Chuyện về liệt sĩ được đề nghị truy tặng Anh hùng
Nhịp sống 27/12/2023 09:35
Hi sinh trong đêm Giao thừa
Để kết hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, đầu năm 1954, đơn vị anh Nguyễn Dự được điều động sang chiến trường Lào. Hành quân từ Hà Tĩnh, vào Quảng Bình, qua Quảng Trị, rồi men theo Tây Trường Sơn, suốt 3 tháng ròng rã, trên đường hành quân, tiểu đội trưởng Nguyễn Dự luôn động viên, giúp đỡ mang vác cho đồng đội. Sau khi một vùng rộng lớn từ Xiêng Khoảng đến Xa-ra-van và An-tô-pơ ở Hạ Lào hoàn toàn giải phóng, với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, tiểu đội trưởng Nguyễn Dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Cụ Nguyễn Lự kể về chiến công của liệt sĩ Nguyễn Dự. |
Tiếp đó, Tiểu đoàn 436 của Nguyễn Dự có nhiệm vụ cường tập tiêu diệt đồn bản Puôi thuộc huyện Mường Máng, tỉnh An-to-pơ để dồn địch vào thành phố Pạc-xế, mở rộng vùng giải phóng xuống giáp biên giới Đông Bắc Campuchia.
Đồn bản Puôi là một phân khu chỉ huy độc lập, có hai đại đội Âu Phi và lính ngụy Lào hơn năm trăm tên, xung quanh có bốn hàng rào mái phủ kẽm gai, có 4 lô cốt ngầm bốn góc, ở giữa có hệ thống giao thông hào và nhà ở, có ụ súng cối 81 li.
Cụ Lự kể: "Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Bình Sơn, một chỉ huy gan góc, dạn dày kinh nghiệm được điều động xuống trận địa, trực tiếp chỉ huy trận đánh trọng điểm này. Ông Sơn, sau khi nghiên cứu trận địa, quyết định giờ G của trận đánh là Giao thừa của năm Quý Tỵ (1953) và Giáp Ngọ (1954).
Thế nhưng, do trục trặc, đơn vị tập kết đến vị trí trận đánh thì đã quá 1 giờ sáng. Lệnh phát hỏa của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Bình Sơn ban ra, lập tức tiểu đội trưởng tiểu đội bộc phá có nhiệm vụ mở đường. Nguyễn Dự ra hiệu cho các chiến sĩ xông lên. Ba lớp hàng rào kẽm gai lần lượt được phá tung. Cứ mỗi lần hàng rào được phá, Nguyễn Dự thân hành bò lên kiểm tra, rồi mới cho phá tiếp hàng rào khác. Đến hàng rào thứ tư, hàng rào sát cầu và lô cốt ngầm của địch thì một sự cố xảy ra. Nụ xòe không cháy, bộc phá nằm yên, chiến sĩ lên làm nhiệm vụ đã hi sinh, giặc trong đồn bắn xối xả làm chiến sĩ bộc phá còn lại bị thương nặng. Địch tập trung các hỏa lực bắn về phía cửa mở. Cả tiểu đoàn đang chững lại phía sau.
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Bình Sơn liền bò đến chỗ tiểu đội trưởng tiểu đội bộc phá Nguyễn Dự, vỗ vai hỏi:
- Phải kích nổ khối thuốc chưa nổ kia mới có thể mở xong cửa. Cậu có cách gì?
Nguyễn Dự không chút do dự:
- Để tôi.
- Bằng cách nào? Nguyễn Bình Sơn hỏi.
- Bò lên, áp thủ pháo rồi cho nó nổ, bộc phá sẽ nổ theo.
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Bình Sơn im lặng một lúc rồi gật đầu. Ông ra lệnh đem trung liên đến bắn yểm trợ để Nguyễn Dự lên làm nhiệm vụ.
Như một con thằn lằn, tay cầm thủ pháo, Nguyễn Dự lách lỏi, bò lên. Đạn giặc chíu chít ngang đầu, ngang vai. Lợi dụng khoảng vắng giữa hai làn đạn, Nguyễn Dự lao lên và áp mình xuống ngay chỗ khối thuốc nổ kê sát hàng rào số 4. Đồng đội và chỉ huy đằng sau nín thở theo dõi từng cử chỉ của anh, hi vọng một khối lửa bùng lên. Và kìa, một tiếng nổ như núi sập, khối lửa ấy cũng đã bùng lên rồi. Đồng đội thấy rất rõ người Nguyễn Dự bay lên cao như một con đại bàng. Thì ra, anh đã giật nụ xòe nhưng đợi cho nó bật lửa, biết chắc chắn lựu đạn sẽ nổ mới chạy lui. Song, sức công phá của khối thuốc nổ quá lớn đã tung anh lên cao. Hành động quên mình của Nguyễn Dự đã gỡ nút cho trận đánh đang nghẽn lại chính lúc cao trào.
Cả tiểu đoàn 436 ào ạt xông lên khi hàng rào số 4 được mở. Lô cốt ngầm của giặc bị phá tung. Đồn bản Puôi bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến thắng này có ý nghĩa kết thúc chiến dịch giải phóng khu Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, chặn đứng việc chi viện quân cho Điện Biên Phủ của quân đội Pháp.
Thi thể của Nguyễn Dự và một số đồng đội hi sinh trong trận đó được mai táng dưới gốc sung già, bên dòng Xê-Công trong xanh, cách trận địa khoảng 500 mét.
Sau đó, Bộ Tổng tư lệnh đã chuẩn y đề nghị của Tiểu đoàn 436, truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba cho Nguyễn Dự.
Với những huân chương cao quý, cùng với thành tích lập được trong chiến đấu, tháng 2/1956, cùng với Lâm Úy, Nguyễn Xuân Lực, những người con trung dũng của đất Quảng Bình, Nguyễn Dự đã được Bộ Chỉ huy Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 lập danh sách đề nghị Quân ủy Trung ương xét chọn danh hiệu Anh hùng quân đội.
"Khi đoàn cán bộ chính trị của Tiểu đoàn 436 về Bảo Ninh, quê hương tôi xin ý kiến của địa phương để hoàn thiện hồ sơ theo thủ tục của Hội đồng thi đua Quân ủy Trung ương hướng dẫn để truy tặng danh hiệu Anh hùng cho anh tôi. Tại đây, công cuộc cải cách ruộng đất đang tiến hành. Vì cha tôi trước đây là chủ của một thuyền đánh cá biển nên chính quyền xã cho rằng, bố của liệt sĩ Nguyễn Dự có thành phần tương đương thành phần phú nông bên nông nghiệp (!?). Họ đã không tán thành đề xuất của đơn vị. Sai lầm của địa phương đã làm thiệt thòi quyền lợi cho liệt sĩ Nguyễn Dự và gia đình tôi". Cụ Lự nói trong nước mắt.
Về lại quê sau 62 năm đi đánh giặc
Cụ Nguyễn Lự có một con trai là ông Nguyễn Thắng (sinh 1957) người từng tham gia quân đội, có mặt trên đất nước Triệu Voi hơn 20 năm trước, nói với cụ Lự, sẽ sang chiến trường xưa, nơi bác Dự hi sinh để tìm hài cốt.
Nhờ bản đồ vẽ tay của đồng chí năm xưa chôn cất liệt sĩ Nguyễn Dự và đồng đội trong trận đánh đêm Giao thừa Quý Tỵ (1953) và Giáp Ngọ (1954) để lại trước khi qua đời, đoàn đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Dự đã đến được vị trí đồn bản Puôi, ở huyện Mường Máng, tỉnh An-tô-pơ (Lào). Thật may mắn, một cụ hơn 100 tuổi, trí tuệ còn minh mẫn được dân bản mời tới gặp đoàn. Cụ cho biết, ngày ấy cụ từng chứng kiến chôn cất liệt sĩ Việt Nam. Vì sáng đó cụ và con trai ông (đã qua đời) đi rừng chặt gỗ ngang qua, dừng lại. Rồi ông dẫn đoàn tìm mộ đến dưới một gốc cây cao, chỉ vị trí liệt sĩ Việt Nam nằm lại. Cụ Nguyễn Lự nói: "Sau 62 năm, ngày 2/7/2016, anh trai tôi đã về lại Bảo Ninh. Bà con, dân làng, dòng tộc, chính quyền địa phương đã cùng nhau đến thăm hỏi, dâng hương vô cùng trọng thể. Trên bàn thờ, lấp lánh Huân chương của Át -xa - ra (Lào), của Nhà nước Việt Nam đã tặng để ghi công bất tử của người liệt sĩ".