Ba Vát - cảng thị sầm uất một thời
Văn hóa - Thể thao 12/01/2024 15:35
Nguồn gốc tên Ba Vát
Ba Vát (còn gọi là Ba Việt) là địa danh gốc Khmer, được phiên âm từ chữ “Pears Watt”, nghĩa là Chùa Phật. Vào thế kỉ XVIII, Ba Vát là huyện lị của huyện Tân An (nay là huyện Mỏ Cày) - một trung tâm kinh tế khá phồn thịnh thời bấy giờ. Năm 1777, giao tranh ác liệt giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn đã diễn ra tại Ba Vát. Nguyễn Phúc Dương - nhà cai trị chúa Nguyễn thứ 9 ở Đàng Trong đã bị bắt. Năm Minh Mạng thứ 4, Ba Vát thuộc huyện Tân Minh (huyện cũ của tỉnh Vĩnh Long). Năm 1963, Ba Vát là quận lị của quận Đôn Nhơn, tỉnh Kiến Hoà (nay là Bến Tre). Sau năm 1975, Ba Vát thuộc xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.
Vào cuối thế kỉ XVII, đầu thế kỉ XVIII, người Việt mới đến đây cư ngụ. Sau đó, những nhóm người Hoa đã sang Việt Nam định cư và khai phá. Người Việt tập trung khai vỡ đất hoang để sản xuất nông nghiệp, còn người Hoa mở cửa hàng buôn bán và sản xuất các mặt hàng thủ công, họ dựa vào lợi thế của các con sông mà phát triển việc buôn bán của mình. Thuyền buôn của họ rong ruổi khắp nơi không chỉ trong khu vực Bến Tre mà lan rộng ra khắp các tỉnh trong nước và sang tận Xiêm La, Cao Miên, Trung Quốc,... Lúc này, nhiều ngôi chợ ở Bến Tre được hình thành trên những giồng đất cao, khô ráo ven sông ở các huyện Duy Minh, Bảo Hựu, Bảo An... Trong đó, chợ Ba Vát ở huyện Tân Minh là một trong những ngôi chợ sầm uất, đồng thời là cảng thị nổi tiếng của Bến Tre lúc bấy giờ. Với vị trí thuận lợi cho việc giao thương trên sông, các tàu buôn châu Á đổ về Ba Vát ngày một đông. Mặt hàng buôn bán của các thương nhân Hoa, Nhật là đồ gốm sứ và vôi nung từ vỏ sò. Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) nói về chợ Ba Vát như sau: “Chợ Ba Việt ở thôn Hạnh Phúc, lị sở huyện Tân Minh, phố xá đông vui, thuyền bè tấp nập”. Riêng sách Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức biên soạn) thì cho rằng: “Chợ này ở bờ phía đông con rạch, có phố xá liền lạc, ghe thuyền đậu liên tục".
Chợ Ba Vát ngày nay. |
Nhưng theo thời gian, địa danh nơi đây dần chìm vào quên lãng khi thương nhân tìm được những đầu mối giao thương thuận tiện hơn. Những bằng chứng về dấu ấn phồn thịnh ở Ba Vát đã được các nhà khoa học, khảo cổ học tìm thấy vào năm 2004.
Di chỉ khảo cổ cảng thị Ba Vát
Năm 2002, tại bờ phía Đông sông Ba Vát, trong khi đào vườn, ông Nguyễn Văn Tư (xã Phước Mỹ Trung) phát hiện được một hũ sành, trong đó có đựng những đồng tiền mang niên hiệu Gia Long (1802-1819) và Minh Mạng (1820-1840). Những di vật được chôn giấu dưới lòng đất của cảng thị cổ được phát hiện ngày càng nhiều. Năm 2006, người ta lại phát hiện một sưu tập tiền cổ Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản nặng tới 40kg được chôn trong 2 vò sành. Trong số này có những đồng tiền mang niên đại rất sớm. Tiền Trung Quốc sớm mang các niên hiệu như Khai Nguyên Thông Bảo thời Đường (618-626), tiền thời Tống như Thái Bình thông bảo (976-995)… Đặc biệt là tiền cổ Việt Nam thuộc rất nhiều thời đại: Thời Lý có khá nhiều đồng tiền mang các niên hiệu như: Thánh Nguyên thông bảo (Lý Thái Tông 1028-1054), Thiên Phù nguyên bảo (Lý Nhân Tông 1120-1127), Đại Định thông bảo (Lý Anh Tông 1139-1175)… cùng những tiền đồng mang niên hiệu các vua Việt Nam thời Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng.
Từ cuối năm 2003, đầu năm 2004, Viện Khảo cổ học cùng với Sở Văn hoá - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Bảo tàng Bến Tre đã tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học. Đoàn đã đào 2 hố, hiện vật thu được là nhiều mảnh gốm cổ, tiền xu có xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc. Dựa vào kết quả khai quật, đoàn khảo cổ đưa ra nhận xét. Ba Việt mà nay là chợ Ba Vát vừa là lị sở của huyện Tân Minh vừa là một tiểu cảng thị, phố xá đông đúc, thuyền vào ra tấp nập, được hình thành từ cuối thế kỉ XVII, phát triển mạnh vào thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Ba Vát còn là một chợ lớn ven sông, người ta lấy sông làm đường giao thông chính cho nên nhà cửa cũng bám vào mặt sông để tiện lợi cho việc sinh hoạt cũng như buôn bán, trao đổi hàng hóa. Nơi đây diễn ra các hoạt động thương mại nhộn nhịp, trong đó có vai trò quan trọng của các thương nhân Việt và Hoa và khu vực này thực sự đã từng là một thị tứ phồn thịnh trong lịch sử vào giai đoạn đầu thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XIX, đến cuối thế kỉ XIX thì Ba Vát mất dần vị trí vốn có của nó.
Việc phát hiện rất nhiều đồ gốm Trung Quốc chất lượng cao ở đây cho thấy cư dân thời đó đã sử dụng và buôn bán những mặt hàng có giá trị lớn. Tại đây người ta còn tìm thấy được nhiều mảnh gốm và các loại chén, bát đĩa... tráng men xanh, men trắng có xuất xứ từ Trung Quốc với các đồ án trang trí như: Chữ Thọ, chữ Phúc tròn, song hỉ, tứ quý... Bên cạnh đó, người ta còn phát hiện được hai hũ tiền cổ có ghi “hiệu tiền” như: Trị Bình Thiên bảo, Trị Bình Nguyên bảo; Trị Bình thánh bảo... Dựa vào niên đại của hai hố khai quật, ta thấy có niên đại từ khoảng cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XX. Qua đó cho thấy cư dân Ba Vát trong giai đoạn cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX chủ yếu sinh sống ở phía gần sông. Bước sang cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX thì mới lan rộng ra các nơi xa sông hơn".
Ngày nay, Ba Vát chỉ còn vương vấn qua tên chợ, nhà thờ và chiếc cầu sắt bắc qua sông nhỏ.