Tiếp vụ ông Nguyễn Đình Chiến bị kết án “Chung thân”: Vì sao suốt 10 năm trời ông Chiến liên tục kêu oan?
Pháp luật - Bạn đọc 27/11/2019 09:25
Vụ án do TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm, Tòa cấp phúc thẩm giữ nguyên phần tội danh và hình phạt “Chung thân” đối với ông Chiến,…
Thực tế cho thấy, đối với những vụ án mà người bị kết án liên tục kêu oan, thường là do họ không “tâm phục khẩu phục” phán quyết của Tòa, họ vẫn còn niềm tin mãnh liệt vào công lí, lẽ phải. Chính điều này thôi thúc chúng tôi đi tìm hiểu sự thật. Những người làm luật đều biết, cấu thành bắt buộc về mặt chủ quan và khách quan của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Theo các bản án, ông Chiến có hành vi dùng giấy tờ giả lừa ông Phạm Trọng Thuần và ông Nguyễn Tiến Luận: Khoảng tháng 6/2007, ông Phạm Trọng Thuần đến gặp ông Chiến, đề xuất việc vay vốn. Để tạo lòng tin, ông Chiến đưa cho ông Thuần một số tài liệu bằng tiếng Anh chứng minh năng lực tài chính gồm: Bản mẫu Giấy bảo lãnh của Ngân hàng Barclays London (BL500); Giấy hứa thanh toán nợ ngày 26/6/2007 của Tập đoàn Basownn Hồng Kông (Giấy hứa thanh toán); Thư bảo lãnh EURO bank ngày 6/6/2008, cho người thụ hưởng là Bounthua Sayvong Lao PDR (BL100); Điện báo của Federal Reserve Bank of New York ngày 26/6/2008, người thụ hưởng là Công ty Xuất nhập khẩu phát triển nông lâm nghiệp (Điện báo 6 tỉ), kèm theo 2 giấy ủy quyền có nội dung, ủy quyền cho ông Chiến môi giới thương thảo với khách hàng, việc sử dụng tiền là do ông Bounthua; Giấy ủy quyền của ông Aixinjueloua Yuhao cho ông Chiến khai thác giá trị viên ngọc dạ minh châu trị giá 1.200.000.000 USD (ủy quyền viên ngọc).
Các bằng chứng cho thấy, các giấy tờ có sau ngày giao dịch với ĐVD, mâu thuẫn về thời gian. |
Nghiên cứu cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, chúng tôi đều không tìm được chứng cứ nào khẳng định, ông Chiến làm giả các giấy tờ nêu trên. Riêng đối với BL100, Điện báo 6 tỉ và ủy quyền viên ngọc, là do ông Bounthua ủy quyền cho ông Chiến, theo Hợp đồng hợp tác ngày 18/11/2007. Ủy quyền này được Văn phòng công chứng của Lào xác nhận, thì ông Chiến hoàn toàn có thể tin tưởng rằng đó là giấy tờ thật. Hơn nữa, bản thân giấy tờ đó đã ghi rõ, người thụ hưởng là ông Bounthua Sayavong, thì ông Chiến không thể dùng nó để lừa ông Thuần và ông Luận rằng, mình là người thụ hưởng. Đối với Ủy quyền viên ngọc, không có bằng chứng nào thể hiện ông Chiến nói rằng, ông là người được sử dụng viên ngọc. Như vậy, có thể xem các giấy tờ do ông Chiến có được trong quá trình hợp tác, không do ông Chiến làm giả để kết tội ông Chiến.
Riêng đối với Giấy hứa thanh toán ngày 26/6/2007, mặc dù ông Bạch Minh Sơn phủ nhận, nhưng đã rất nhiều lần hứa thanh toán các khoản nợ với ông Chiến. Chỉ căn cứ vào lời khai của ông Sơn rằng, thực tế không có khoản nợ, cơ quan tiến hành tố tụng đã phủ nhận giấy tờ này và cho rằng, đó là giấy tờ giả do ông Chiến đem ra để tạo lòng tin.
Và, cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, thời gian ông Thuần đến gặp ông Chiến, kí Hợp đồng, chuyển tiền đều diễn ra từ tháng 6 đến 20/8/2007, trừ Giấy hứa thanh toán như đã phân tích ở trên, các giấy tờ được coi là giả: BL500 ghi ngày phát hành là 10/10/2007, BL100 ghi ngày phát hành 6/6/2008, Điện báo 6 tỉ ghi ngày 16/7/2008…
Như mô tả, tất cả các giấy tờ đó đều có ngày phát hành sau ngày diễn ra giao dịch với ông Thuần, thì ông Chiến không thể dùng nó để lừa ông Thuần được. Một sự mâu thuẫn đến nực cười về mặt logic chứ chưa nói gì đến khoa học pháp lí! Ấy vậy mà, nội dung mâu thuẫn đó được mang y nguyên, xuyên suốt từ Kết luận điều tra, Cáo trạng cho đến các bản án sơ thẩm và phúc phẩm. Phải chăng, các cơ quan tiến hành tố tụng cùng làm việc theo kiểu “họp 3 ngành”, nên không thấy những điều phi lí nêu trên?
Đối với hành vi được cho là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Đại học Nguyễn Trãi: Bản án ghi: “Nguyễn Đình Chiến còn giới thiệu có nguồn tiền 500 triệu EUR và đưa cho ông Luận xem giấy bảo lãnh của ngân hàng Barclays London, Chiến nói có trong 500 triệu có 100 triệu cho vay về giáo dục”. Chúng ta sẽ xem xét BL500 có do ông Chiến làm giả hay không, có được ông dùng để tạo lòng tin cho các đối tác, nhằm mục đích lừa đảo hay không?
Giấy bảo lãnh này không tồn tại độc lập, nó là bản mẫu được cung cấp bởi bên bán (providers), kèm theo hợp đồng mua bán công cụ tài chính và phụ lục. Trong suốt quá trình điều tra, cũng như tại các phiên tòa, ông Chiến đều khai rằng, mẫu BL500 do ông Nguyễn Xuân Mão gửi. Cơ quan tiến hành tố tụng không đưa ra bằng chứng nào, chứng minh ông Chiến là người làm ra BL500, không xác định ai là người làm ra mẫu bút lục đó. Ông Mão không thừa nhận gửi cho ông Chiến, không thừa nhận việc nhận của ông Chiến hơn 10 tỉ đồng trong quá trình giao dịch mua bán bảo lãnh. Mặc dù lời khai đó mâu thuẫn với các chứng cứ khác, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không những không tiến hành đối chất, mà còn mặc nhiên công nhận lời khai của ông Mão, lấy đó làm chứng cứ buộc tội ông Chiến.
Trong mẫu BL500 có ghi tên 2 người quản lí cao cấp của ngân hàng, nhưng không có chữ kí của 2 người này, cũng không có chữ kí nào được cho là chữ kí giả của 2 người. Ai cũng có thể hiểu, một văn bản không có chữ kí thì không có giá trị, chứ chưa nói đến giả hay không. Theo lời khai của ông Nguyễn Tiến Luận: Ông Nguyễn Tiến Luận là người biết tiếng Anh, nên đã xem nội dung tờ giấy ông Chiến đưa cho, thấy nội dung đúng như lời ông Chiến nói”. Lời khai này cho thấy, ông Nguyễn Tiến Luận đã đọc rất kĩ BL500. Trong BL500 có ghi rõ “text code” (nghĩa là mã hóa), hơn nữa còn ghi rõ “no mail or hard copy will follow” (không có email và bản giấy kèm theo). Và như đã nói ở trên, mẫu BL500 này không có chữ kí của 2 quản lí cao cấp: Michael Attee và Ian Puddeta (không có chữ kí chứ không phải chữ kĩ giả), thì ông Luận, hay ông Thuần phải hiểu rằng, văn bản này không có giá trị, chưa cần biết đó có phải là bản gốc hay không.
Và, lại một vấn đề mấu chốt về thời gian: Giả dụ ông Luận tin BL500 là thật, thì thời gian đáo hạn của bút lục là ngày 10/10/2008. Trong khi đó thời hạn phải giải ngân theo Hợp đồng với Trường Nguyễn Trãi là 15/7/2008 (trước thời hạn thanh toán trên bảo lãnh là 3 tháng). Điều này không thể làm cho ông Luận vì tin ông Chiến, mà trông chờ vào nguồn BL500 để giải ngân khoản vay vào ngày 15/7/2008.
Vậy, ngày phải giải ngân diễn ra trước ngày đáo hạn của BL500, thì Bắc Hà giải ngân cho Đại học Nguyễn Trãi và Công ty Đại Viễn Dương bằng nguồn nào? Vấn đề đặt ra ở đây: Những nguồn tài chính ông Chiến khai đang thực hiện để huy động vốn cho đối tác, thì không được xem xét. Các chứng từ chi tiền của Bắc Hà cho đối tác, nhằm mục đích thực hiện việc huy động vốn vào Việt Nam, bị coi là không có giá trị. Trong khi đó, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ xem xét các khoản tiền Bắc Hà nhận từ đối tác theo hợp đồng, coi đó là chiếm đoạt; chỉ xem xét các chứng từ được xác định là giả, cho là hành vi “tạo niềm tin”, thậm chí tại thời điểm giao dịch, các chứng từ được cho là giả đó còn chưa xuất hiện.
Như vậy, cơ quan tiến hành tố tụng có vi phạm nguyên tắc xác định sự thật vụ án: “phảilàm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội” hay không? Việc không xác định được mẫu BL500 có phải là giả hay không, ai là người làm giả? Ông Mão có liên quan hay không? Việc ông Bạch Minh Sơn phủ nhận nợ Bắc Hà, mâu thuẫn với chứng cứ khác, nhưng chưa được cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ, mà đã dùng nó để kết tội ông Chiến. Điều này có vi phạm nguyên tắc “suy đoán vô tội” hay không? Việc dùng các chứng cứ mâu thuẫn xuyên suốt từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử như đã phân tích, thì HĐXX đã thực hiện đúng nguyên tắc “thẩm phán và HĐXX độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” hay chưa? Vấn đề này cần phải được làm rõ.
Bất kể là khi nào, nếu phát hiện sự thật lâu nay bị che giấu hay xem xét không đầy đủ dẫn đến oan khuất cho người dân, chúng ta cần phải nhìn nhận lại nghiêm túc, để công lí được thực thi.