Vụ “Người đương thời” Nguyễn Đình Chiến bị kết án chung thân: Hơn chục năm liên tục kêu oan, tiếng kêu chưa thấu “trời xanh” (Kì 3)
Pháp luật - Bạn đọc 10/11/2019 09:39
Kì 3: Không thể nói ông Nguyễn Đình Chiến chiếm đoạt tài sản
Bản án sơ thẩm số 154/2011/HSST của TAND TP Hà Nội, Bản án phúc thẩm số 471/2011/HSPT của TAND Tối cao, đều cho rằng ông Nguyễn Đình Chiến đưa thông tin về khả năng tài chính của Công ty Bắc Hà, nhằm tạo niềm tin cho ông Nguyễn Tiến Luận và ông Phạm Trọng Thuần, để kí hợp đồng hợp tác, rồi chiếm đoạt tiền của các đối tác. Tại phần “Nhận định”, chủ yếu HĐXX chỉ căn cứ các giấy tờ được cho là giả mạo, mà không xét đến các chương trình ông Chiến thực hiện. Có thể nói, các chương trình này chưa thành công, hoặc không thể thành công vì nhiều lí do khác nhau, nhưng đó là những căn cứ khách quan cần phải xem xét. Rất tiếc, các cấp Tòa án không xem xét các căn cứ khách quan này.
Tài liệu có trong hồ sơ vụ án cho thấy, ông Bạch Minh Sơn nhiều lần đến khất nợ Công ty Bắc Hà, trong đó rõ nhất là Biên bản xác nhận công nợ giữa ông Nguyễn Đình Chiến và ông Bạch Minh Sơn, có sự làm chứng của ông Trần Duy Dũng, được kí ngày 2/4/2009 tại văn phòng Công ty Bắc Hà. Biên bản này có nội dung: “Ngày 25/12/2008, ông Bạch Minh Sơn chưa thanh toán được khoản nợ ông Nguyễn Đình Chiến số tiền 30 triệu USD, theo thỏa thuận về việc chuyển nhượng vốn cổ phần, của ông Nguyễn Đình Chiến với ông Bạch Minh Sơn tại Tập đoàn Basown. Với khoản nợ quá hạn này, ông Bạch Minh Sơn chấp nhận trả lãi suất quá hạn do chậm thanh toán là 0,1%/ngày.
Tại Tòa, ông Bạch Minh Sơn khai số tiền 30 triệu USD này là tiền ảo, nhưng được Tòa chấp nhận, để khẳng định ông Chiến không có tiền ở Hồng Kông. Nếu 30 triệu USD là ảo, sao ông Bạch Minh Sơn phải nhiều lần đến khất nợ, mà không phải là khất nợ với các hứa phiếu? Tại sao ông Chiến chỉ đòi số tiền 30 triệu USD và hơn 11 tỉ đồng tiền Việt? Sở dĩ, các hứa phiếu đang trong quá trình quay vòng tài chính, không phải là số tiền thực tế. Tòa án không lấy đó làm căn cứ gỡ tội cho ông Chiến, mà chỉ dựa vào lời khai của ông Bạch Minh Sơn làm căn cứ buộc tội.
Ông Nguyễn Đình Chiến lắng nghe Tòa tuyên án |
Thực tế, ông Chiến có chuyển cho ông Nguyễn Xuân Mão tiền, để xúc tiến Giấy bảo lãnh của Ngân hàng Barclay LonDon, có số tiền 500 triệu USD. Nhưng Tòa không xem xét, để khẳng định lời khai của ông Chiến về chương trình quay vòng tài chính là đúng, nhưng lại tin vào lời khai của ông Mão là ông Chiến mượn tài khoản để chuyển tiền. Thật lạ, ông Chiến có tiền trong tài khoản, có thể rút tại bất cứ chi nhánh nào cùng hệ thống trên toàn quốc, sao ông phải đi mượn tài khoản của ông Mão? Thế mà Tòa cũng tin vào lời khai vô căn cứ này của ông Mão!?
Về tiền mua Công ty Bằng An, thực chất là chuyển nhượng dự án. Nhưng quan hệ ngay thẳng này không được Tòa chấp nhận, mà lại dựa vào lời khai vô căn cứ của bà Nguyễn Thị Bằng An. Cơ quan tiến hành tố tụng phủ nhận các chứng từ chi tiền của Công ty Bắc Hà, nhưng lại công nhận phiếu chi của Công ty ĐVD. Hồ sơ cũng cho thấy, lời khai của những người nhận tiền mâu thuẫn với chứng cứ, nhằm lợi dụng hoàn cảnh của ông Chiến để chiếm đoạt số tiền họ đã nhận. Thế nhưng, Tòa lại căn cứ vào những lời khai đó, làm triệt tiêu chứng cứ chứng minh sự vô tội của ông Chiến. Việc này rõ ràng trái với các nguyên tắc: “Bình Đẳng”, “Suy đoán vô tội”, “Xác định sự thật khách quan” của vụ án, trong tố tụng án hình sự.
Bằng chứng Công ty Bắc Hà chuyển tiền cho ông Nguyễn Xuân Mão, Công ty Thiên Khôn Phú |
Ông Chiến, với vai trò đại diện Công ty Bắc Hà, kí các hợp đồng huy động vốn cho Công ty ĐVD và Đại học Nguyễn Trãi, là việc làm công khai, các bên đã cân nhắc thỏa thuận các quyền lợi, nghĩa vụ trong hợp đồng. Sau khi kí các hợp đồng, các bên thường xuyên gặp nhau để bàn bạc, tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các hợp đồng đều có điều khoản cam kết xử lí khi hợp đồng không thực hiện được. Tại Hợp đồng số 169/HĐV kí với Công ty ĐVD có phần C, Điều 3 ghi rõ: “…bên B (Công ty ĐVD) được quyền đơn phương hủy bỏ và yêu cầu bên A (Công ty Bắc Hà do ông Nguyễn Đình Chiến đại diện) giải tỏa việc đóng băng khoản tiền đối ứng, để chuyển trả cho bên B, trong trường hợp bên A không thực hiện đúng chuyển tiền đợt 1 theo cam kết. Bên A phải chịu trách nhiệm chuyển trả lại số tiền đã nhận, cộng thêm lãi suất quá hạn của ngân hàng”.
Tương tự như vậy, tại Điều 3 Hợp đồng số 205/HĐV kí với Đại học Nguyễn Trãi cũng ghi rất rõ: “Bên B (Đại học Nguyễn Trãi) được quyền đơn phương hủy bỏ và yêu cầu bên A (Công ty Bắc Hà do ông Nguyễn Đình Chiến đại diện) giải tỏa việc đóng băng khoản tiền đối ứng, để chuyển trả số tiền của bên B (kể cả số tiền 2%) trong trường hợp bên A không thực hiện… Bên A phải chịu trách nhiệm chuyển trả lại số tiền đã nhận của bên B và lãi suất quá hạn của ngân hàng”.
Bản án phúc thẩm số 471/2011/HSPT của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao |
Không chỉ có vậy, các hợp đồng đều cam kết: “Trường hợp mà hai bên có bất đồng, không thể giải quyết bằng thương lượng, thì sẽ đưa ra tòa án kinh tế Hà Nội để giải quyết”. Như vậy, khi không thực hiện được đúng các cam kết, Công ty Bắc Hà (do ông Chiến đại diện) có trách nhiệm trả lại tiền cho các đối tác. Và, thực tế các đối tác đang nhận tiền trả lại của Công ty Bắc Hà, Công ty ĐVD đã nhận lại 3,1 tỉ đồng và 1.500 USD, Đại học Nguyễn Trãi đã nhận lại 570 triệu đồng và 10.000 USD, cùng 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp trả nợ. Nếu chưa đồng ý, các đối tác có quyền đưa ra Tòa kinh tế, TAND TP Hà Nội để giải quyết. Việc các cơ quan tố tụng vào cuộc điều tra, truy tố, xét xử ông Nguyễn Đình Chiến, rõ ràng đã hình sự hóa một quan hệ kinh tế đang trong quá trình thực hiện.
Có thể khẳng định, các giao dịch kí kết hợp đồng huy động vốn của Công ty Bắc Hà, việc chuyển tiền theo hợp đồng do ông Chiến thực hiện, chỉ là giao dịch dân sự mà ông Chiến là đại diện pháp nhân thực hiện, không có yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, như các cấp Tòa đã xử. HĐXX các cấp đánh giá chứng cứ không toàn diện, khách quan, bỏ qua các chứng cứ gỡ tội, chỉ sử dụng các chứng cứ buộc tội để đưa ra kết luận. HĐXX các cấp cố ý đưa ra kết luận trái pháp luật, quan liêu, thiếu trách nhiệm, không thể hiện sự công minh, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Chiến, đẩy một doanh nhân phải thụ án oan suốt ngần ấy năm.
Báo Người cao tuổi đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, căn cứ Khoản 2, Điều 398 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, ra quyết định kháng nghị Bản án phúc thẩm số 471/2011/HSPT của TAND Tối cao, xem xét lại vụ án theo thủ tục tái thẩm, để ông Nguyễn Đình Chiến được hưởng sự công minh của pháp luật. Đề nghị Quốc hội thực hiện giám sát, chỉ đạo các cơ quan tố tụng giải quyết việc này.