Chùa Láng - di sản văn hóa thời Lý
Văn hóa - Thể thao 16/09/2022 10:22
Chùa tọa lạc trên khu đất rộng, thoáng, tách bạch khu dân cư, trên địa bàn mà sự đô thị hóa mạnh mẽ, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, nhưng xung quanh chùa vẫn giữ được nhiều nét cổ xưa tĩnh lặng, uy nghiêm. Cùng với dòng thời gian, chiến tranh tác động nay chùa đã được trùng tu để trả lại vẻ đẹp vốn có.
Đường dẫn vào sân chùa Láng |
Sử sách ghi lại: Từ Đạo Hạnh là một nhà sư nổi tiếng triều Lý, thuộc thế hệ thứ 12 dòng thiền Nam phương. Ông thông minh, hiếu học, đỗ đầu khoa Bạch Liên, nhưng không chịu ra làm quan mà quyết chí cùng bạn là Minh Không và Giác Hải tìm đường sang Ấn Độ để học đạo Phật. Trong khi còn tu học ở nhà cha bị giết. Mẹ là bà Tằng Thị Loan sang ở làng Thượng Yên Quyết hằng ngày đi quyên giáo làm công đức xây dựng chùa Hoa Lăng, rồi bà mất chôn tại chùa. Trở về quê, Từ Đạo Hạnh rất đau buồn, quyết trả thù người giết cha rồi tìm đến tu ở chùa Thiên Phúc trên núi Sài Sơn, tục gọi là chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Tây), ông để lại nhiều bài thơ triết lí về cuộc sống, đặc biệt ông còn được coi là ông tổ nghề hát chèo.
Theo thuyết luân hồi của đạo Phật, người ta cho rằng, sau khi mất, Từ Đạo Hạnh đã đầu thai làm con trai Sùng Hiền hầu tên là Dương Hoán, được bác ruột là vua Lý Nhân Tông nuôi làm con. Sau được phong làm Thái tử, cho kế vị, tức là vua Lý Thần Tông. Tương truyền, sau khi lên ngôi, biết mình là hậu thân Từ Đạo Hạnh nên ông cho xây dựng chùa Nền để thờ cha mẹ và xây chùa Thưa để thờ chị là Từ Nương kiếp trước…
Cảnh đẹp nơi tôn nghiêm và sự ra đời của chùa Láng như một huyền thoại. Qua thăng trầm của lịch sử, chùa còn giữ lại nhiều di vật quý: Tượng Thiền Sư Từ Đạo Hạnh bằng gỗ và tượng Lý Thần Tông bằng mây đan, 30 bức hoành phi, 31 câu đối, 13 tấm bia. Đặc biệt chùa còn lưu giữ tấm bia được tạo lệ vào năm Thịnh Đức thứ tư (1656) do tiến sĩ Nguyễn Văn Trạc tự là Phúc Phủ (người Mai Dịch, Từ Liêm, phủ Quốc Oai) soạn bia.
Tấm bia cao 1,4 mét, rộng 0,8 mét, xung quanh có nhiều hoa văn, phía trên là "lưỡng long chầu nguyệt", hai bên có hạc và phượng chầu hoa sen có hai cô tiên đang múa. Đặc biệt, con rồng thời Lý là một hình tượng nghệ thuật độc đáo và phổ biến. Dù ở di tích nào, con rồng cũng thống nhất trong quan niệm sáng tác là mình dài, trơn như rắn uốn quanh nhiều vòng rất uyển chuyển, mềm mại với những thành phần cấu tạo (tượng trưng nguồn nước, mây và mưa) mang niềm mơ ước của cư dân trồng lúa nước. Bia khẳng định nét đặc sắc có một không hai của chùa, có đoạn viết: "… Mộng Phúc cảnh thiên chỉ có chùa Chiêu Thiền là bậc nhất, bởi sẵn có điềm lành rõ rệt nên lấy tên Chiêu, là nơi sinh ra bậc thánh Thiền sư nên gọi là Thiền…". Ngoài ra, bia còn ghi lại sự tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh và ghi lại việc vua Lê Thần Tông (1649 - 1662) chuẩn tâu với chúa Trịnh cho dân Yên Lăng được miễn sưu dịch và thuế tạo lệ để thờ cúng và tôn tạo chùa.
Trải qua mấy trăm năm tồn tại, chùa vẫn giữ được những tinh hoa quý giá. Chùa Láng là một biểu hiện của sự phát triển và giữ gìn di sản văn hóa dân tộc.
Năm 1946, Hồ Chủ tịch về thăm chùa. Ngày 8/4/1991 chùa được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gian