Viết tiếp về vụ thu hồi 91 ha đất rừng theo QĐ 2354 của tỉnh Hà Tĩnh: Doanh nghiệp chiếm đất, chặt keo... vô can; dân người chặt 64 cây cao su bị phạt
Pháp luật - Bạn đọc 18/06/2019 15:03
Công ty Cao su Hà Tĩnh chặt cây, tước đất của dân
Do xác định không đúng ranh giới đất rừng và không thanh lí tài sản trên đất của TKT Truông Giữa nên tranh chấp đất đai, tài sản kéo dài, dẫn đến hàng chục ha keo dưới 1 tuổi của dân bị Công ty Cao su Hà Tĩnh hủy hoại. Cuộc tranh chấp xảy ra gay gắt, các cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện, xã và Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc biết, nhưng không giải quyết. UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu xử lí dứt điểm theo nội dung đơn của ông Phan Kiệm, đại diện TKT Truông Giữa, nhưng huyện Can Lộc và Công ty Cao su Hà Tĩnh không chấp hành, còn làm và báo cáo trái thực tế. Ngày 3/4/2015, 4 người dân thống nhất soạn thông báo: “Nếu trong một thời gian không có cơ quan, tổ chức nào về giải quyết đất đai thì họ sẽ chặt phá cây cao su của Công ty trồng từ năm 2009”. Sau đó 4 ngày, 64 cây cao su trên khoảnh 9, tiểu khu 133 bị chặt (4 người trên bị phạt 40 tháng tù vì vụ việc này).
Ngày 10/12/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Văn bản số 3863/UBND-NL1 gửi các cơ quan liên quan “Giao Công ty Cao su Hà Tĩnh tổ chức thực hiện việc thanh lí hợp đồng đã kí với các hộ dân nhận khoán với Công ty theo đúng quy định hiện hành; trong đó xác định rõ diện tích, ranh giới sử dụng đất và thực trạng sử dụng đất của các hộ theo hợp đồng đã kí kết...”.
Trước đó, ngày 22/10/2009, Sở TN&MT có Văn bản số 1453/TNMT-TTr gửi Công ty Cao su Hà Tĩnh nêu rõ, đơn của ông Kiệm và 9 hộ dân ở xã Đồng Lộc phản ánh, việc Đội 4, Công ty Cao su Hà Tĩnh tổ chức công nhân ra trồng cây trên đất đang tranh chấp, gây ra xô xát với dân địa phương ở địa bàn xã Thượng Lộc và đề nghị được xem xét lại ranh giới sử dụng đất của các hộ... Đề nghị Công ty Cao su chỉ đạo Đội 4 dừng việc sản xuất trên khu vực đang tranh chấp...”
Ngày 31/12/2009, đại diện các cơ quan liên quan và đại diện các hộ dân TKT đã tiến hành họp thống nhất “giao nguyên trạng rừng về cho các xã để giao cho dân và ghi giảm vốn cho Công ty Cao su”.
Ngày 27/4/2010, Sở TN&MT có Văn bản số 651/TNMT-TTr đề nghị Công ty Cao su giải quyết đơn và thanh lí hợp đồng đã kí kết nhưng Công ty không “nghe”, buộc UBND tỉnh phải có Văn bản số 1682/UBND-NL1 ngày 27/5/2010, giao Sở TN&MT kiểm tra xử lí đơn khiếu nại của công dân phản ánh Công ty Cao su không chấp hành Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh và giải quyết việc thanh lí hợp đồng trồng rừng, làm thiệt thòi quyền lợi của cá nhân có liên quan nhưng Công ty Cao su vẫn không “thấu” mà còn tiếp tục tổ chức khai thác rừng thông trên đất đã được giao khoán cho TKT, lấn chiếm đất, trồng cây cao su gây ra nhiều cuộc “xung đột”. Ông Phan Huân, Đội trưởng Đội 4 còn đánh ông Lục phải điều trị tại bệnh viện 15 ngày, mà không có trách nhiệm đối với người bị đánh. Chưa hết, ngày 1/8/2010, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Bá Hùng kí Thông báo số 581/TB-CSHT thông báo cho các hộ trồng keo, tràm trên vườn cây cao su trồng năm 2007, tại TK 133 và vườn trồng năm 2009 lô (17a-18a-19a) TK 133, TK134 phải tự thanh lí, nhổ toàn bộ keo, tràm trồng trái phép trong vòng 4 ngày (từ ngày 1 - 4/8/2010). Nếu không sẽ bị cưỡng chế theo quy định. Trong khi, ông Kiệm, ông Lục, ông Vinh khiếu nại yêu cầu Công ty Cao su đền bù tài sản trên đất mà Công ty chiếm để trồng cao su trên các lô 17,18,19 tiểu khu 133; chặt bán khoảng 16ha thông; chặt phá hàng chục ha keo, 5,7ha cây dó trầm, thu lợi gần 2 tỉ đồng.
Ngày 11/6/2012, Công ty Cao su Hà Tĩnh đơn phương ra Thông báo chấm dứt hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp số 371/TB-CSHT nêu rõ: “Tổng diện tích giao khoán theo hợp đồng năm 1995 là 91ha. Địa điểm: Tại khoảnh 3, tiểu khu 134, xã Đồng Lộc và khoảnh 9, tiểu khu 133, xã Thượng Lộc theo ranh giới rà soát quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3209/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 (được xác định trên tờ bản đồ do đoàn rà soát xác định thu hồi bàn giao về cho địa phương năm 2007)”, có vị trí khu đất như trong biên bản giao đất hiện trường ngày 22/2/1995, mà chưa thanh lí hợp đồng theo quy định.
Án có dấu hiệu oan sai?
Mặc dù, Công ty Cao su Hà Tĩnh thừa nhận khoảnh 3, tiểu khu 134, xã Đồng Lộc và khoảnh 9, tiểu khu 133, xã Thượng Lộc là đất được Lâm trường Truông Bát giao cho TKT Truông Giữa năm 1995; Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Mai Xuân Minh cũng khẳng định: “Lô 6, 8, 9 khoảnh 9, tiểu khu 133 là diện tích rừng do ông Kiệm nhận khoán”. Văn bản số 688/CSHT của Công ty Cao su Hà Tĩnh trả lời đơn khiếu nại cũng khẳng định như vậy.
Để xác minh thông tin, PV Báo Người cao tuổi và các ông: Kiệm, ông Lục, bà Lai và ông Nguyễn Đăng Thận cùng trú tại xã Đồng Lộc (người được mệnh danh thông thạo địa danh đất rừng nhất vùng này) cùng một thành viên của Tổ công tác thực hiện Quyết định 2354 của UBND tỉnh (xin được dấu tên) “vượt rừng, băng suối” đến địa điểm ranh giới phía Nam khu đất TKT. Các ông: Nguyễn Thuận, chủ đất rừng liền kề; Nguyễn Thống (em ruột ông Nghiêm) và ông Thái (người mua đất của ông Nghiêm) cùng xác định ranh giới đất rừng TKT trên thực địa. Những người có đất liền kề đều thừa nhận ranh giới đất rừng của họ và đất rừng TKT Truông Giữa được phân chia bằng hàng rào dây thép gai, cột điện và “bờ cây”. Bên kia là đất rừng, nhà ở, công trình phục vụ đời sống dân sinh của ông Nghiêm, ông Thuận.
Trở lại vị trí trung tâm 64 cây cao su bị chặt phá ghi trong Bản kết luận điều tra số 40/KLĐT, bà Lai đến bên cây cao su còn vết “sẹo” do chính tay bà chặt nói: “Cây cao su này không chỉ nằm trên khoảnh 9, tiểu khu 133 được giao cho TKT, mà còn nằm trên vườn chè ông Phan Văn Đức trồng trên đất ông Kiệm giao để trồng cây, làm vườn theo Dự án 327 của Nhà nước. Tại vùng đất này, nhiều cây keo do TKT trồng còn sót lại sau vụ chặt phá của Công ty Cao su vẫn còn”.
Vậy nhưng không hiểu vì sao, Bản kết luận điều tra số 40/KLĐT ngày 11/10/2015 của Công an huyện Can Lộc lại không thể hiện nội dung “điều tra”, mà chỉ căn cứ vào kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng liên quan, huyện Can Lộc, xã Thượng Lộc và Công ty Cao su Hà Tĩnh tại buổi “làm việc và kiểm tra thực địa tại hiện trường có cây cao su bị chặt phá ngày 7/4/2015” vào ngày 27/7/2015, làm “yếu tố cấu thành tội: Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản kèm theo ý kiến đề nghị “cần có bản án thật nghiêm khắc”, khiến ông Kiệm, ông Lục, ông Vinh và bà Lai bị phạt 40 tháng tù cho hưởng án treo. (Còn nữa)