Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người con ưu tú của dân tộc
Nghiên cứu - Trao đổi 20/08/2022 13:00
Với 92 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, được Đảng và nhà nước phân công giữ nhiều trọng trách, Bác Tôn đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng, sinh ngày 20/8/1988, tại Cù lao Ông Hổ thuộc làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) trong một gia đình trung nông. Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm, các phong trào yêu nước thất bại và bị đàn áp khốc liệt, không khí chính trị ấy đã tác động rất sâu sắc đến nhận thức của Bác từ thuở thiếu niên.
Bác Hồ và Bác Tôn. Ảnh tư liệu. |
Lúc thiếu thời, Bác Tôn đã học “nho học”, chữ quốc ngữ và trường Pháp. Bài học làm người, về nhân sinh quan, về tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của Bác được truyền từ người thầy đầu tiên, nhà nho yêu nước Nguyễn Thượng Khách, trong nhóm “Đông Kinh nghĩa thục”. Từ khi còn là người thanh niên có học thức của một gia đình trung nông, Bác Tôn không chọn con đường đi làm thầy thông, thầy kí mà quyết định học làm thợ ở trường Bá Nghệ Sài Gòn và trở thành người công nhân Việt Nam. Hoạt động cách mạng ban đầu của Bác Tôn là tập hợp thanh niên, hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí chống áp bức, bất công. Khi đứng trong hàng ngũ giai cấp công nhân Pháp, Bác Tôn trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia cuộc phản chiến ở Biển Đen, góp phần bảo vệ Nhà nước Xô Viết vừa hình thành sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Khi trở về nước, Bác Tôn tổ chức công hội bí mật ở Sài Gòn - Chợ Lớn và được cử làm Hội trưởng.
Tháng 7/1929, Bác Tôn bị thực dân Pháp bắt và giam cầm ở khám lớn Sài Gòn, sau đó bị kết án 20 năm khổ sai. Đầu tháng 7/1930, Bác Tôn bị đày ra Côn Đảo - “địa ngục trần gian” với bao cực hình dã man của chế độ nhà tù thực dân, khi thì làm công việc khổ sai, khi thì nhốt vào hầm xay lúa, nhưng không lay chuyển được ý chí kiên trung, bất khuất, một lòng giữ trọn niềm tin vào cách mạng của người cộng sản. Uy tín và ảnh hưởng của Bác Tôn đã lan tỏa không những trong những người cộng sản, mà còn cảm hóa được một số tù Quốc dân Đảng và tù thường phạm. Và cũng chính nơi “địa ngục trần gian”, Bác Tôn đã tham gia thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Côn Đảo và tích cực đấu tranh chống lại chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp.
Cách mạng Tháng Tám thành công, từ Côn Đảo trở về, Bác Tôn đã tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đầu năm 1946, Bác được điều động ra Hà Nội công tác bên cạnh Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ, với trọng trách Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội (tháng 3/1946), Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tháng 11/1946), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tháng 4/1947), Trưởng ban Trung ương vận động thi đua ái quốc (tháng 1/1948), Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội (năm 1948). Tháng 1/1948, Bác Tôn được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Kì họp thứ nhất Quốc hội khóa II (tháng 7/1960), Bác Tôn được bầu làm Phó Chủ tịch nước.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu qua đời, tại Kì họp thứ 5, Quốc hội khóa III đã bầu Bác Tôn làm Chủ tịch nước.
Trải qua nhiều trọng trách được Đảng, nhà nước và Nhân dân giao phó, Bác Tôn luôn nêu cao tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước; ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường; lòng trung thành, tận tụy; đạo đức trong sáng, mẫu mực, đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết quốc tế vô sản.
Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho Nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người…”.
Kỉ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là dịp để chúng ta bày tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc với Bác Tôn - người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta đã hiến dân cả cuộc đời cho lí tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội…
Đây là dịp để chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng về sự cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phụng sự Nhân dân… Xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.