Tìm hiểu về thực hiện chính sách xã hội thông qua các tổ chức hội, đoàn của CHLB Đức
Vì Người cao tuổi 20/06/2023 15:42
Trong cơ cấu tổ chức nhà nước, Tổng thống là người đứng đầu với nhiệm kì 5 năm. Nhà nước CHLB Đức được xây dựng trên 5 nguyên tắc: Cộng hoà, Dân chủ, Liên bang, Pháp quyền và Nhà nước xã hội. Quyền điều hành đất nước là Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng liên bang và ở mỗi bang là Thủ hiến bang. Nội các CHLB Đức do Tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng; Thủ tướng là người đứng đầu của Đảng chính trị hoặc liên minh chính trị giành thắng lợi đa số trong các cuộc bầu cử Quốc hội. Cùng với các đảng phái, nhà nước, hệ thống chính trị của CHLB Đức gồm có 6 Liên hiệp hội, đoàn là: Liên hiệp hội lao động, Liên hiệp hội Chữ thập đỏ, Liên hiệp hội Tin lành (Điaconi), Liên hiệp hội Thiên chúa giáo (Caditat), Liên hiệp các tổ chức Xã hội và Trung tâm của những người Do thái.
Thành phố Berlin, CHLB Đức |
Thực hiện đường lối “kinh tế thị trường mang đặc tính xã hội”, trong thực hiện chính sách xã hội, CHLB Đức đã giành 27,6% tổng thu nhập quốc dân cho hệ thống an sinh xã hội với phương châm “ít nhà nước như có thể, nhiều nhà nước như cần thiết”, “nhà nước chỉ hành động khi các tổ chức dân sự không hành động”, đặc biệt quan tâm chú trọng vấn đề phúc lợi xã hội và dân sinh. Từ những chính sách của nhà nước về xã hội, 6 Liên hiệp hội, đoàn đã triển khai các hoạt động tham gia vào việc thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước trong đó Liên hiệp các tổ chức Xã hội giữ vai trò chủ đạo.
Liên hiệp Hội các tổ chức Xã hội của CHLB Đức là hội, đoàn phi đảng phái, phi tôn giáo, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc cởi mở, đa dạng, thông cảm lẫn nhau. Theo quy định pháp luật của CHLB Đức khi có từ 7 người trở lên đăng kí thì được Nhà nước cho phép thành lập hội, vì vậy hệ thống tổ chức của Liên hiệp Hội các tổ chức Xã hội đã phát triển đa dạng với 10.000 thành viên vừa theo hình thức tổ chức dọc và vừa theo hình thức tổ chức ngang. Theo hình thức tổ chức dọc, Liên hiệp Hội các tổ chức Xã hội có 15 hiệp hội ở các Tiểu bang, có 10.000 hội, đoàn cộng đồng và 235 nhóm tự quản thuộc hiệp hội ở các Tiểu bang. Theo hình thức tổ chức ngang, Liên hiệp Hội các tổ chức Xã hội có 150 hội thành viên như Hội Đoàn kết Nhân dân, Hội Sinh viên, Hội Chăm sóc trẻ em, Hiệp hội Những người nhập cư, Hiệp hội Chống Si đa, Hiệp hội Chống chiến tranh, Hiệp hội Người tàn tật… Liên hiệp Hội các tổ chức Xã hội của CHLB Đức hiện đang quản lí 2.604 cơ sở y tế (bệnh viện, nhà dưỡng lão, Trung tâm chăm sóc NCT…), Liên hiệp Hội các tổ chức Xã hội có hệ thống giáo dục gồm 1 Học viện và 287 cơ sở giáo dục, có hệ thống tài chính là Ngân hàng xã hội, tổng số nhân viên của Liên hiệp Hội là 545.000 người và 1 triệu tình nguyện viên liên kết (là Liên hiệp có nhiều nhân viên xã hội nhất của CHLB Đức). Cơ quan quản lí lãnh đạo của Liên hiệp Hội gồm các hội đồng: Hội đồng Chủ tịch (Chủ tịch hội đồng kiêm nhiệm không hưởng lương từ Liên hiệp), Hội đồng tư vấn và Hội đồng các thành viên, nhiệm kì của các hội đồng là 3 năm.
Hoạt động của Liên hiệp Hội các tổ chức Xã hội tập trung vào các nội dung như: Triển khai thực hiện các dự án xã hội; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các nghề công tác xã hội và tư vấn, phản biện các chính sách xã hội… Liên hiệp Hội các tổ chức Xã hội triển khai thực hiện các dự án xã hội thông qua hệ thống ngân hàng xã hội, ngân hàng xã hội của CHLB Đức được thành lập từ năm 1923, với mục tiêu chính là phi lợi nhuận, ngân hàng có 6 cổ đông lớn là 6 Liên hiệp hội, 15 văn phòng đại diện, lượng tiền lưu hành hằng năm hiện nay là khoảng 6 tỉ EUR (tăng 5 tỉ so với năm 1991), hoạt động của hệ thống ngân hàng xã hội tập trung đầu tư cho các dự án như: Xây dựng cơ sở y tế, bệnh viện, các cơ sở phục vụ, chăm sóc NCT, xây nhà cho NCT, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn… Các hội, đoàn lập dự án gửi đến Liên hiệp hội, Hội đồng tư vấn của Liên hiệp hội thẩm định và gửi dự án lên Liên hiệp hội xét và cấp kinh phí (các dự án xã hội chưa được nhà nước cấp kinh phí, ngân hàng xã hội sẽ cho vay với lãi suất từ 10-14% sau đó mới lấy lại vốn).
Trong thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện, đóng góp để nâng cao chất lượng chính sách của nhà nước, Hội đồng tư vấn của Liên hiệp hội đặc biệt quan tâm đến việc điều tra, phân tích các chính sách, đã tổ chức điều tra, phân tích và phản biện một số chính sách được dư luận quan tâm như: Thực trạng tình trạng đói nghèo của CHLB Đức, thực trạng tình hình trẻ em và các cơ sở dịch vụ cho trẻ em, thực trạng chính sách cho những người nhập cư, chính sách gia đình, chính sách giới, chính sách NCT…Trong thực hiện nhiệm vụ dịch vụ giáo dục, các tổ chức của Liên hiệp hội đặc biệt quan tâm đến chức năng cầu nối giữa nghiên cứu và thực hành, hướng dẫn công việc thực tế với chủ trương “đưa cần câu, không đưa con cá” như lập và thực hiện các dự án xã hội, tư vấn luật, các kiến thức về quản lí, xã hội, về sư phạm…
Thông qua tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội các tổ chức Xã hội đã góp phần tích cực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nhà nước phúc lợi, đóng góp cho sự phát triển bền vững của CHLB Đức. Tìm hiểu về tổ chức và việc tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội của Liên hiệp Hội các tổ chức Xã hội, CHLB Đức sẽ giúp các cấp Hội NCT có thêm thông tin, kinh nghiệm để thực hiện tốt việc tham mưu, thực hiện công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT đáp ứng yêu cầu thời kì mới, góp phần triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội VI Hội NCT Việt Nam.