Bác Hồ, Bác Tôn, tình sâu, nghĩa nặng
Nghiên cứu - Trao đổi 14/05/2024 11:21
Hai người ra đi cùng chung mục đích; và sau 15 năm, cùng chung một tổ chức cách mạng. Bác Hồ và Bác Tôn tìm đến Cách mạng Tháng Mười Nga. Bác Hồ đến bằng lí luận chính trị và tổ chức. Bác Tôn đến bằng hành động.
Tháng 4/1919, Bác Tôn treo cờ đỏ phản chiến, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, trên chiến hạm Pháp ở biển Đen. Tháng 6/1919, Bác Hồ công bố bản yêu sách dân quyền, gửi Hội nghị Véc-xây, đăng trên báo Nhân Đạo và báo Dân Chúng tại Paris.
Bác Hồ và Bác Tôn. Ảnh tư liệu |
Trong những năm chiến đấu của cuộc vận động vô sản Việt Nam, phong trào công nhân xuất hiện và phát triển mạnh mẽ. Những ánh sáng rực rỡ của chủ nghĩa Mác-Lênin đã chiếu lên màn đêm của chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương. Thời gian này, Bác Hồ đã lập tổ chức Cách mạng và đào tạo cán bộ ở phía Nam Trung Quốc. Bác Tôn đoàn kết những người thợ, lập công hội để giúp Nhân dân đấu tranh với bọn chủ ở Sài Gòn. Hai bác đã đến gần nhau trong tư tưởng và tổ chức.
Năm 1946, Bác Hồ và Bác Tôn mới gặp nhau; tay nắm tay, chung lo việc nước. Trong cuộc tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên của Tổ quốc, Bác Hồ trúng cử ở Hà Nội. Bác Tôn trúng cử ở Sài Gòn. Bác Hồ cho người vào Nam đón Bác Tôn ra làm việc ở Trung ương. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tháng 10/1954, Bác Tôn được cử làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đầu tiên. Tháng 7/1960, theo đề nghị của Bác Hồ, Bác Tôn được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó, hai Bác luôn sống và làm việc bên nhau. Suốt cuộc đời, hai Bác luôn vì dân, vì nước; không màng đến lợi ích cá nhân.
Trong cuộc sống thường ngày, hai Bác rất quý và tôn trọng nhau bằng tình đồng chí, tình người bền chặt. Những năm còn khỏe, mỗi tháng một lần vào chiều thứ Bảy, Bác Hồ mời Bác Tôn và bác gái đến ăn cơm. Bác thường ra đứng bên gốc cây trước cửa để đón bạn.
Năm Bác Tôn gái dần yếu, Bác Hồ tới thăm, có mang theo niêu cá trê kho tiêu, món ăn Bác Tôn gái rất thích.
Những năm cuối đời, sức khỏe của Bác Hồ suy giảm nhiều. Chỉ những trường hợp đặc biệt, Trung ương mới mời Bác đến dự. Có lần, chuẩn bị mít tinh, Bác Hồ nói với Bác Tôn: “Để tôi nắm tay cụ cùng ra cho đồng bào không thấy tôi đau yếu”.
Ngày Bác Hồ mất, Bác Tôn đã khóc. Nước mắt của người chiến sĩ cách mạng, từng bị địch bắt tù đày 20 năm tại Côn Đảo, qua bao thăng trầm đã ngoài 80 tuổi, thương tiếc người đồng chí biết bao tình sâu nghĩa nặng… Năm 1945, Bác Hồ là vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi Bác Hồ mất, Bác Tôn trở thành Chủ tịch nước.
Bác Hồ - Bác Tôn là hai người bạn, người đồng chí có hai trái tim cùng chung nhịp đập. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của hai Bác tương đồng, trùng hợp với nhau. Hai vị chiến sĩ lão thành, hai vị Chủ tịch nước, được đồng bào Trung, Nam, Bắc yêu thương, kính trọng gọi bằng Bác. Bác Hồ, Bác Tôn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.