Một chuyến đi tìm mộ liệt sĩ
Xã hội 27/07/2021 12:35
Ở vùng đất này, trong các cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và địch, hàng ngàn liệt sĩ vẫn còn nằm lại đâu đó ở La Vang, Tích Tường, Ái Tử, sông Thạch Hãn, Khe Sanh, Đường 9... Khu vực Đường 9 - Khe Sanh là nơi Mỹ - Ngụy từng huy động hàng vạn quân, 300 khẩu pháo, 700 máy bay, 450 xe tăng, thiết giáp làm bàn đạp tấn công Nam Lào với chiến dịch Lam Sơn 719 và là tuyến phòng thủ cho Thành cổ Quảng Trị. Vì vậy, đây là những nơi tàn khốc nhất, hứng chịu nhiều nhất bom đạn trong suốt cuộc chiến tranh.
Từ Đường 9 - Khe Sanh vào điểm được xác định đầu tiên có chôn cất các liệt sĩ là khu vực có trận đánh giữa ta và địch ở Phú Nhoi và Làng Vây. Để đến đó, Đoàn phải vừa đi, vừa mở đường. Xe thì cũ, có xe va vào đá hỏng cầu trước, gầm xe hoặc rệ nghiêng chờ lật. Đến điểm không thể đi xe được, chúng tôi tiếp tục đi bộ và khuân vác dụng cụ khí tài men theo bờ suối để vào điểm xác định tìm kiếm.
Việc xác định vị trí gặp rất nhiều khó khăn, bởi bom đạn Mỹ trong những năm 1971-1972 đã cày xới và xóa đi mọi dấu tích nơi mai táng các liệt sĩ. Sau nhiều lần giao hội để có khoảng cách, vị trí ước lượng tương đối, chúng tôi tiến hành chặt, phát cây và đào đất tìm kiếm. Trời nắng nóng, mồ hôi hòa lẫn những giọt nước mắt, trong lòng anh em luôn khát khao tìm được phần mộ liệt sĩ để đưa các anh về an nghỉ tại quê hương, xoa dịu phần nào nỗi đau của gia đình.
Diện tích tìm kiếm được mở rộng. Đến ngày thứ hai lúc mặt trời lên trên đỉnh đầu thì bỗng có tiếng hô lớn: “Đây rồi các đồng chí ơi!”. Tất cả chúng tôi chạy lại chỗ có tiếng hô và nhìn xuống hố đào, một mảnh nilon màu xanh bộ đội lộ ra. Đúng là liệt sĩ của ta rồi. Thế là diện tích tìm kiếm lập tức được mở rộng. Tìm thấy hài cốt đồng đội, chúng tôi vui đến quên cả mệt mỏi.
Khi tự tay cất bốc, có cảm giác cứ như đang nghe được tiếng nói, hơi thở của các anh, tim mình se lại, hạnh phúc mà nước mắt cứ thế trào ra. Lúc đưa gói nilon nhỏ lên mặt đất, không ai tin đó là hài cốt liệt sĩ vì chỉ có một nhúm nhỏ, chỉ đến khi mở ra, tìm thấy lọ penixilin kèm theo ghi trích ngang thì chúng tôi mới tin đó là liệt sĩ của ta. Có mộ khi bốc cũng chỉ một khúc xương ống chân, thân thể các anh không còn nguyên vẹn, thương cảm vô cùng. Một trường hợp sau khi cắt mấy lớp nilon và vải ra thấy hài cốt có tên liệt sĩ Đào Công Thắng quê Kim Sơn, Ninh Bình, không ai bảo ai chúng tôi đều quỳ xuống nước mắt tuôn lẫn tiếng nấc nghẹn. Có ngôi mộ nguyên là hầm pháo của Mỹ Ngụy ở Phú Nhoi, địch chôn tập thể 54 liệt sĩ của ta, mọi thứ đã mục mủn, cốt xương của liệt sĩ chồng lớp, nên khi bốc xếp để vào túi nilon chỉ được xương hàm, còn các xương khác đều bị lẫn...
Đêm ấy, rừng yên tĩnh, trời đầy sao chỉ thi thoảng có tiếng chim kêu. Không ai nghĩ rằng những sườn đồi và cánh rừng nơi đây 5 năm trước là bãi chiến trường ác liệt nhất, là nơi cất lên bản hùng ca người chiến sĩ, là nơi có máu và hoa trên đài chiến thắng. Tôi đang thao thức trên võng, chợt anh Sửu gọi với sang: “Anh Mạnh đã ngủ chưa?”. Tôi đáp: “Vừa nãy tôi có chợp đi một tí vì cả ngày làm việc mệt nhưng lại nghe như có tiếng ai gọi: Mẹ ơi... thành ra khó ngủ quá”.
Rồi tôi nói với anh Sửu mà như nói với chính mình: “Có thể lắm chứ! Vì khi mất các anh còn rất trẻ, đều ở tuổi 19-20 nên thiêng lắm. Các anh vui khi biết mình được tìm đón. Vui khi biết chúng ta đều mang nghĩa tình sâu nặng và lòng biết ơn đối với các anh. Anh thấy đấy! Chiều nay Đoàn mình nhiều người đã bỏ cơm vì xúc động, xót xa. Chuyến đi này thật đáng nhớ”.