Chủ tịch Tôn Đức Thắng - tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng
Nghiên cứu - Trao đổi 20/08/2021 07:17
Đồng chí Tôn Đức Thắng thuộc lớp công nhân đầu tiên ở nước ta và cũng là lớp công nhân đầu tiên giác ngộ chủ nghĩa Cộng sản. Bằng những hoạt động phong phú của mình ở trong nước và phong trào công nhân quốc tế, đồng chí đã có những cống hiến to lớn với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Năm 1907, với tuổi thanh niên rực lửa, trong lòng mang nặng truyền thống yêu nước, Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn học việc và dự kiến thực hiện hoài bão của đời mình.
Năm 1927, Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn. Từ đây, Tôn Đức Thắng và Công hội bí mật hoạt động dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Vượt qua mọi khó khăn và sự kiểm soát của kẻ địch, năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng tập hợp công nhân thành lập Công hội bí mật. Những cơ sở đầu tiên của Công hội được hình thành, sau đó phát triển ra nhiều cơ sở khác của thành phố. Việc ra đời Công hội bí mật có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào công nhân, vì đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Đồng chí đã tích cực giác ngộ hội viên Công hội và kết nạp một số người vào Hội thanh niên. Từ đây, Tôn Đức Thắng và Công hội bí mật thật sự hoạt động dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, đánh dấu sự tham gia của những người công nhân đầu tiên vào tổ chức Thanh niên ở nước ta.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền Bắc. Ảnh tư liệu |
Công hội Sài Gòn những năm 1926-1927 thực sự là cơ sở cho sự hình thành và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại Sài Gòn, Thành bộ do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư. Từ năm 1927, với sự đóng góp của đồng chí Tôn Đức Thắng, phong trào công nhân Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ, chiếm đa phần trong tổng số các cuộc đấu tranh của công nhân cả nước trong những năm 1926 - 1928.
Đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn tháng 7/1929, một năm sau, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Gần 16 năm bị giam ở ngục tù, đồng chí đã tỏ rõ là một người chiến sĩ cộng sản bất khuất, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, thương yêu đồng chí và những người cùng cảnh ngộ. Đồng chí đề xướng việc thành lập Hội Cứu tế tù nhân, đây là hội tù Côn Đảo đầu tiên nhằm mục đích đoàn kết, giúp đỡ nhau trong đấu tranh và trong cuộc sống hằng ngày, từ đó gần gũi giác ngộ cách mạng cho những người tù không phải là cộng sản. Đồng chí là một trong những đảng viên thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo.
Bằng kiến thức lí luận vững chắc, tầm hiểu biết thực tiễn, đồng chí đã lí giải và truyền niềm tin vào thắng lợi sự nghiệp cách mạng cho mọi người, góp phần làm ổn định tư tưởng đảng viên trong chi bộ nhà tù.
Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng kiên cường, sáng ngời bản lĩnh và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã làm các đồng chí đảng viên tù Côn Đảo ngưỡng mộ và làm kẻ thù khiếp sợ.
Sau này trên cương vị Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch nước, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn chăm lo đến sự nghiệp xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ Nhân dân, nghiêm chỉnh thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ của công tác chính quyền: Nhân dân là người chủ, Chính phủ là người đày tớ của Nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đồng chí quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên; chăm lo đời sống của Nhân dân; quan tâm đến các lực lượng vũ trang, cán bộ chiến sĩ bộ đội; đặc biệt dành tình cảm cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Với cương vị và trọng trách to lớn được Đảng và Nhân dân giao phó, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; tập hợp toàn dân tộc đoàn kết một lòng đưa kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang; góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội; đưa cách mạng Việt Nam hòa trong trong dòng thác cách mạng thế giới đấu tranh cho độc lập, tự do, hoà bình, hạnh phúc, tiến bộ và nhân văn.
Có thể nói, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có công lao to lớn trong xây dựng đạo đức mới, đạo đức cách mạng cho mỗi con người và xây dựng nền đạo đức mới Việt Nam. Đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng không phải bằng lí luận cao xa, mà bằng tấm gương mẫu mực sáng ngời, nói đi đôi với làm. Đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là sự kết tinh những giá trị đạo đức dân tộc với tinh hoa đạo đức của nhân loại. Đạo đức được thể hiện từ việc lớn đến việc nhỏ, từ đạo đức cách mạng đến đạo đức trong cuộc sống thường ngày.
Kỉ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đồng thời thi đua lập thành tích chào mừng kỉ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, ôn lại cuộc đời cách mạng của những người cộng sản tiền bối như Chủ tịch Tôn Đức Thắng để hiểu hơn giá trị thắng lợi của sự nghiệp cách mạng đã đạt được, tiếp nối truyền thống ông cha bằng những thắng lợi của cách mạng hôm nay; mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực học tập tấm gương đạo đức sáng ngời của thế hệ trước, tự tu dưỡng rèn đạo đức cách mạng để trở thành những người con ưu tú của đất nước, được Nhân dân tin yêu, mến phục; phát huy tính tiền phong, gương mẫu, thúc đẩy quần chúng noi theo, làm theo.