Vụ “Người đương thời” Nguyễn Đình Chiến bị kết án chung thân: Hơn chục năm liên tục kêu oan, tiếng kêu chưa thấu “trời xanh”
Pháp luật - Bạn đọc 07/11/2019 08:23
Kì 1: Nội dung của vụ án
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đình Chiến là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư – Thương mại Bắc Hà (Công ty Bắc Hà), có trụ sở ở TP Hà Nội. Trong năm 2007, ông Chiến cùng con trai là anh Nguyễn Đình Hùng, cùng ông Bạch Minh Sơn thành lập Tập đoàn Bắc Hà, có trụ sở tại Hồng Kông, do anh Nguyễn Đình Hùng làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Đình Chiến làm Tổng Giám đốc.
Tháng 6/2007, do có nhu cầu mở rộng và phát triển kinh doanh, thông qua môi giới, các ông Đàm Đức Tùng và Phạm Trọng Thuần, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thương mại Đầu tư Đại Viễn Dương (Công ty ĐVD) ra Hà Nội gặp ông Chiến đặt vấn đề huy động vốn. Ngày 8/8/2007, ông Thuần cùng ông Chiến kí Hợp đồng hợp tác đầu tư số 169/HDV, nội dung huy động vốn đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái, kết hợp nhà nghỉ cao cấp, khách sạn, nhà hàng, bến du thuyền tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. Công ty Bắc Hà, do ông Chiến làm đại diện sẽ huy động cho Công ty ĐVD, do ông Thuần làm đại diện, vay 20 triệu USD, để đầu tư giai đoạn 1, thời hạn vay 12 năm, lãi suất 5%/năm… điều kiện Công ty ĐVD phải có 10% = 2 triệu USD vốn đối ứng, chuyển vào tài khoản của Công ty Bắc Hà… hoặc phải có 400.000 USD để trả lãi suất 12 tháng cho khoản vốn đối ứng, đồng thời Công ty ĐVD phải có tài sản thế chấp, là dự án đã đầu tư hoàn thiện, để thay thế cho vốn đối ứng 10% tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn 1, thời hạn thế chấp 1 năm 1 ngày. Hết thời hạn, Công ty Bắc Hà phải trả lại cho Công ty ĐVD.
Thực hiện các điều kiện đã kí kết trong hợp đồng, ngày 20/8/2007, Công ty ĐVD chuyển 6.484.000.000 đồng, tương đương 400.000 USD cho Công ty Bắc Hà, đồng thời cam kết bảo lãnh bằng tài sản để vay vốn bằng 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) do: bà Phạm Thị Bạch Yến, ông Phạm Trung Thuần; ông Phạm Đức Mạnh, đều trú tại TP Hồ Chí Minh đứng tên, đồng thời giao 12 sổ đỏ cho ông Chiến, với nội dung: ông Chiến được ủy quyền thay mặt bên ủy quyền thế chấp quyền sử dụng 12 sổ đỏ, thời gian ủy quyền là 1 năm, tính từ ngày 31/8/2007.
Thế nhưng, sau đó Công ty ĐVD không thấy Công ty Bắc Hà chuyển tiền cho vay đầu tư, cũng không chuyển khoản vay hộ vốn đối ứng 2 triệu USD, nên Công ty ĐVD yêu cầu xác nhận vốn đối ứng hiện được mở tài khoản tại ngân hàng nào. Ông Chiến giải thích, vốn đối ứng hiện được lưu giữ tại Ngân hàng HSBC, việc chậm giải ngân do nguồn vốn phải qua Tập đoàn Bắc Hà đầu tư trực tiếp vào dự án của Công ty ĐVD. Ngày 18/12/2007, ông Chiến đại diện Tập đoàn Bắc Hà kí Hợp đồng vay vốn đầu tư số IVN-18122007/BH-DVD với Công ty ĐVD do ông Thuần đại diện… Ngày 26/12/2007, ông Chiến phát hành thư xác nhận đã huy động khoản vốn đối ứng 2 triệu USD cho Công ty ĐVD. Ngày 24/1/2008, Tập đoàn Bắc Hà và Công ty ĐVD kí tiếp Hợp đồng tín dụng số CRD24012008/BH-DVD, nội dung Tập đoàn Bắc Hà làm bảo hiểm cho khoản vay 20 triệu USD, Công ty ĐVD sẽ thanh toán chi phí bảo hiểm 400.000 USD. Tập đoàn Bắc Hà phải chuyển số tiền 20 triệu USD vào tài khoản của Công ty ĐVD trong vòng 10 ngày, sau khi nhận được tiền thanh toán phí bảo hiểm.
Quá thời hạn theo các hợp đồng, nhưng Công ty ĐVD không nhận được khoản tiền nào, nên Công ty ĐVD có văn bản yêu cầu trả lại tiền và tài sản thế chấp, nhưng ông Chiến nhiều lần hứa hẹn, nên Công ty ĐVD có đơn tố cáo ông Chiến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến ngày 7/4/2009, ông Chiến mới trả cho Công ty ĐVD 3,1 tỉ đồng và 1.500 USD.
Ông Nguyễn Đình Chiến trong buổi xin lỗi công khai của Viện KSND TP Cần Thơ tại xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang (Ảnh IT) |
Ngay sau khi nhận được tiền và tài sản thế chấp của công ty ĐVD, ông Chiến cho rút toàn bộ số tiền chi dùng vào mục đích khác. Ngày 6/10/2007, anh Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc điều hành Công ty Bắc Hà mang thế chấp 12 sổ đỏ, để kí Hợp đồng ngắn hạn số 0101/129-2007/HDTD-OJB với Ngân hàng Thương mại CP Đại Dương, vay 80 tỉ đồng, nhằm bổ sung vốn thực hiện dự án hợp tác đầu tư, xây dựng tổ hợp tòa nhà chung cư cao tầng, Trung tâm thương mại, du lịch, khách sạn, văn phòng cho thuê tại số 9 phố Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Ngày 28/5/2008, ông Nguyễn Tiến Luận, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Nguyễn Trãi kí Hợp đồng hợp tác đầu tư số 205/HĐV với Công ty Bắc Hà, do ông Chiến làm đại diện, để huy động 100 triệu Euro đầu tư thực hiện dự án khu giáo dục Nguyễn Trãi, thời hạn vay 25 năm, lãi suất 5%/năm, trong đó ân hạn 5 năm, năm thứ sáu trở đi sẽ trả cả gốc lẫn lãi phân chia theo từng năm. Đổi lại, Đại học Nguyễn Trãi phải có vốn đối ứng bằng 10% = 10 triệu Euro, hoặc 2 triệu Euro để trả lãi cho 12 tháng cho khoản vốn đối ứng. Sau đó, hai bên kí các phụ lục hợp đồng: số 01/PLHĐ ngày 30/5/2008, số 02/PLHĐ ngày 2/6/2008, số 03/PLHĐ ngày 23/6/2008, với các nội dung: Công ty Bắc Hà chịu trách nhiệm huy động cho Đại học Nguyễn Trãi khoản vốn đối ứng trong thời hạn 1 năm 1 ngày và góp thêm 1 triệu Euro đee trả lãi suất cho khoản vay đối ứng, Đại học Nguyễn Trãi phải có 1 triệu Euro; Đại học Nguyễn Trãi chuyển 1 triệu Euro vào tài khoản của Công ty Bắc Hà tại Agribank Hà Nội chi nhánh Cầu Giấy, để làm thủ tục huy động vốn đối ứng khoản vay… Công ty Bắc Hà chịu hoàn toàn trách nhiệm về kinh phí mua bảo hiểm 2 triệu Euro như cam kết.
Ngày 2/6/2008, Đại học Nguyễn Trãi kí Hợp đồng tín dụng số CRD-02622008/BH-LADECO với Tập đoàn Bắc Hà, do ông Chiến làm đại diện, nội dung Tập đoàn Bắc Hà cho Đại học Nguyễn Trãi vay 100 triệu Euro… Thực hiện cam kết tại các hợp đồng và các phụ lục hợp đồng, ngày 3/6/2008, Đại học Nguyễn Trãi chuyển vào tài khoản của Công ty Bắc Hà mở tại Techcombank chi nhánh Ba Đình, theo yêu cầu của ông Chiến, số tiền 20 tỉ đồng…
Bản án sơ thẩm số 154/2011/HSST của TAND TP Hà Nội |
Khi nhận được tiền của Đại học Nguyễn Trãi, Công ty Bắc Hà và Tập đoàn Bắc Hà không thực hiện theo cam kết. Do đó, ngày 5/8/2008, Đại học Nguyễn Trãi có công văn đề nghị giải ngân khoản vay. Ông Chiến cam kết thời hạn giải ngân đợt một trước ngày 31/8/2008, nhưng đến ngày 25/8/2008, ông Chiến tiếp tục cam kết sẽ chuyển ít nhất 2 triệu Euro cho Đại học Nguyễn Trãi vào ngày 28/8/2008, nếu đến ngày đó không có 2 triệu Euro, thì sẽ trả cho Đại học Nguyễn Trãi đủ số tiền 20 tỉ đồng. Nhưng, các cam kết này không thực hiện được, nên Đại học Nguyễn Trãi liên tục có công văn đề nghị trả lại số tiền 20 tỉ đồng cùng lãi suất. Ông Chiến sử dụng 2 sổ đỏ của Công ty CP Bằng An tại thôn Ấp Tre, xã Quang Minh, huyện Mê Linh (nay thuộc TP Hà Nội), do UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 1/1/2005, đặt cọc cho Đại học Nguyễn Trãi để bảo đảm cho việc trả tiền, đồng thời cam kết đến hết ngày 27/10/2008 nếu không thực hiện việc trả tiền thì phải làm thủ tục chuyển nhượng tài sản đặt cọc cho Đại học Nguyễn Trãi…
Cũng theo kết luận của các cơ quan tố tụng, ông Chiến sử dụng 20 tỉ đồng nhận của Đại học Nguyễn Trãi vào các việc: chuyển khoản 5 tỉ đồng trả nợ bà Trần Thị Thành, chuyển khoản 3.683.280.000 đồng trả nợ Công ty CP Tân Phong Phú Thọ, chuyển khoản 3 tỉ đồng cho Công ty CP Thương mại dịch vụ chế biến nông sản để góp vốn, chuyển khoản 553.280.000 đồng trả cho Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông, rút 7.750.000.000 đồng cho ông Bạch Minh Sơn vay. Đến ngày 20/12/2008, ông Chiến đã trả cho Đại học Nguyễn Trãi 570 triệu đồng và 10.000 USD. Cơ quan điều tra cũng yêu cầu các đơn vị, cá nhân nộp lại tiền, nhưng chỉ có ông Bạch Minh Sơn nộp 5.400.000.000 đồng, tổng cộng Đại học Nguyễn Trãi đã nhận lại 6.137.000.000 đồng.
Các cơ quan tố tụng cho rằng, Công ty Bắc Hà và Tập đoàn Bắc Hà Hồng Kông không có khả năng tài chính, không có khả năng huy động vốn, nhưng ông Chiến sử dụng các giấy tờ, tài liệu không có nguồn gốc xuất xứ, không có căn cứ pháp lí và là tài liệu giả, nhằm kí các hợp đồng hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tiền của Công ty ĐVD và Đại học Nguyễn Trãi. Trên cơ sở đó, Bản án sơ thẩm số 154/2011/HSST ngày 11/3/2011, của TAND TP Hà Nội và Bản án phúc thẩm số 471/2011/HSPT ngày 15/8/2011, của TAND Tối cao, đều tuyên ông Chiến phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với mức án chung thân.
Ông Chiến liên tục kêu oan, nhưng tiếng kêu của ông chưa thấu “trời xanh”.
(Còn nữa)