Báo xuân là món ăn tinh thần của những ngày tết
Nhịp sống văn hóa 24/01/2021 20:34
Tờ báo đặc biệt này tăng trang, dày gấp đôi gấp ba, hơn thế là gấp năm báo thường, bìa in nhiều sắc màu, ruột cũng in màu trông rất chau chuốt và vì báo xuân nên bài viết chọn lọc, đề tài mùa xuân “vui nhà vui cửa”, vài trang mang tính tổng kết, nhìn lại giống như thêm gia vị ngày xuân.
Sạp báo vỉa hè đường phố (ảnh sưu tầm) |
Báo Xuân là tín hiệu của mùa Xuân. Không khí ở các nhà phát hành thật nhộn nhịp, nhân viên làm tới tận đêm để phân phối đi các tỉnh, các sạp báo, hầu như đường nào cũng bày báo xuân ra bán. Tờ báo xuân khổ lớn trình bày rực rỡ được treo trang trọng ở các quầy sách báo ven đường, các ngã ba, ngã tư luôn đập vào mắt mọi người, và ai nấy đều háo hức chờ đợi, chực sẵn ở các quầy sách báo ven đường để mua tờ báo xuân mình yêu thích, chọn thêm 2-3 tờ báo xuân mà mình thấy đẹp, thấy hay. Và cuối cùng là tâm trạng, cảm giác được cầm tờ báo xuân “hoành tráng”, nặng tay, ngửi mùi thơm đặc trưng của mực in, của giấy mới “ra lò”. Cũng có nghĩa mùa xuân đang về, những ngày Tết Nguyên đán đã cận kề.Báo xuân thường phát hành cận tết, trong khoảng từ 20 - 26 tháng chạp, có tờ phát hành sáng 28 tháng chạp, còn thơm mùi giấy mực trong khi đây đó đã rộn rã hoa trái, bánh mứt lẫn tiếng nhạc Tết vui tươi. Báo xuân là một mặt hàng ưa thích của mọi nhà, ít nhất mỗi nhà cũng mua một tờ mà mình ưa chuộng để nam phụ lão ấu trong gia đình cùng đọc lai rai trong ba ngày tết, hay khách đến chơi nhà, chúc tết gia chủ trong lúc hàn huyên bên ly rượu chén trà, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn vài trang báo. Không những thế, cơ quan, công sở cũng có đôi ba tờ, gặp mặt đầu năm còn có thứ để mà hàn thuyên. Đó là một thứ văn hóa đọc vào ngày xuân đã được duy trì từ rất lâu của người Sài Gòn lịch lãm nói riêng và của đất nước ta nói chung.
Không khí của báo xuân những ngày xưa còn náo nức hơn với hình ảnh những đứa trẻ nhanh chân ôm từng xấp báo xuân vừa chạy khắp nơi, từ vỉa hè, quán cóc, bến xe, nhà ga,... cất tiếng rao, giới thiệu một cách “chuyên nghiệp” những “trích đoạn” bài báo xuân nào hấp dẫn, nhất là đọc thuộc lòng bài thơ “Táo Quân chầu trời” theo thể vè rất có duyên để tiếp thị.
Không phải do ngày đó phương tiện giải trí ít, internet chưa có, báo mạng chưa phổ biến tràn lan như bây giờ, mà với cách phát hành, tiếp thị báo xuân đến từng hang cùng ngõ hẻm một cách linh động, hiệu quả như thế, nên các báo nói chung và báo xuân nói riêng đã trở thành một nhu cầu, một mặt hàng văn hóa phẩm không thể thiếu với mọi nhà, mọi người, trong lúc không khí xuân đang rộn rã, thúc giục...
Báo bán tại vỉa hè đường phố Sài Gòn (ảnh sưu tầm) |
Tùy theo tôn chỉ, mục đích của các loại báo, tạp chí và các xuất bản phẩm mà cơ quan báo chí đưa hình ảnh lên trang bìa, song đều có một nét chung là mùa Xuân, chuyển tải thông điệp bình an, hạnh phúc và rạng rỡ, muôn hoa đua sắc, làm lòng người phấn chấn thêm niềm tin yêu. Đặc biệt những năm gần đây, ngoài hình ảnh đất nước, con người, công cuộc đổi mới, các cung đường, phong cảnh còn có thêm nhiều vùng biển, đảo của Tổ quốc cũng in đậm dấu ấn trong nội dung báo xuân.
Trong dòng chảy thời gian, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet, báo điện tử, phát thanh truyền hình, điện thoại thông minh, facebook, Zalo… song song cùng tồn tại, báo in vẫn tồn tại phát triển, văn hóa đọc báo in vẫn tạo được hiệu ứng cảm xúc, cuốn hút đọc giả. Mùa xuân trên mỗi cành đào miền Bắc, cành mai miền Trung, cành quất miền Nam in trên bìa báo, độc giả vẫn cảm thấy xao xuyến, xúc động trang giấy thơm mùi mực mới đầu xuân, nhâm nhi ly rượu xuân hay bên ấm trà đầu năm cầm tờ báo Xuân còn gì thú vị hơn. Đường phố sáng nay vắng người, nhường chỗ cho cảnh vật và sự tĩnh lặng của không gian trong thời khắc giao mùa