Về cái chết của ông Nguyễn Văn Chiều (TP Hà Nội): Luật sư kiến nghị chuyển đổi tội danh đối với các bị cao?
Pháp luật - Bạn đọc 03/10/2020 09:11
Liên quan vụ việc này, ngày 18/9/2020, qua quá trình xét xử sơ thẩm, HĐXX, TAND huyện Ứng Hòa đã quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung, xác minh rõ đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi ném gạch vào đầu, gây ra cái chết cho bị hại Nguyễn Văn Chiều là ai.
Để đảm bảo quá trình giải quyết vụ việc một cách khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, với tư cách là Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Văn Chiều, Luật sư Mai Tiến Dũng, Công ty Luật Đức Thành, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có một số kiến nghị giải quyết vụ việc như sau: Một là, Đề nghị chuyển đổi tội danh đối với bị cáo Trần Thị Lan và Nguyễn Văn Tùng từ “Cố ý gây thương tích” sang tội “Giết người”.
Theo Luật sư Dũng, qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án và kết quả hỏi tại phiên tòa sơ thẩm, có căn cứ khẳng định: Hành vi của các bị cáo Nguyễn Văn Tùng và Trần Thị Lan thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành tội “Giết người” theo quy định tại Điều 93, Bộ luật Hình sự năm1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, nay là Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Luật sư Mai Tiến Dũng, Công ty Luật Đức Thành, Đoàn Luật sư TP Hà Nội |
Cụ thể: Về mặt khách quan: Có hành vi, có hậu quả, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả xảy ra. Căn cứ theo hồ sơ vụ án, tại các Bút lục số 59, 65, 69 71, 74, 337, 338 và tại phần xét hỏi phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Văn Tùng đều thừa nhận, trong quá trình cãi nhau với người nhà ông Phú, bị cáo Tùng đã có hành vi chạy lên trần nhà cùng mẹ ném gạch loại 1/3 đến 1/4 viên xuống dưới. Trong đó, Tùng trực tiếp dùng 3 đến 4 viên gạch ném liên tiếp từ trên trần xuống dưới nhà ông Phú, với mục đích gây thương tích cho nhóm người nhà của ông Phú.
Tại các Bút lục số 93, 94, Bút lục số 67, 99, 101, 103 104 106, 111,115, 340 và tại phần hỏi của phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trần Thị Lan thừa nhận, có lên trên trần cãi, chửi nhau với người nhà ông Phú, sau đó cùng Tùng đứng trên trần ném gạch xuống phía dưới, nơi có nhóm người nhà ông Phú. Gạch có sẵn trên trần bếp của nhà bị cáo Lan (Bút lục số 106, 361).
Như vậy, trong cả quá trình xảy ra vụ việc, cả hai bị cáo Tùng và Lan đều thừa nhận có thực hiện hành vi dùng gạch (loại gạch đặc, khoảng 1/3 đến ¼ viên) ném từ trên trần nhà xuống dưới đất và nhằm vào các đối tượng người nhà ông Nguyễn Văn Phú đứng dưới. Hậu quả của việc ném gạch là, ném trúng đầu ông Nguyễn Văn Chiều, khiến ông Chiều tử vong.
Căn cứ bản Kết luận giám định pháp y số 7553 ngày 28/12/2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự , Công an TP Hà Nội, nguyên nhân tử vong của ông Nguyễn Văn Chiều là do “xuất huyết, tụ máu nội soi, có dập não gây chèn ép tổ chức não, tụt hạnh nhân tiểu não. Thương tích trên cùng đầu bên trái do bị vật tày cứng có cạnh tác động mạnh gây nên”. Tại Công văn số 279 ngày 24/7/2018, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội cũng khẳng định, “chiều hướng lực tác động gây nên vết thương vùng thái dương trái của nạn nhận Nguyễn Văn Chiều từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, từ trái qua phải”. Điều này khẳng định, ông Nguyễn Văn Chiều tử vong do bị gạch ném trúng đầu từ bị cáo Trần Thị Lan và Tùng, ném từ trên xuống.
Về mặt chủ quan: Bị cáo Lan và Tùng có lỗi, có động cơ và có mục đích thực hiện hành vi. Khi thực hiện hành vi ném gạch từ trên trần xuống, bị cáo Lan và Tùng có chủ đích gây thương tích cho các đối tượng đứng phía dưới đất.
Ngoài ra, theo nội dung lời khai của các bên trong hồ sơ vụ án, vì có mẫu thuẫn với gia đình ông Nguyễn Văn Phú về ngõ đi, hai bên đã xảy ra cãi vã, dẫn tới việc xô xát. Ông Nguyễn Văn Chiều là họ hàng nhà ông Nguyễn Văn Phú, mặc dù không liên quan và không có tranh cãi cùng các bị cáo, nhưng cùng lúc đi từ nhà ông Nguyễn Văn Phú ra, nên bị ném gạch vào đầu dẫn đến thiệt hại về tính mạng.
Căn cứ lời khai của Nguyễn Văn Tùng tại Bút lục số 59, 70; lời khai của Trần Thị Lan tại Bút lục số 103, 120, 361 và tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo khẳng định, do có tranh cãi, mục đích ném gạch của 2 bị cáo là gây thương tích cho các đối tượng phía dưới cho đỡ tức.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 93, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, nay là Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015, “Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng người khác một cách trái pháp luật”. Việc cố ý tước đoạt tính mạng thể hiện thông qua lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.
Lỗi cố ý trực tiếp, giết người là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm, có thể tước đoạt tính mạng người khác, nhưng vẫn mong muốn nạn nhân chết.
Lỗi cố ý gián tiếp, giết người là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể làm nạn nhân chết, tuy không mong muốn, nhưng vẫn có ý thức để mặc hoặc chấp nhận hậu quả nạn nhân chết.
Đối với trường hợp của bị cáo Lan và Tùng, khi thực hiện hành vi ném gạch đặc từ trên trần cao hơn chục mét xuống, các đối tượng hoàn toàn thấy được hậu quả chết người có thể xảy ra, nếu bị ném trúng, nhưng các đối tượng trên vẫn bất chấp, không màng hậu quả, cố tình ném gạch xuống. Hành vi này đã thể hiện rõ nét sự coi thường mạng sống, coi thường pháp luật của đối tượng Nguyễn Văn Tùng và Trần Thị Lan. Việc bị hại Nguyễn Văn Chiều thiệt mạng có thể không phải là hậu quả trực tiếp các đối tượng mong muốn, nhưng đó là hậu quả các đối tượng đã nhìn thấy được, nhưng đã có ý thức để mặc cho xảy ra. Căn cứ theo quy định tại Điều 9, Bô luật Hình sự năm 1999 (nay là Điều 10, Bộ luật Hình sự năm 2015), đây là lỗi cố ý gián tiếp và các đối tượng nêu trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình. Người trực tiếp thực hiện việc ném gạch vào đầu ông Nguyễn Văn Chiều được xác định là người thực hành thực hiện hành vi giết người. Người còn lại cùng tham gia hỗ trợ ném được xác định là đồng phạm, đơn giản thực hiện hành vi giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.
Việc cơ quan Cơ quan CSĐT, Công an huyện Ứng Hòa và Viện KSND huyện Ứng Hòa điều tra, truy tố hai bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm tại TAND huyện Ứng Hòa |
Vì vậy, căn cứ quy định pháp luật, đối chiếu hồ sơ vụ án, với tư cách là Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của ông Nguyễn Văn Chiều, Luật sư Mai Tiến Dũng kiến nghị Viện KSND huyện Ứng Hòa cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, chuyển đổi tội danh từ “Cố ý gây thương tích’ sang tội “Giết người” theo quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc đúng người, đúng tội.
Đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn với hai bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”.
Theo quy định tại Điều 109, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp tạm giam.
Điều 119, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định, tạm giam có thể áp dụng với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng trong một số trường hợp luật định.
Căn cứ theo hồ sơ vụ án, bị cáo Trần Thị Lan và Nguyễn Văn Tùng bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 3, Điều 104, Bộ luật Hình sự 1999, nay là khoản 4, Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, mức cáo nhất của khung hình phạt lên tới 14 năm tù. Đây là loại tội phạm rất nghiêm trọng, thuộc trường hợp bị tạm giam để giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, đối với bị cáo Trần Thị Lan và Nguyễn Văn Tùng, sau khi xảy ra vụ việc, hai bị cáo đã bị tạm giữ và tạm giam để phục vụ quá trình điều tra. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian rất ngắn (02 tháng), hai bị cáo đã được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú và được tại ngoại ở nhà. Trong khi đó, trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, hai bị cáo Trần Thị Lan và Nguyễn Văn Tùng liên tục thay đổi lời khai; lời khai của hai bị cáo mâu thuẫn nhau và có nhiều dấu hiệu bị cáo Lan cố tình bao che, nhận tội thay cho bị cáo Tùng. Điều này không chỉ thể hiện qua lời khai tại các bút lục trong hồ sơ, mà còn thể hiện rất rõ nét tại phiên tòa sơ thẩm. Bị cáo Lan nhận tất cả các hành vi ném gạch về mình, phủ nhận hành vi ném gạch của bị cáo Nguyễn Văn Tùng. Trong khi đó, cũng tại hồ sơ vụ án và tại phiên xét hỏi (cách ly giữa các bị cáo khi hỏi), bị cáo Tùng cũng đồng thời thừa nhận toàn bộ các hành vi có tham gia ném gạch trên trần và còn đối thoại với bị cáo Lan lúc tham gia ném gạch. Việc hai bị cáo đồng thời thừa nhận hành vi và có xu hướng nhận tội thay nhau, trong khi hồ sơ vụ án chưa đủ để kết luận người trực tiếp ném viên gạch vào đầu khiến ông Chiều tử vong là ai, đã gây nhiều bất lợi cho quá trình xác minh những vấn đề then chốt của vụ án.
Như vậy, căn cứ hồ sơ vụ án và quá trình xét xử sơ thẩm, có căn cứ chứng minh việc hai bị cáo Lan và Tùng tại ngoại sẽ gây nhiều khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Trong quá trình giải quyết vụ án, chúng tôi đã nhiều lần có đơn kiến nghị, đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn, áp dụng biện pháp tạm giam với hai bị cáo Lan, Tùng để đảm bảo tính khách quan của vụ án nhưng không được chấp thuận.
Do đó, với tư cách là Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, để đảm bảo quá trình giải quyết vụ án một cách đúng đắn, toàn diện, một lần nữa, Luật sư Mai Tiến Dũng đề nghị Viện KSND TP. Hà Nội, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội xem xét, chỉ đạo Viện KSND huyện Ứng Hòa áp dụng biện pháp ngăn chặn “tạm giam” đối với hai bị can là Trần Thị Lan và Nguyễn Văn Tùng theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Kiến nghị giải quyết vụ án theo đúng thời hạn quy định của pháp luật.
Căn cứ theo hồ sơ vụ án, sự việc ném gạch gây ra cái chết cho ông Nguyễn Văn Chiều xảy ra ngày 23/11/2017. Trải qua quá trình điều tra, truy tố và xét xử kéo dài, vụ án đã bị Viện KSND huyện Ứng Hòa và TAND huyện Ứng Hòa nhiều lần yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nhưng cho đến hiện nay, đã hơn 03 năm trôi qua, vẫn không thể giải quyết dứt điểm và vẫn tiếp tục bị kéo dài. Điều này do chuyên môn của cơ quan tiến hành tố tụng yếu kém? Hay các cơ quan chức năng chưa thực hiện hết chức năng nhiệm vụ của mình? Việc kéo dài vụ việc trong khi hai bị cáo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, có thái độ không thành khẩn, không nhận lỗi, gây nhiều bức xúc cho gia đình bị hại và dư luận.
Do đó, Luật sư Dũng kiến nghị Viện KSND cấp cao tại Hà Nội, Viện KSND TP. Hà Nội xem xét chỉ đạo Viện KSND huyện Ứng Hòa giải quết vụ việc một cách nhanh chóng, triệt để, thực hiện đúng trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.
game bài đổi thưởng tiền that sẽ theo dõi diễn biến vụ việc và tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Về cái chết của ông Nguyễn Văn Chiều, thôn Nội Xá, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội: Đối tượng đầu thú từ đầu... nhưng vẫn chưa xác minh được(!?) Báo Người cao tuổi số 79 (2231) ngày 17/5/2018 đăng bài: “Về cái chết của ông Nguyễn Văn Chiều, ở thôn Nội Xá, xã Vạn ... |