải được giải quyết tại tòa án.
Cây khai thác xuống hiện đã nảy mầm |
Ngày 12/10/2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh có Văn bản số 294/CCKL-TTPC, về trả lời đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Mai, khẳng định: “Số lâm sản đã khai thác tại tiểu khu 41, thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (còn để lại tại hiện trường) có tổng khối lượng 167,822m3 gỗ tròn keo và 49 ster lâm sản ngoài gỗ (củi keo). Khối lượng gỗ đã khai thác có trong Phương án tỉa thưa cây keo, xà cừ… (cây phụ trợ) số 377/PA/KRDT ngày 14/7/2021, của Ban Quản lí khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Toàn bộ số lâm sản đã khai thác nêu trên đúng quy định của pháp luật…”.
Vậy mà, ngày 14/8/2021, Ban Quản lí rừng phòng hộ Dầu Tiếng ban hành Thông báo số 63/TB-KRDT, có nội dung: “Ngày 26/7/2021, Ban Quản lí khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng thu tạm giữ chi phí tỉa thưa rừng trồng năm 2021, của hộ nhận khoán Phan Trung Tiên, do bà Nguyễn Thị Mai đóng, với số tiền 236.200.000 đồng và làm Giấy xác nhận số 07/GXN-KRDT ngày 26/7/2021 cho hộ nhận khoán. Trong thời gian khai thác cây phụ trợ, Ban Quản lí khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng có sai sót, để bà Nguyễn Thị Mai đóng tiền thay cho hộ nhận khoán Phan Trung Tiên, mà không có giấy ủy quyền của hộ nhận khoán. Vì vậy, Ban Quản lí khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng thu hồi lại giấy xác nhận khai thác cây phụ trợ đã cấp cho hộ nhận khoán Phan Trung Tiên…”.
Máy kéo vào chở gỗ đã khai thác bị giữ lại trái pháp luật |
Như vậy, khẳng định việc bà Nguyễn Thị Mai khai thác cây keo, là cây phụ trợ đã đến kì khai thác, là đúng pháp luật. Việc Ban Quản lí rừng phòng hộ Dầu Tiếng lấy lí do ông Phan Trung Tiên không có giấy ủy quyền, để thu hồi giấy phép khai thác, rồi từ đó thu giữ phương tiện, cây đã khai thác của bà Nguyễn Thị Mai là không đúng. Lí do, khu vườn này ông Phan Trung Tiên đã bán cho bà Nguyễn Thị Mai, nên bà Mai có quyền khai thác, không có quy định nào bắt buộc phải làm giấy ủy quyền. Việc bà Mai nộp tiền phí tỉa thưa rừng trồng thay cho hộ ông Phan Trung Tiên là tự nguyện, do các cây keo phụ trợ bà đã mua đứt của ông Phan Trung Tiên. Việc làm của Ban Quản lí khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, rõ ràng có dấu hiệu lạm quyền, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.
Đề nghị tỉnh Tây Ninh chỉ đạo giải quyết vụ việc đúng thực tế, đúng pháp luật, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình bà Nguyễn Thị Mai.
Cưỡng chế thi hành án đối với đất đang tranh chấp có hợp pháp không? Chị Nguyễn Thị Hồng Vệ cho biết, ông Phan Văn Ai, bà Huỳnh Thị Kim Vui ký hợp đồng tặng cho chị Vệ phần đất ... |