Chợ phiên... trong mây!
Văn hóa - Thể thao 02/02/2022 09:11
Nghe bạn bè kháo nhau, sau Tết Nguyên đán đến Bắc Hà (Lào Cai) không khác gì lạc vào chốn “bồng lai tiên cảnh”, bởi những rừng hoa mận bung nở trắng tinh trải dài như đám mây bồng bềnh sà xuống trêu đùa du khách. Mận Bắc Hà là đặc sản, đã từng mua, từng thưởng thức và biết đây là một loại quả xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc. Nhưng hoa mận xứ này thì chưa một lần “mục sở thị”.
Dùng dằng vì những lí do rất vớ vẩn, nên tận đầu tháng hai âm lịch tôi mới thực hiện được ý định. Nhờ có cao tốc Nội Bài – Lào Cai nên đường xa bỗng gần. Chỉ già nửa ngày tôi đã có mặt tại vùng đất được mệnh danh là “Cao nguyên trắng”.
Còn đang đứng ngơ ngẩn không khỏi ngạc nhiên, bất ngờ khi ngay giữa trung tâm thị trấn lại có một ngôi biệt thự vô cùng bề thế, sơn màu vàng tươi và mang nét gì đó rất cổ kính của kiến trúc châu Âu đó chính là dinh thự Hoàng A Tưởng, còn gọi là dinh thự “Vua Mèo xứ Bắc Hà” - ngôi nhà quyền lực nhất vùng cao nguyên trắng. Được xây dựng từ năm 1914 và hoàn thành năm 1921, chủ nhân là Hoàng Yến Chao dân tộc Tày, bố đẻ của Hoàng A Tưởng. Trải qua trăm năm tồn tại cùng thời gian, phủ bao lớp rêu phong cổ kính vẫn đứng uy nghi nổi trội giữa một nơi dân cư đông đúc, phố xá tấp nập. Có một điều rất lạ là cha con Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng, tuy là người dân tộc Tày nhưng lại được gọi là “vua Mèo”. Tìm hiểu mới biết, do cai trị một vùng có tới 70% là người Mông nên người dân ở đây gọi như vậy.
Nhẩn nha tham quan Dinh thự của vua Mèo Hoàng A Tưởng thì được ngay một câu giải thích: Cái tên Bắc Hà xuất phát từ cụm từ tiếng Tày “Pạc ha” nghĩa là “trăm bó gianh”. Thời thuộc Pháp, người Pháp ghi lại âm Pạc ha bằng chữ cái latinh thành Pakha. Người Việt đọc trại thành Bắc Hà, rồi trở thành tên gọi chính thức của vùng đất này...
Thật chẳng có cái dại nào giống cái dại nào, mang tiếng là đi ngắm hoa mận, vậy mà chỉ lên muộn đôi ba ngày, hoa đã thành quả. Vượt qua con đường núi nhỏ ngoằn ngoèo cố đi vào một bản làng xem có vớt vát được bông hoa nào không để còn check in vài tấm ảnh khoe với bạn bè. Nhưng tuyệt nhiên không có.
Bù lại, chúng tôi được trải mình trên những thảm vàng của hoa cải, xung quanh là núi đồi trùng điệp một màu xanh ngăn ngắt. Trên sườn đồi cheo leo là những homestay xinh xắn của đồng bào Mông. Thấy chúng tôi họ đon đả chào hỏi. Khi ngỏ ý muốn được chụp ảnh cùng những thảm hoa bên dưới họ vui vẻ đồng ý ngay. Sợ bị “chém đẹp” như tại một số điểm du lịch khác, tôi hỏi giá cả. Mấy em gái dân tộc vội vàng xua tay và nói tiếng Kinh lơ lớ: “Mình không lấy tiền, không lấy tiền đâu!”. Cả một buổi chiều hết đứng lại ngồi tạo dáng và thu được cơ số ảnh như ý, chúng tôi quay lên ngôi nhà đầu tiên. Cặp vợ chồng trẻ như chờ sẵn, họ pha nước chè mời chúng tôi uống. Khi thấy tôi có nhã ý gửi chút tiền để cảm ơn thì nhận được cái lắc đầu quầy quậy. Hỏi thăm thì được biết, họ xây dựng homestay cho khách thuê đã được vài ba năm. Làm ăn cũng khấm khá. Chẳng may đợt vừa rồi bùng phát dịch nên vắng khách. Tiễn chúng tôi ra về họ nhắn: “Lần sau các cô chú lên nhớ đến nhà mình nhé!”. Tôi thấy vui và tiếc. Tiếc vì mình không biết chỗ này sớm để tới nghỉ, chứ ở thành phố đã giam mình trong bốn bức tường bê tông, lên đến phố núi lại vào khách sạn quây kín còn đâu gió núi mây ngàn... Còn vui vì đồng bào nơi đây đã biết đầu tư cho du lịch một cách bền lâu, làm ấm lòng khiến ai đã đến chỉ muốn nhanh quay lại...
Sớm tinh sương. Thị trấn còn trong cơn ngái ngủ, mở cửa sổ thấy bảng lảng mây bay và nghe bước chân, tiếng nói chuyện. Từng nhóm vài ba người dân tộc Mông, Tày, Dao... khoác trên mình những bộ thổ cẩm màu sắc sặc sỡ, chuyện trò cười nói rộn ràng, tay dắt những chú ngựa thồ trên lưng đủ loại hàng hóa mang tới chợ bán. Chợ phiên Bắc Hà chỉ họp duy nhất vào ngày chủ nhật hằng tuần. Đây là phiên chợ quê độc đáo, thuộc hàng quy mô và nổi tiếng nhất vùng biên ải, từng được tạp chí du lịch Serendib xếp hạng 1 trong 10 phiên chợ nổi tiếng nhất Đông Nam Á.
Bao lâu nay, phiên chợ Bắc Hà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống với những nếp sinh hoạt và phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, chưa bị pha tạp trong xu hướng thương mại hóa của lối sống hiện đại. Chợ phiên mang đến cho du khách cảm giác mộc mạc, nguyên sơ của núi rừng, sự gần gũi, dân dã và dễ mến của con người vùng cao bên những sắc áo hoa thổ cẩm. Dù bận rộn đến đâu, người Bắc Hà cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Tày, Nùng, Giáy, Dao, Lô Lô... từ các bản làng xa gần cũng không quên tề tựu về tham dự chợ phiên mỗi sáng chủ nhật. Với họ, chợ phiên Bắc Hà không chỉ đơn giản là nơi trao đổi, mua bán hàng hoá mà còn là dịp gặp gỡ, kết bạn, giao duyên, chia sẻ tâm tình.
Tại chợ bày bán đủ mọi sản vật của vùng cao như các loại hoa quả, rau, mật ong... hay những dụng cụ cần thiết như: Cuốc, xẻng, cày, dao..., nhưng thu hút nhiều người nhất là những gian bán đồ ăn và đồ trang sức đủ mẫu mã cùng những bộ váy áo thổ cẩm họa tiết sinh động được dệt thủ công.
Tới chợ, chúng tôi không bỏ lỡ dịp thưởng thức đặc sản nơi đây là thắng cố, hay còn gọi là Khấu Tha, có nghĩa là “canh thịt”, được nấu từ nhiều loại thịt khác nhau, nhưng ngon nhất là thịt ngựa. Thịt được ướp với gia vị truyền thống, như thảo quả, địa điền, muối hạt... rồi đem xào nấu trên chiếc chảo lớn. Thịt được ninh trong nhiều giờ đến khi chín nhừ, hòa quyện với các gia vị, tạo nên hương thơm ngào ngạt, hấp dẫn. Một bát thắng cố đi kèm bên những bát rượu ngô thơm ngọt của người Mông, tạo ra hương vị núi rừng đích thực.
Thắng cố là món ăn đặc trưng truyền thống của người Mông, về sau được du nhập sang các dân tộc Kinh, Dao, Tày. Thịt nấu thắng cố theo truyền thống là thịt ngựa, về sau có thêm thịt bò, thịt trâu, thịt lợn. Món thắng cố ngựa ra đời từ cách đây gần 200 năm khi người Mông, Tày, Nùng về Bắc Hà cư trú.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về phiên chợ chính là sự nhộn nhịp, đầy màu sắc, đậm chất vùng cao. Đồng bào đến chợ rất hòa đồng vui vẻ. Cô bạn tôi thấy vậy xà vào hàng rượu ngô lỉnh kỉnh vại chum xin uống thử. Chị bán hàng lấy ngay cái gáo làm bằng vỏ cây múc mời. Tưởng chỉ nhấp môi, ai dè hết vò này, sang hũ khác... khiến mặt đỏ tưng bừng, bước đi chếnh choáng trong rộn ràng niềm vui.
Chợ Bắc Hà được chia ra những khu chợ nhỏ như: Chợ thổ cẩm, chợ ẩm thực, chợ gia cầm, chợ thực phẩm, chợ chim, chợ rèn đúc. Mỗi khu chợ đều phong phú đa dạng và mang đậm bản sắc dân tộc địa phương. Đây còn là chợ phiên duy nhất cả nước có khu dành riêng mua bán ngựa với hàng trăm con ngựa được mua bán mỗi phiên. Tôi chứng kiến một tay buôn sành sỏi mua được những chú ngựa có sức khỏe tốt nhất với giá được mặc cả sát sàn sạt, có bài bản và gay cấn ra trò. Người mua được quyền xem xét, thử ngựa xem có khỏe không bằng cách xem mắt, xem răng, vỗ mông ngựa và phi thử ngựa. Theo dõi những người đang đứng bán ngựa ở chợ Bắc Hà mới thấy, ở đây sự mua bán vẫn còn theo lối của người xưa, người mua nếu thấy người bán là người dân tộc, trước sự thật thà của họ cũng chẳng mấy khi dùng thủ thuật hay... “kĩ năng”. Còn người bán thì vẫn bản chất thật từ bao đời, nếu có đôi chút lanh lợi thì người mua từ đồng bằng cũng... thừa biết mà “vặn” lại. Thế nên cuộc đối thoại mua bán trao đổi rất thẳng và thật.
Không chỉ là nơi trao đổi các sản vật địa phương, chợ Bắc Hà còn là nơi hẹn hò tốt nhất để nam nữ thanh niên dân tộc gặp nhau sau mỗi tuần lao động vất vả. Và chúng tôi cũng được chung niềm vui ấy đến mức không nỡ rời đi.