Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại để nâng tầm vị thế quốc gia
Nghiên cứu - Trao đổi 04/01/2024 10:30
Chính sách đối ngoại của Việt Nam
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời vào ngày 2/9/1945, ngành Ngoại giao Việt Nam rất vinh dự và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên (tháng 8/1945 - 3/1946 và tháng 11/1946 - 3/1947). Trong Lời kêu gọi Liên Hợp Quốc (LHQ) (tháng 12/1946), Người nêu rõ: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”.
Trả lời nhà báo Mỹ S.Elie Massie, hãng International News Service, vào tháng 9/1949 về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện chủ trương “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.
Trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Wilhelm Pieck (người thứ nhất từ trái sang) và Thủ tướng Otto Grotewohl trong chuyến thăm Cộng hòa Dân chủ Đức tháng 7/1957. |
Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn Trung ương Đảng ta sang Trung Quốc rồi sang Liên Xô. Thông qua đó, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chính phủ Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân ở châu Á, Đông Âu đã lần lượt công nhận Chính phủ ta và giúp đỡ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) của Nhân dân ta. Bên cạnh đó, nước ta đã nhận được sự ủng hộ to lớn của giai cấp công nhân và Nhân dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp, góp phần vào việc buộc Chính quyền Pháp phải kí Hiệp định Genève ngày 20/7/1954 chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Đông Dương.
Nhân dân Việt Nam luôn luôn ủng hộ tất cả những cuộc đấu tranh chống xâm lược và bảo vệ hoà bình thế giới.
Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng, mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hoà bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hoà bình được.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình. Chúng tôi tin chắc rằng, sự hợp tác đó sẽ có lợi cho cả đôi bên và có lợi chung cho công cuộc hoà bình toàn thế giới”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), đất nước ta đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các nước XHCN và của Nhân dân yêu chuộng chính nghĩa khắp thế giới - kể cả Nhân dân tiến bộ Mỹ.
Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại
Về đối ngoại Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI của Đảng đã xác định rõ chủ trương quan hệ đối ngoại của Đảng ta là: Trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại; mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, bao gồm khoảng 90 đảng cộng sản và công nhân quốc tế, các đảng cầm quyền và tham chính có vai trò quan trọng. Đồng thời, Đảng ta cũng thường xuyên tham gia các diễn đàn đa phương chính đảng như: Cuộc gặp quốc tế của các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP); Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP); Diễn đàn Sao Paulo của các đảng cánh tả (SPF)...
Về ngoại giao nhà nước, ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập LHQ. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới thuộc tất cả các châu lục, trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt (Lào, Campuchia, Cuba), 12 đối tác toàn diện, 12 đối tác chiến lược, 6 đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ); có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ.
Việt Nam đang là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nhiều cơ quan quan trọng của LHQ. Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kì 2008-2009 và 2020-2021; Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 (nhiệm kì 2022-2023); Phó Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) tại kì họp lần thứ 42 (diễn ra từ ngày 7 - 22/11/2023… Bên cạnh đó, Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập vào năm 2013 và sau đó nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam vào năm 2018. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ tại phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.
Về đối ngoại Nhân dân, ngày 19/11/1950, Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam - tổ chức đối ngoại Nhân dân đa phương đầu tiên của Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thêm bạn bớt thù, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng với các lực lượng làm công tác đối ngoại Nhân dân của cả nước đã có những đóng góp to lớn trong việc huy động Nhân dân thế giới ủng hộ Nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phá bao vây, cấm vận và trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần củng cố hoà bình, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa Nhân dân Việt Nam với Nhân dân các nước trên thế giới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao. Đại hội cũng đã xác định xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân để tiếp tục nâng tầm vị thế quốc gia.