Xứ Truồi mít ngọt, dâu thơm...
Nhịp sống văn hóa 05/12/2023 09:42
Từ TP Huế, trên QL1A, đến xứ Truồi (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), theo con đường bên sông Truồi hiền hòa, thơ mộng, du khách sẽ chiêm ngưỡng đỉnh Bạch Mã quanh năm bồng bềnh trong mây trắng. Nơi dưới chân núi có Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã ẩn hiện trong màu lam sương khói.
Đi đò qua hồ Truồi, du khách sẽ thấy những áng mây trắng bồng bềnh “trôi” dưới đáy hồ nước trong xanh; chiêm ngưỡng tượng Phật Thích Ca Lộ Thiên đang ngồi thiền trên cù lao ở trước chùa giữa hồ cao 24 mét, nặng 1.500 tấn bằng đá. Bên kia hồ là các công trình xây dựng của Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã ẩn hiện trong màu lam sương khói của ngọn Linh Sơn nằm trong dãy Bạch Mã quanh năm mây mù lãng đãng.
Du khách tham quan Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã đầu năm. |
Theo các bô lão trong làng kể lại thì lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Cư dân Thanh Hoá, Nghệ An theo các chúa Nguyễn di cư vào Đàng Trong dừng lại ở kinh đô Phú Xuân: Chính dòng người này sau khi khai khẩn những làng quê ven kinh đô đã phát hiện ở cách đó không xa về phía Nam có một vùng đất bằng phẳng trải dài hai bên dòng sông xanh ngắt, hiền hoà mà sau này là những vườn cây trái sum suê ở các thôn Nam Phổ Cần, Nam Phổ Hạ, Phước Mỹ, Phước Trạch, Đông Xuân, Lương Điền Thượng, Quê Chữ, Bạch Thạch với những vườn cây ăn quả như dâu, mít, ổi, thanh trà, cam, bưởi...
Cũng theo các bậc cao niên, mấy trăm năm trước, khúc sông này tấp nập trên bến dưới thuyền. Khi đường bộ lên kinh đô còn trắc trở thì con sông này là “thuỷ lộ giao thương”, nhộn nhịp thương lái chở sản vật dâu tiên, chè xanh lên Dinh, đưa lụa là vải vóc vật phẩm kinh đô về Truồi qua phá Tam Giang. Chở gạo, củi qua Vinh Hưng, Vinh Giang để mang nông sản, thủy sản về đầy ắp chợ Truồi. Trên bến dưới thuyền, ngựa xe tấp nập bên cạnh ga tàu và chợ búa sầm uất nhộn nhịp cả đôi bờ.
Du khách đến nơi đây, sau khi tham quan, vãng cảnh Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã và chiêm ngưỡng cảnh quan thơ mộng, hữu tình ven sông Truồi; thưởng thức các loại trái cây ngon, đặc sản của vùng Truồi ra, họ có dịp thưởng thức món bánh ướt với những hàng quán nổi danh nhất về món ăn này nằm ngay trên Quốc lộ 1A. Thông thường, người ta ăn bánh ướt cùng nhiều thức ăn kèm: Nem chua, chả bò, ruốc tôm… nhưng chỉ ở Truồi, bánh ướt mới được dọn kèm với heo quay “giòn tan” mà dễ “nơi mô” có được.
Các nghệ nhân ẩm thực xứ Truồi cho hay, cách làm “bánh ướt heo quay” là sự kết hợp của hai phần: Phần bánh và phần thịt cùng rau ăn kèm. Nước mắm chấm bánh ướt là bí quyết chính để tạo ra một món ăn hoàn hảo, không gì sánh bằng. Phần vỏ bánh ướt được làm từ bột gạo có thể pha chung với bột năng hoặc bột khoai mì, sau đó hòa tan với nước rồi đem đi tráng để được lớp bánh ướt thật mỏng nhưng lại không bị rách.
Bánh ướt được tráng mỏng dính nhưng dai, sắp vào đĩa, điểm chút hành phi thơm lừng và mỡ. Thịt ba chỉ chọn miếng mỡ nạc đều nhau, quay giòn từ trước, chặt miếng vừa ăn. Tất nhiên đừng quên rau sống và dưa giá củ kiệu đặc trưng, vốn là món phải có trong mâm cơm người Huế. Và quan trọng chính là nước mắm pha ớt, tỏi được giã nhuyễn, thêm chút đường, vắt thêm vài giọt chanh.
Gắp miếng bánh ướt vào chén, lần lượt cho thêm dưa giá, rau sống, heo quay rồi chan lên trên một thìa nhỏ nước mắm. Nhìn chung là đơn giản nhưng khi kết hợp lại với nhau, tất cả hương vị ngọt, béo, chua, mặn và thanh mát đều có đủ. Người ăn cay có thể cắn thêm quả ớt xanh còn tươi rói giòn rụm.
Chuyện kể rằng, cô gái xứ Truồi thường đãi người bạn trai quê ở làng chài phá Tam Giang lên chơi món bánh ướt heo quay. Không biết vì mê cô gái hay mê “bánh ướt xứ Truồi” mà sau này hai người nên vợ nên chồng. Du khách đến xứ Truồi còn nghe lưu truyền mấy câu thơ của người con gái: "Xứ Truồi mít ngọt, dâu thơm/ Anh về làm rể canh, cơm đủ đầy/ Lại thêm “bánh ướt heo quay”/ Anh ăn mê mẩn quên ngày, quên đêm…". Và người bạn trai đáp lại: “Có duyên ăn bánh xứ Truồi/ Đi mô cũng nhớ tình đầu đôi ta/ Cầu cho mưa thuận gió hòa/ Trời yên “phá lặng” anh lên cưới nàng…”