Triển lãm mĩ thuật của nhóm Đan tay: “Khúc giao mùa” được mượn làm chủ đề
Văn hóa - Thể thao 07/11/2024 09:05
Triển lãm với hơn 40 tác phẩm hội họa và điêu khắc của 9 tác giả nhóm Đan tay, lấy chủ đề là “Khúc giao mùa”, với sắc độ chủ đạo là nóng và lạnh. Họa sĩ Hà Huy Hiệp, thành viên của nhóm Đan tay cho biết: “Năm 2023 nhóm Đan tay tổ chức triển lãm lần thứ nhất với chủ đề “Câu chuyện Hà Nội”. Sau thành công của “Câu chuyện Hà Nội”, lần này nhóm tiếp tục kể câu chuyện cuộc sống với chủ đề “Khúc giao mùa”. Đây được xem như bước trưởng thành với từng tác giả. Mỗi tác giả đã cố gắng tìm tòi những cái mới trong tác phẩm của mình, để góp phần làm nên triển lãm đậm đà hương sắc, đượm vị Thu ngọt ngào, cũng manh nha chớm Đông với sắc lạnh man mác”.
Nhóm tác giả tham gia triển lãm “Khúc giao mùa”. |
Nhóm tác giả tham gia triển lãm lần này gồm các họa sĩ: Nguyễn Minh Chính, Ngô Bá Công, Đỗ Dũng, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Lương Huyên, Hà Huy Hiệp, Nguyễn Minh Hải, Dương Ngọc Thăng, Nguyễn Thị Vân. Các tác phẩm tham gia triển lãm được thể hiện bằng những chất liệu: Sơn dầu, sơn mài và điêu khắc. Riêng họa sĩ Hà Huy Hiệp tham gia triển lãm với 9 tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu gốm, mang phong cách lập thể, tượng trưng và trừu tượng.
Theo đánh giá chung, tác giả Nguyễn Minh Chính khá linh hoạt trong chất liệu sơn dầu, tác phẩm của anh mở ra không gian vô cùng rộng mở. Từ con suối trong đến cánh đồng rộng; từ thiên đường mây trước mặt, tới vũ trụ thu cả vào lòng. Tác giả thể hiện cái cụ thể bằng gam màu tươi sáng, cùng nhập sinh cùng vũ trụ, trở thành giải thiên hà mới, mà ở đó tất cả các hành tinh đều có sự sống, ngũ sắc tương sinh. Tác giả Ngô Bá Công khá vững vàng về kĩ thuật sơn mài, cũng như ngôn ngữ tạo hình thể hiện trong các tác phẩm. Chỉ cần thưởng ngoạn, chiêm nghiệm tác phẩm “Hạ Long”, đủ thấy tố chất kinh điển trong sáng tạo của tác giả này. Đỗ Dũng có ngôn ngữ tạo hình mang đậm chất sư phạm sự khuyến thiện, diệt ác được tác giả thể hiện trong các tác phẩm như gần gũi với đời. Tại triển lãm lần này, các tác phẩm của tác giả Nguyễn Tiến Dũng thiên về gam màu lạnh, khiến người xem mường tượng có đâu đó tiềm ẩn cơn gió Đông bắt đầu thổi về qua những ngôi nhà, con phố và cả góc bãi biển với con tàu nằm phơi chờ về miền kí ức.
Một góc triển lãm |
Tác giả Nguyễn Lương Huyên trình làng những tác phẩm mang sức trẻ trong sáng tạo. Tranh của anh trong triển lãm lần này được thể hiện bằng chất liệu sơn mài, với gam màu nóng và tươi sáng, thể hiện khá rõ nét và chững chạc từ phong cảnh, chi tiết tới con người. Tác phẩm “Tâm sen” mang đến cho người xem sự suy tư về người thiếu nữ, với tâm điểm là bông hoa sen trắng, truyền tải ý nghĩa dù cuộc đời có xô đẩy đến đâu vẫn giữ lòng trung trinh, ví như loài hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Tham gia triển lãm lần này, họa sĩ Hà Huy Hiệp trình làng các tác phẩm đúng với chuyên ngành điêu khắc của mình. Chín bức tượng gốm lấy giới nữ để thể hiện tính phồn thực cao. Họa sĩ Hà Huy Hiệp cho biết, gốm là chất liệu quen thuộc với hầu hết người làm điêu khắc, vì nó là chất liệu làm xong là xong. Nhưng tượng của Hà Huy Hiệp không nương vào tính chất đó của gốm, mà tác giả chỉ mượn gốm như phương tiện để thể hiện ý tưởng của mình.
Tác giả Nguyễn Minh Hải trình làng 5 tác phẩm với gam màu cực nóng, thiên về sắc đỏ. Tranh của anh thể hiện rất rõ nét các di tích: Hoàng thành Thăng Long, Chùa một cột, Cổng Ô Quan Chưởng; hai bức tranh thể hiện những đóa sen, mà anh lấy tên là: “Duyên sen 1”, “Duyên sen 2”. Tất cả đều bằng chất liệu sơn mài. Họa sĩ Hà Huy Hiệp nhận xét: “Nguyễn Minh Hải luôn tỉnh trong chất liệu, nhưng lại say trong đề tài thể hiện; tỉnh trong đời và say trong đạo. Vậy nên tác giả biết lấy cái không hoàn thiện để làm cái hoàn thiện trong sáng tác mà vẫn rất an lành”.
Tác phẩm "Sương mai" |
Tác giả nữ duy nhất trong nhóm tham gia triển lãm là họa sĩ Vân Mây (tên khai sinh là Nguyễn Thị Vân). Sơn mài truyền thống là chất liệu tác giả sử dụng trong các tác phẩm tham gia triển lãm lần này. Là phụ nữ, nên các tác phẩm của Vân Mây mang đặc trưng khí chất của phụ nữ, rất đằm thắm trong phong cách thể hiện. Tình cảm làm mềm lí trí cũng là đặc tính trong tranh của Vân Mây. Người hướng nội sẽ cảm nhận được tranh của Vân Mây có sự viên mãn, đủ đầy.
Nhìn chung, toàn bộ nội dung của triển lãm “Khúc giao mùa” đưa về hương vị của cuộc sống, thấy sự mới mẻ, lạ lẫm không nhiều, nhưng vẫn làm sống dậy cảm xúc của người xem, như thưởng thức món ăn khoái khẩu. Người xem có thể nhận ra giá trị sống giản đơn, rằng nghệ thuật không nhất thiết phải cao siêu, chỉ như Khúc giao mùa cũng đủ viên mãn.