Vai trò “trụ cột” của NCT trong gia đình
Nghiên cứu - Trao đổi 08/05/2023 09:54
Đây là hoạt động thường xuyên khi một người bắt đầu lập gia đình. Khi làm cha mẹ, ông bà của những đứa con, đứa cháu đã bắt đầu dạy con: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” - biết cách ứng xử để hoà nhập với xã hội. Mỗi gia đình, mỗi làng có những tập quán, nét văn hoá riêng - cách chào hỏi, cách mời khách, cách xưng hô - tạo thành thói quen, thành nét đẹp của quê hương. Chính những điều đó hình thành nên cách sống của gia đình, hình thành nên “gia phong”.
Hoạt động giáo dục của NCT bao gồm ba vấn đề cơ bản: Giáo dục đạo đức - nhân văn; giáo dục tri thức và giáo dục hướng nghiêp - dạy nghề. Chỉ riêng việc giáo dục nghề, các nghệ nhân ở các làng nghề đã truyền lại cho con cháu và lớp con cháu ngày nay đã kế thừa kinh nghiệm của cha ông, kết hợp với việc sử dụng công nghệ tiên tiến làm cho sản phẩm ngày càng chất lượng hơn, song vẫn mang theo dấu ấn, đường nét của ông cha.
Hoạt động văn hoá của gia đình, thông qua loại hình hoạt động văn hoá phi vật thể như các làn điệu dân ca, lời ru, điệu múa, tiếng kèn, nhịp trống, nhịp cồng chiêng cũng được NCT vừa sáng tạo, vừa truyền tải từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chính những nét đặc thù ấy đã mang theo hồn dân tộc. Từ tiếng kèn, tiếng trống ta nhận biết ngay sắc thái, hình ảnh của quê hương, gia đình, làng xã, dân tộc. Những giá trị này được trao truyền qua các thế hệ tạo nên tình cảm thương yêu, quý trọng những nét đẹp của đời sống tinh thần con người. Văn hoá gia đình còn chứa đựng cách ứng xử trong gia đình và NCTchính là cột trụ hướng dẫn, uốn nắn cho các thành viên trong gia đình hành động theo nền nếp đã được hình thành
Hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh cũng mang theo sắc thái văn hoá riêng. Hàng hoá sản xuất từ các gia đình khác nhau cũng mang theo các hình dáng khác nhau theo sự sáng tạo riêng của từng gia đình. Cách buôn bán, kinh doanh của nhà hàng này khác nhà hàng kia về giá cả, cách tiếp thị... Hoạt động chăm sóc sức khoẻ cũng thể hiện nhiều nét văn hoá đặc thù của gia đình, chữa bệnh và phòng bệnh đều có những bài thuốc và phương pháp, cách kiêng kị đặc thù. Tất cả những điều đó đều được NCT truyền dạy, trở thành những giá trị gia truyền quý giá cho nhân loại. Như vậy, NCT có vai trò rất lớn trong việc hình thành những giá trị văn hoá gia đình, người chọn lọc và phát triển và cuối cùng là người truyền lại những giá trị văn hoá tốt đẹp ấy cho các thế hệ.
Trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, NCT có vai trò rất quan trọng gìn giữ nền nếp, gia phong, vấn đề cốt lõi của một gia đình. Cả cuộc đời hấp thụ những tinh hoa của gia đình, truyền thống, NCT đi đầu trong việc bảo vệ chuẩn mực đạo đức, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Với vị thế “cây cao bóng cả”, họ là trụ cột tinh thần, là người “cầm chịch” cho gia đình phát triển.
Không chỉ vậy, đối với làng xóm, khu dân cư, NCT am hiểu lịch sử, văn hóa, thuần phong mĩ tục, quá trình phát triển của địa phương nên việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, tổ chức lễ hội truyền thống rất cần những ý kiến đóng góp của họ. NCT cũng thể hiện rất rõ vai trò “Tuổi cao - Gương sáng” trong các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn.
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23, cả nước hiện có hơn 12,5 triệu NCT, hơn 6,5 triệu NCT đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất, trong đó có 400.000 NCT đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi; NCT đóng góp hơn 11 triệu ngày công, gần 3.500 tỉ đồng, hiến 25 triệu mét vuông đất để xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa, trường học, cơ sở y tế... góp phần xây dựng nông thôn mới. 64% hội viên khuyến học là NCT; 660.000 NCT tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, hòa giải cơ sở; hơn 300.000 NCT tham gia các tổ an ninh Nhân dân, phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự cơ sở; cung cấp cho lực lượng công an 200.000 nguồn tin có giá trị, giúp đỡ 90.000 người tái hòa nhập cộng đồng. Phối hợp giải quyết có hiệu quả hàng chục nghìn vụ mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ Nhân dân. (Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, nhandan.vn, ngày 28/2/2023) |