|
TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khai mạc hội thảo. Ảnh Trường Sơn |
Đại diện Ban Tổ chức, TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phát biểu khai mạc và dẫn đề cho Hội thảo. TS. Trần Du Lịch đánh giá cao tiềm năng của Bình Thuận trong phát triển du lịch khi có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Bình Thuận cũng được xác định là trung tâm năng lượng quốc gia, có nền tảng tốt để khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Với những thuận lợi này, tỉnh hoàn toàn có cơ hội thúc đẩy các dự án du lịch xanh, đóng góp tích cực cho lộ trình phát triển bền vững của kinh tế cả nước. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch kết hợp văn hóa - lịch sử...thời gian gần đây đã thu hút lượng lớn khách hàng, điều này cho thấy được việc chuyển đổi xanh trong toàn nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng đã, đang và sẽ tạo nên được rất nhiều giá trị cho quốc gia. Tuy vậy, TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng tăng trưởng xanh là một lộ trình dài, phức tạp, đòi hỏi chính quyền và cộng đồng người dân, doanh nghiệp phải quyết tâm, kiên trì và sáng tạo liên tục. Việc đưa tiêu chuẩn xanh vào cuộc sống đã là khó, “xanh hóa” hoạt động kinh doanh sẽ lại càng khó và càng cần bài bản hơn...
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh phát biểu chỉ đạo |
Tại hội thảo, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã chia sẻ về thực trạng phát triển du lịch xanh tại Bình Thuận. Ông nhận định, các dịch vụ du lịch hướng đến tính “xanh”, thân thiện với môi trường được quan tâm và tạo điều kiện phát triển như một xu hướng tất yếu trong bối cảnh doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có ý thức hơn đối với vấn đề phát triển bền vững. Theo đó, trung ương đã có một số chính sách khuyến khích, bản thân chính quyền tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh chính sách xanh hóa, trong đó đặt mục tiêu mũi nhọn vào ngành du lịch.Bình Thuận vẫn còn hạn chế về hạ tầng hỗ trợ du lịch xanh như giao thông công cộng thân thiện với môi trường, cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn xanh, và các dịch vụ thân thiện với môi trường. Không chỉ vậy, mặc dù có một số chính sách liên quan đến phát triển bền vững, các hỗ trợ tài chính và ưu đãi cho các doanh nghiệp du lịch xanh vẫn còn khá hạn chế, điều này làm ảnh hưởng đến khả năng thu hút các doanh nghiệp tham gia vào phát triển du lịch xanh tại Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng.
|
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận |
Phần phát biểu tham gia hội thảo các đại biểu đều xoay quanh chủ đề với nhiều ý kiến, đề xuất đóng góp phong phú như: Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận đã phân tích và đánh giá một số mô hình du lịch xanh có thể triển khai tại địa phương.LS. Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có phần trao đổi về phát triển du lịch xanh dưới góc độ pháp lý và những lưu ý khi hợp tác kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực du lịch..LS. Ngô Quỳnh Anh, thành viên cao cấp Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt chia sẻ về các vấn đề pháp lý trong phát triển năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy du lịch xanh tại Bình Thuận. Ông Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận cùng sự tham gia của các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo đã bàn luận sâu và đưa nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển của các mô hình du lịch xanh và nhiều vấn đề thời sự ở nhiều lĩnh vực khác ảnh hưởng đến du lịch trên địa bàn tỉnh.
|
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận |
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh nhấn mạnh: Về cơ bản, phát triển bền vững cần đảm bảo sự cân bằng giữa ba trụ cột chính: Kinh tế, xã hội và môi trường; khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học. Việc phát triển mô hình du lịch xanh mang rất nhiều ý nghĩa với tỉnh Bình Thuận, với lợi thế về tài nguyên du lịch, Bình Thuận có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch khác nhau, như: Nghỉ dưỡng, tham quan dã ngoại, du lịch thể thao giải trí (lướt ván buồm, lướt ván diều, thuyền buồm, golf…), du lịch hội nghị, du lịch tín ngưỡng gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống,… Đặc biệt, Bình Thuận còn có lợi thế về rừng, hồ, núi, thác,… rất thích hợp để xây dựng những tour du lịch “xanh” vừa gần gũi với thiên nhiên vừa mang tính độc đáo, hấp dẫn cho du khách đến tham quan và trải nghiệm. Phát triển du lịch xanh không chỉ giúp tỉnh nhà bảo tồn và phát huy văn hóa, bản sắc địa phương; mà còn góp phần tạo nên hướng đi bền vững, xây dựng giá trị lâu bền cho chuỗi sản phẩm du lịch, kích cầu cho nền kinh tế cả nước. Ông Minh đánh giá cao ý tưởng thực hiện Hội thảo “Du lịch Bình Thuận: Lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững” và kỳ vọng những chia sẻ từ các chuyên gia, trao đổi của doanh nghiệp tại hội thảo sẽ góp phần đưa đến những đề xuất hữu hiệu để phát triển mô hình du lịch xanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
|
Đại diện Công ty TNHH vận tải hành khách Trung Nga nêu một số đề xuât |
|
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh Trường Sơn |