Vài suy nghĩ về đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một danh tướng lỗi lạc, một nhà lãnh đạo kiệt xuất
Nghiên cứu - Trao đổi 06/07/2022 09:40
55 năm qua, kể từ ngày 6/7/1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ trần đã có nhiều tác phẩm, bài viết về Đại tướng. Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều tác giả đã lí giải về nhiều điều lớn lao xung quanh ông, rằng vì sao một người nông dân mà lại có thể trở thành Đại tướng? Vì sao Nguyễn Chí Thanh có thể làm được những việc to lớn và khác nhau như thế. Từ Bí thư Tỉnh ủy, chỉ huy du kích quần nhau với giặc Pháp, Chủ tịch Thanh niên, làm Tuyên huấn, sang Chủ nhiệm Tồng cục Chính trị, phụ trách nông nghiệp… và rồi cuối đời, ông lại khoác ba lô lên đường vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ?... Vì sao, nhờ vào đâu, mà làm cách nào ông có thể hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn to lớn và đa dạng đến như vậy? Vì sao một cuộc đời, một con người tuy ngắn ngủi lại có thể làm được nhiều việc có ích và tốt đẹp như thế cho Đảng, cho Quân đội, cho Dân tộc.
Nhưng, những câu hỏi không chỉ dừng lại ở đó! Mà chúng ta còn mong muốn được biết về nhiều điều khác nữa: Hiểu sâu rộng xem người nông dân, người lính, vị Đại tướng nghĩ gì về lợi ích quốc gia, dân tộc, nghĩ gì về chiến tranh và hòa bình. Để rồi ông và những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đã trả lời cho mục đích của “ĐÁNH” là gì? Đánh để giành độc lập, đánh để có hòa bình! Trả lời cho câu hỏi “đánh ai”? “Ai đánh”? Làm gì để đánh, để đánh thắng và đánh như thế nào? Làm gì để khẳng định con đường cách mạng miền Nam NHẤT ĐỊNH THẮNG của dân tộc là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam. Ảnh TL |
Chúng ta và thế giới từng nói nhiều về cuộc chiến tranh với kẻ thù đế quốc Mỹ, nhưng chưa nói nhiều tư liệu về những khó khăn từ “bên trong” và từ cả “bên cạnh”-khi có một kẻ thù lớn mạnh hơn ta nhiều đang đứng trước mặt. Liệu những người đương thời đã hiểu hết những gì những nhà cách mạng lỗi lạc của Đảng đã làm, đã dám làm, khi vượt lên sự “chèn ép”, “lôi kéo”, và “chi phối” của các nước lớn trong ván bài lợi ích dân tộc và “cạnh tranh - thỏa hiệp” chiến lược nửa thế kỉ XX? Nếu không có một lãnh tụ tối cao của toàn dân tộc, một “minh chủ” của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ là Bác Hồ vĩ đại, một niềm tin tuyệt đối vào sự “lãnh đạo” và sự “trong sáng” của Đảng, sự tất thắng của cách mạng, liệu họ có thể làm được những điều đó không?
Thế hệ trẻ luôn ham đổi mới và thích cái mới, họ nên biết và cần biết về một trong những người Việt Nam “tiêu biểu nhất” cho tư duy mới và SỰ ĐỘT PHÁ, người dám làm những việc KHÓ mà ít ai dám làm. Đột phá trong những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, đột phá trong tổ chức thực tiễn thực hiện, nhưng trước hết phải là đột phá từ chính tư duy. Vì sao Nguyễn Chí Thanh xuất hiện ở đâu thì ở đó có phong trào cái mới, là ở đó tình hình có những chuyển biến hiệu quả tích cực? Từ đấu tranh chính trị, gây dựng và củng cố phong trào cách mạng ở Thừa Thiên đẩy lên đấu tranh vũ trang, kết hợp chiến tranh du kích và từng bước gây dựng lực lượng chủ lực, chuẩn bị cho những trận đánh lớn hơn. Bằng việc theo sát, bám sát bộ đội, những người nông dân mặc áo lính, từng bước thẩm thấu, giáo dục lòng yêu nước và lí tưởng cách mạng cho họ, làm cho họ đã trở thành chiến sĩ cách mạng được trang bị. Thật đặc sắc và ngỡ ngàng với hình ảnh vị Đại tướng bám sát nông dân và mặt trận nông nghiệp, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, làm chuyển biến tình hình nông thôn nông nghiệp. Và cũng thật “khâm phục” khi thấy ông bám sát chiến trường miền Nam, sâu sát bộ đội, du kích và đồng bào, dấy lên phong trào “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh; tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, nhân rộng mô hình “Vành đai diệt Mỹ”… Thực tiễn ấy đã chứng tỏ ở sự kết hợp của một nhà cách mạng, một nhà tổ chức, một vị lãnh đạo, một nhà lí luận, một người thủ lính, nhưng đặc biệt hơn cả là một “BỘ ÓC SÁNG TẠO”. Ông luôn tiềm tàng một tư duy trí tuệ cách mạng: Khoa học; trung thành; kiên định mà vô cùng sáng tạo, linh hoạt, quyết đoán. Và chính ông luôn cổ vũ lan tỏa sự sáng tạo ấy ở tất cả mọi nơi, với tất cả mọi người.
Có nhiều bài viết, những câu chuyện về vị Đại tướng nhân hậu và đầy tính nhân văn, nhưng tại sao mà một vị tướng nông dân lại đứng ra bảo vệ quyết liệt đến thế cho một khúc ca quan họ trên chiến trường Điện Biên Phủ; một Ủy viên Bộ Chính trị chăm lo, quan tâm đến thế cho hạnh phúc của một đôi thanh niên trên cánh đồng lúa chín; một Chính ủy Quân giải phóng miền Nam lại có thú vui tăng gia, chụp ảnh, câu cá… Người ta hay nói đến một Nguyễn Chí Thanh cương quyết, sắt đá, chứ chưa hiểu hết một Nguyễn Chí Thanh sâu lắng, nhân hậu, sống thật đời thường và vô cùng tình cảm nhân văn.
Và chúng ta hãy thử lí giải, từ những tư duy như thế nào mà ông lại viết nên được những bài báo “rực lửa” từ miền Nam của “Hạ sĩ Trường Sơn”, của “Người quan sát”? Những thế hệ sau này không có được vinh dự và may mắn vào chiến trường miền Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng đọc những bài báo ấy là có biết bao hình dung-đó là những bài báo của một hạ sĩ thôi, nhưng lại được viết trên đỉnh “Trường Sơn”, ngay cái tên thôi cũng đã thôi thúc những ước mơ được sống, được chiến đấu cùng biết bao người khác trong cuộc chiến rực lửa anh hùng ấy. Những bài báo ấy với thế hệ ngày đó, hay như một bài hịch, đẹp như những trang văn “hấp dẫn” và hào hùng như lời “kêu gọi” ra mặt trận. Những bài báo đó, cách khơi gợi hào sảng của một “nhà hùng biện”, một người truyền lửa hừng cháy nhưng lại thật giản dị, gần gũi…
Tư tưởng ấy, trí tuệ ấy, đạo đức và nhân cách ấy từ nửa thế kỉ trước đã làm “xúc động” triệu triệu người, là tấm gương sáng đẹp đẽ, lớn lao, cao thượng. Đó cũng là những “tài sản vô giá”, là “giá trị cốt lõi” mà các thế hệ sau này cần gìn giữ, phát huy và trước tiên là trở về với những giá trị của cuộc sống.
Nỗi suy tư, trăn trở luôn đau đáu trong ông khi nghĩ về nguồn cội từ DÂN. Thời nào cũng vậy, ở bất cứ nơi đâu thì người dân cũng có nhiều tâm tư nguyện vọng. Nhưng quan trọng nhất là họ có “niềm tin” vào lãnh đạo để trải lòng hay không?
Niềm tin ấy không tự dưng mà có, và sẽ không bao giờ có khi người lãnh đạo chỉ ngồi ở “văn phòng” đọc báo cáo và ra chỉ thị, nghị quyết. Bởi “trăm nghe không bằng một thấy”, người lãnh đạo phải trực tiếp đến và lắng nghe, đặt mình vào hoàn cảnh của một người dân để cảm nhận và suy nghĩ tại sao, phải làm như thế nào mới tốt… Từ những việc nhỏ nhất, cho đến những quyết sách lớn nếu xuất phát từ thực tế đời sống, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân mà ra thì mới thực sự bền vững và giữ được lòng dân. Niềm tin của người dân còn phải được xây dựng thông qua mối quan hệ thật sự vì dân, giữa các cơ quan công quyền, của mỗi cán bộ Đảng, cán bộ Nhà nước, Quân đội đối với Nhân dân.
Nói đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, niềm tin của Nhân dân nơi ông bắt đầu từ những lời nói, việc làm cụ thể nhỏ nhất. Tình cảm của người dân, lòng tin nơi Nhân dân, đó là thứ “lớn nhất” mà ông có được, và cũng là bài học lớn để lại cho đời. Đó là “gốc rễ” của một người nông dân, cũng là gốc rễ của người cách mạng. Phong cách sống đó, lòng người đó sao thật dễ hiểu, dễ gần như những người ái quốc chân chính của một “THẾ HỆ VÀNG”- Thời đại Hồ Chí Minh.
Thiết nghĩ, từ những lí giải về nhiều điều lớn lao trong cuộc đời của Nguyễn Chí Thanh, các tác giả muốn truyền tải một thông điệp rất mạnh mẽ về Nhân cách và Niềm tin của con người. Nguyễn Chí Thanh có niềm tin “tuyệt đối” và không khoan nhượng vào con đường cách mạng mà mình đã lựa chọn. Ông luôn tin tưởng vào chiến thắng, dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Ông đặt niềm tin to lớn vào Nhân dân, vào người lính và người nông dân. Đồng thời, cũng chính nhân cách, trí tuệ và khả năng thu hút quần chúng của ông đã làm cho người nông dân và người lính tin tưởng ông. Nhân cách và niềm tin -những điều không thể thiếu được cho cuộc sống hôm nay. Đó cũng là những giá trị của cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Chí Thanh luôn được hậu thế trân trọng và học tập làm theo.