Biết giữ “đạo nhà” mới là hạnh phúc
Cùng suy ngẫm 02/03/2021 10:10
Khi loài người có ý thức riêng chung cũng là lúc hạnh phúc gia đình được hình thành, gieo mầm, nuôi dưỡng, phát triển bắt nguồn từ cách ứng xử. Xã hội càng tiến bộ, càng văn minh thì tiêu chí, nguyên tắc, cách thức ứng xử trong gia đình càng được coi trọng, nước có quốc pháp, nhà có gia phong là thế. Việc tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ với nhau là sự kết nối song hành với yếu tố huyết thống và sự ràng buộc về pháp lí. Cách ứng xử của con cháu đối với ông bà, cha mẹ thì lòng hiếu thảo, sự lễ phép, kính trọng, tận tụy là điều vô cùng cần thiết. Hạnh phúc của một gia đình là bắt đầu từ những hành vi ứng xử giữa những thành viên trong gia đình với nhau. Bắt nguồn từ tình yêu thương đã hình thành nên gia đình hạnh phúc, bến đỗ bình an của nhiều thế hệ.
Không ít người trong chúng ta chưa chú trọng đến hành vi ứng xử trong gia đình, thậm chí nhiều người còn sao nhãng, hời hợt. Họ cho rằng người trong nhà cần gì phải màu mè, khách sáo. Họ tiết kiệm tối đa mọi cử chỉ thân thiện, giảm đến tối thiểu mọi lời nói ngọt ngào, bỏ qua những sự chăm sóc thương yêu. Chỉ ứng xử lịch lãm với bên ngoài để tỏ ra ta là người có văn hóa, có học thức mà quên mất rằng mọi rạn nứt và xung đột trong gia đình đều bắt nguồn từ việc không giữ “Đạo nhà”, họ ứng xử thiếu tình cảm và văn hóa với các thành viên trong gia đình. Từ đó khoét những hố sâu ngăn cách dựng nên những cản trở trong tình cảm. Khi đó báu vật hạnh phúc gia đình bị đánh mất lúc nào không hay.
Trong ứng xử, con cháu nên dành cho ông bà, cha mẹ sự quan tâm chăm sóc tối đa. Biết lựa chọn những phương thức tối ưu nhất cho lợi ích gia đình mà không ảnh hưởng tới lợi ích xã hội. Biết đánh đổi những thứ phù phiếm, ngoài thân để lấy về những gì thiết thực cho mái ấm gia đình. Hãy biết vượt qua mọi thử thách, cám dỗ để sống và ứng xử trọn vẹn với ông bà, cha mẹ. Điều cần thiết cuối cùng là phải biết hi sinh đó là để bảo vệ giá trị thiêng liêng của hạnh phúc gia đình, ứng xử hiếu thảo, lễ phép kính trọng, tận tụy với ông bà cha mẹ. Có một câu nói mà tôi rất tâm đắc: “Ứng xử gắn liền với nhận thức, tri thức văn hóa nào thì ứng xử đấy”. Mà trước hết phải học, phải biết ứng xử tử tế ngay với người trong gia đình là ông bà, cha mẹ mình. Cho dù gia cảnh có thế nào đi chăng nữa, sự đủ đầy về vật chất không thể thay thế, bù đắp hoàn toàn cho mọi hành vi ứng xử thiếu đạo đức đối với ông bà, cha mẹ. Hãy “thâm canh” trên cánh đồng của gia đình mình để có được mùa màng bội thu hạnh phúc để ông bà, cha mẹ, có được niềm vui sự an nhàn từ mái ấm cuộc đời.
“Đạo nhà” là quan trọng, bởi đó là đạo làm con, làm cháu, báo đáp công ơn sinh thành nuôi dưỡng một cách tốt nhất.
Quy luật sinh tử không thể cho ông bà, cha mẹ ta sống được lâu hơn, nhiều hơn. Dù có những trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi hiện đại, ưu việt cũng không thể thay thế được “đạo nhà”, trong đó có những tấm lòng đức hạnh, tình cảm yêu thương của con cháu dành cho ông bà, cha mẹ. Càng không thể thay thế được cảnh con cháu sum vầy cùng với niềm vui hạnh phúc bên ông bà, cha mẹ. Con cháu thảo hiền chính là “bà đỡ” cuối đời của ông bà, cha mẹ trước khi trở về cõi vĩnh hằng.