Vài suy ngẫm về cải cách tiền lương năm 2024
Nghiên cứu - Trao đổi 29/03/2024 09:46
Lương cán bộ, công chức, viên chức và lực lựng vũ trang sẽ được thiết kế gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng số quỹ lương) và các khoản phụ cấp khác (chiếm khoảng 30% tổng số quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Với tinh thần trên, cải cách tiền lương lần này không đơn giản chỉ là nâng lương, mà sâu xa hơn còn là cơ hội để cải tiện hình ảnh nền công vụ trong mắt người dân.
Một quốc gia muốn phát triển phải có một nền công vụ hiện đại tinh gọn, hiệu lực hiệu quả và liêm chính. Lấy việc phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và các doanh nghiệp làm mục tiêu tối cao. Đồng nghĩa với việc bộ máy công quyền phải được vận hành bởi những người toàn tâm, toàn ý vì việc công, dám nghĩ, dám làm, chuyên cần, tận tụy, chứ không “chân trong chân ngoài”, “sáng vác ô đi tối vác về”, làm việc cầm chừng.
Công cuộc cải cách tiền lương lần này chính là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình cải cách nền công vụ quốc gia; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phải làm sao để họ thấy hãnh diện vì được làm việc trong hệ thống chính trị các cấp.
Lâu nay, các cấp có thẩm quyền đã nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam phải “xây dựng cơ chế phù hợp để cán bộ, công chức không thể, không dám và không cần tham nhũng” thì luật pháp phải đủ chặt chẽ và không thể không nói tới sự cần thiết của chính sách đãi ngộ xứng đáng. Ở nhiều quốc gia, việc trả lương cao cho đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ chứng tỏ nền kinh tế vững mạnh, mà còn thể hiện sự văn minh, tiến bộ trong nhận thức, trong tư duy về “giá của sức lao động”.
Cải cách tiền lương lần này sẽ là một cú hích tạo động lực cho người lao động và động lực để cải cách nền công vụ, thông qua việc xác định vị trí việc làm theo đúng quy định và sát với thực tiễn từng đơn vị, từ đó xây dựng bảng lương “đúng người đúng việc”; mỗi vị trí việc làm có mức lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc không còn sự “cào bằng” và không phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như lâu nay.
Kì vọng từ ngày 1/7/2024, không chỉ là cột mốc để môi trường làm việc của khu vực công thực sự là “đất lành chim đậu”, thu hút ngày càng nhiều hơn những hiền tài vào làm việc, cống hiến.