Chính sách xã hội bao trùm, tiến bộ và công bằng xã hội
Nghiên cứu - Trao đổi 11/05/2023 14:27
Hai trụ cột lớn của chính sách xã hội
Sau 37 năm đổi mới (1986 - 2023), Việt Nam đã thoát khỏi là một quốc gia nghèo, lạc hậu. Từ năm 2011 trở thành nước có thu nhập trung bình. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ vươn lên trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển vào năm 2045 với mức thu nhập cao.
Kết quả và tương lai đó là quá trình vận động theo hướng tích cực với quyết tâm xoá bỏ chính sách bao cấp trong quá khứ, xây dựng nền kinh tế thị trường, ra sức phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Thành tựu nổi bật là từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, hằng năm thiếu cả lương thực cho người dân đã trở thành một trong các cường quốc xuất khẩu gạo. Nền công nghiệp, các dịch vụ gia tăng mỗi năm. Những thắng lợi về kinh tế - xã hội là nguồn lực bảo đảm chính sách xã hội ngày càng ổn định, đời sống Nhân dân được cải thiện, nâng cao, nhất là các đối tượng người có công, người lao động trong các thành phần kinh tế, người nghèo, đối tượng yếu thế trong cộng đồng…
Theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 (Hội nghị Trung ương 5 khoá XI) “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” nhấn mạnh tập trung 2 nhóm cơ bản trong hệ thống chính sách là Chính sách Ưu đãi người có công và Chính sách An sinh xã hội. Nghị quyết nêu rõ: “Cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và chính sách an sinh xã hội, đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn, đến năm 2020 cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của Nhân dân”.
Trong quá trình đổi mới, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, các chính sách xã hội từng bước phát triển, ngày càng mở rộng, bao trùm, đa dạng, hiệu quả. Đó là sự nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu cao cả là nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất, tinh thần của Nhân dân. Bảo đảm an sinh xã hội là quyền cơ bản của công dân trên cơ sở tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng giai đoạn phát triển kinh tế bảo đảm tính kế thừa, liên tục, xuyên suốt, tính hội nhập quốc tế, phù hợp với thực tiễn.
Bản chất tốt đẹp của chế độ, có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chính trị và phát triển đất nước
Thực hiện chính sách xã hội ngày càng hoàn thiện, toàn diện, bao trùm, mở rộng là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, nhân tố quan trọng giữ ổn định chính trị, bảo đảm cơ bản quyền an sinh, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân về nhu cầu ngày càng cao đời sống vật chất, tinh thần, văn hoá và tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Nhìn lại 10 năm qua, các chính sách cho người có công và bảo đảm an sinh xã hội đạt nhiều thành tựu, cơ bản hoàn thành những mục tiêu đề ra.
Chính sách đối với người có công đã mở rộng đến 12 đối tượng ưu đãi. Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương binh nặng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động được ưu tiên về nhà ở, đất làm nhà; được cả hệ thống chính trị chăm sóc, phụng dưỡng. Giai đoạn 2013 - 2021, tỉ lệ hỗ trợ nhà ở các đối tượng này đạt 96,7%. Đến nay, cơ bản đã giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng tồn đọng. Cả nước có trên 9,2 triệu người có công được ưu đãi, trong đó 1,2 triệu người được hưởng trợ cấp hằng tháng, 96,8% gia đình người có công đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Mỗi năm trợ cấp một lần cho 12.000 trường hợp và 512.000 lượt người có công được điều dưỡng luân phiên. Giai đoạn 2013 - 2019 trên cả nước cơ bản hoàn thành dứt điểm về hỗ trợ nhà ở cho 339.176 hộ người có công, đạt 96,7% tổng số đối tượng. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được toàn dân chung tay đóng góp nên nhiều gia đình người có công được hỗ trợ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng được chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo.
Chính sách an sinh xã hội là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, được đặt ngang tầm với chính sách phát triển kinh tế, có mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế thị trường, đem lại sự tăng trưởng nhanh về kinh tế là điều kiện bảo đảm an sinh xã hội. Mục tiêu của chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, đều nhằm phát huy nhân tố con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, kết hợp hài hoà với phát triển văn hoá, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, giữa đời sống vật chất với đời sống tinh thần của Nhân dân.
Chính sách an sinh xã hội bao gồm các trụ cột: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; trợ cấp, hỗ trợ, cứu trợ, ưu đãi xã hội, chương trình xoá đói giảm nghèo, bảo đảm lương thực, nhà ở, đổi mới chế độ tiền lương, tạo việc làm và các dịch vụ xã hội (chăm sóc y tế, hỗ trợ tài chính trong thời gian thất nghiệp, bệnh tật, nghỉ hưu, hỗ trợ thiên tai, hoạn nạn…). An sinh xã hội cũng quan tâm các đối tượng yếu thế, dễ tổn thương, rủi ro trong cuộc sống, người cao tuổi, trẻ em, người bệnh, người thất nghiệp, người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… Nhà nước thúc đẩy phúc lợi của người dân thông qua các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền tiếp cận các nguồn lực về nhu cầu đời sống.