Vĩnh biệt hoa sen trắng của làng Đại Định
Văn hóa - Thể thao 26/11/2024 09:14
Nhân duyên quen biết
Tiến sĩ Tạ Đình Thính học ở Tiệp Khắc năm 1970. Ông gọi cụ Tạ Đình Đề danh tiếng huyện thoại của thế kỉ XX là chú ruột. Ông từng giữ chức Vụ trưởng tại Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chính phủ hàng chục năm. Bạn bè quen biết đều trân quý vì sự hiểu biết uyên thâm của ông, người hiền và tốt bụng. Ông là bạn học và cũng là bạn thân thiết của ông Kim Quốc Hoa, cựu Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi).
Năm 2011 sau khi nghỉ hưu ở báo Nông nghiệp Việt Nam, tôi về đầu quân cho Báo Người cao tuổi, thế nên cũng quen biết ông Thính và ông cũng thân thiết coi tôi như người em gái.
Ông hay đến tòa soạn vừa để chia sẻ tin tức trò chuyện vừa động viên nhóm phóng viên chúng tôi cùng Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa vượt qua sóng gió.
Qua trò chuyện, ông Thính biết tôi là người làm thơ, nên anh em cũng hay trao đổi về chuyện văn thơ. Còn tôi biết ông là cháu cụ Tạ Đình Đề nên rất thích nghe ông kể về người cận vệ danh tiếng của Bác Hồ, điệp viên có tài bắn súng, trăm phát trăm trúng, rồi oan án của đời cụ Đề, được nữ thẩm phán “bao công” Phùng Lê Trân giải án. Cụ Tạ Đình Đề từng 2 lần bị bắt đi tù oan trong giai đoạn sau giải phóng miền Nam, rồi được minh oan và được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2007 sau khi cụ Đề qua đời đã 10 năm. Cuộc đời của cụ Đề là một câu chuyện đầy bí ẩn cùng với sự đổi thay của xã hội đương thời, sau chiến tranh đã xuất hiện những mầm mống cơ hội, lợi dụng chức quyền vu oan giáo họa hãm hại người tử tế.
Về thăm hoa sen quý của làng Đại Định
Biết tôi là nữ phóng viên viết bài đấu tranh chống tiêu cực, đã từng bị án oan kẻ giết người kiện tới trên 24 tỉ đồng (năm 2010- vụ bị Hoàng Kim Đồng Tổng Giám đốc Công ty ICC kiện nhà báo Nghiêm Thị Hằng và Báo Nông nghiệp Việt Nam), nên ông Thính cũng rất đồng cảm và coi tôi như người em, người bạn vong niên.
Một lần khi tôi nói về chuyện hoa sen ứng viên Quốc hoa Việt Nam, Ông Thính bảo rằng, ở chùa Bối Khê quê ông có 3 cây sen cạn còn gọi là sen đất rất quý. Tôi đọc câu thơ “Trong đầm gì đẹp bằng sen” chứng minh rằng sen ở đầm nước. Còn ông Thính quả quyết rằng, sen ở trên cạn và có cành, bằng chứng là câu ca dao “Hôm qua tát nước bên đình, bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”. Thế là sau cuộc tranh luận đó, ông Thính mời tôi và bạn ông là luật gia Nguyễn Văn Hồng về quê ông, thăm chùa Bối Khê, để tôi tận mắt thấy cây sen cạn, giống sen đặc biệt quý hiếm chỉ có ở quê ông.. Sau chuyến đi này tôi có bài báo Xuân viết về hoa sen quý của làng Đại Định đăng trên Báo Người cao tuổi .
Tặng sách quý
Năm 2021, tôi xuất bản cuốn khảo cứu chuyên sâu “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”, tôi có mời những người bạn trân quý tới nhà tôi trò chuyện và tặng sách. Buổi ấy có ông Kim Quốc Hoa (Cựu Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi), Đại tá Trần Nhung (Cựu Tổng Biên tập báo Cưu chiến binh” và ông Tạ Đình Thính (Cựu Vụ trưởng tại Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chính phủ). Hôm ấy nhóm anh em chúng tôi có những câu chuyện kể về CCRĐ. Tôi chỉ biết ngồi nghe vì hồi đó dù các ông mới hơn 10 tuổi cũng đủ biết đủ nhớ vì các ông đều là người thông minh và là nhân chứng những câu chuyện của gia đình mình. Còn tôi, khi đó mới là cô bé 3 tuổi nhà nghèo chẳng biết gì.
Nhân câu chuyện cũ, ông Thính kể rằng nhiều năm ông thu thập nhiều tài liệu, nhiều chính kiến, quy chiếu theo pháp luật và rất tâm huyết để viết về chuyện quê ngày CCRĐ, chuyện “Chắp nhặt dông dài” và ông hứa sẽ tặng cuốn sách này cho bạn bè thân quý.
Lần khác ông mời tôi uống cà phê ở gần nhà ông khu công viên Nghĩa Tân (Cầu Giấy) và ông nói - Hôm trước hứa tặng em sách, nhưng anh chỉ còn cuốn “Chắp nhặt dông dài”. Tôi đón nhận sách quý ông tặng. Đó là hai tập dày 1.372 trang, rất nhiều tư liệu quý hơn 200 trang được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Đây là những tư liệu lịch sử, kinh tế quý, đề cập tới những vấn đề rất then chốt và rất "nhạy cảm" của hai sự kiện cải cách ruộng đất được thực hiện vào những năm 1953-1956 và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh được thực hiện vào những năm 1958-1960 ở miền Bắc và 1975-1984 ở miền Nam, tôi phải dành nhiều thời gian để đọc và ngẫm nghĩ về cuốn sách này. Anh bảo ông còn cuốn “Đông Hùng Vương-Tây Hùng Vương” đã được in nhưng không được phát hành. Đây là cuốn sách theo ông nói đặc biệt có nhiều tài liệu quý hiếm cho các nhà nghiên cứu chính trị, sử học phân tích trong lịch sử Việt Nam thời gian từ năm 1970-2000 nhưng hiện giờ vẫn là những bí ấn chưa được khám phá trong giới hạn sách chưa phát hành.
Sau lần gặp gỡ ông Thính và các ông ở gần hồ Tây, đầu năm nay tôi lại hẹn các ông đến nhà tôi chơi, tôi thưa chuyện về hành trình dấu tích phần mộ nữ Hồ Xuân Hương. Nhưng lời mời không thành vì dạo đó nghe tin ông Thính bệnh nặng. Mùa Hè vừa rồi, nghe tin ông đã khỏe, tôi dự định mời các ông đến nhà tôi thay lời hẹn đầu năm chưa thành. Nhưng lại nghe tin ông bệnh nặng và lỡ hẹn với cả nhóm. Giờ thì ông lỡ hẹn với bạn bè thật rồi.
TS Tạ Đình Thính - Bông sen trắng của làng Đại Định đã thanh thản về miền mây trắng ngày 20/11/2024, thọ 82 tuổi, để lại trong lòng người thân gia đình và bè bạn niềm tiếc thương, một con người thông minh, chính trực, tử tế.