Tri ân những nhà giáo hi sinh vì Tổ quốc
Nghiên cứu - Trao đổi 19/11/2024 09:34
Để tưởng nhớ và ghi ơn công lao của các nhà giáo liệt sĩ, Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục đã cho quy tập, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ nhà giáo Việt Nam trên ngọn đồi 82, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Trong bài này, chúng tôi xin được viết về 2 trong số hàng ngàn liệt sĩ nhà giáo đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Nhà giáo Lê Anh Xuân “xếp bút nghiên” vào Nam chống Mỹ
Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, sinh năm 1940, tại Bến Tre. Năm 1954, ông là một trong những học sinh từ miền Nam ra tập kết miền Bắc. Năm 1962, Lê Anh Xuân tốt nghiệp Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Là sinh viên xuất sắc, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy.
Năm 1964, Lê Anh Xuân được nhà trường gửi đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài nhưng ông đã từ chối niềm vinh hạnh này, chọn cho mình con đường gian khổ nhất: Khoác ba lô, vượt Trường Sơn đi cứu nước. Ông công tác ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, sau chuyển công tác về Hội Văn nghệ Giải phóng.
Chân dung nhà giáo, nhà thơ Lê Anh Xuân. |
Sáng tác của Lê Anh Xuân có: “Tiếng gà gáy” (Thơ, 1965), “Có đâu như ở miền Nam” (Thơ, in chung, 1968), “Nguyễn Văn Trỗi” (Trường ca, 1968), “Hoa dừa” (Thơ, 1971), “Thơ Lê Anh Xuân” (Tuyển thơ, 1981), “Giữ đất” (Văn xuôi, 1968). Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân - viết về người chiến sĩ dũng cảm hi sinh trên đường băng Tân Sơn Nhất, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đã được rất nhiều thế hệ biết đến.
Ngày 24/5/1968, Lê Anh Xuân hi sinh tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Năm 2011, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Thầy giáo Ngô Kha với phong trào yêu nước tại Huế
Sớm nhận thức được bản chất của chế độ Việt Nam Cộng hòa là bù nhìn và tay sai của Mỹ nên sau khi tốt nghiệp thủ khoa khóa đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Huế (1958-1959) và tốt nghiệp cử nhân Luật khoa (1962), người thanh niên yêu nước Ngô Kha (1935-1973) vừa đi dạy Văn và Công dân ở các trường Quốc học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo vừa tham gia tích cực các phong trào yêu nước tại Huế.
Trong khi miền Nam đang nhiễm độc bởi thứ văn nghệ “tâm lí chiến” được chế độ Mỹ - Diệm “rao hàng tận nơi” thì vào năm 1961, nhà giáo, nhà thơ Ngô Kha cho xuất bản tập thơ đầu tay mang tên “Hoa cô độc”. Tập thơ xuất hiện như một “nỗi buồn lặng lẽ và trong sạch, thực chất là một thái độ hoài nghi và dừng lại trước lẽ sống bịa đặt của chế độ Mỹ - Diệm” (Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Nhớ Ngô Kha”, 1990). Tiếp đó, ông đã liên tiếp xuất bản các tập thơ “Trường ca hòa bình” (1968) và “Ngụ ngôn của người đãng trí” (1969), kêu gọi mọi người cùng đứng lên giành lại hòa bình cho dân tộc. Với cách nhìn tiến bộ như thế, nhiều tác phẩm văn chương và chính luận của ông cũng thường xuyên được đăng tải trên các báo, tạp chí công khai ở miền Nam như: Trình Bày, Mai, Đất Nước, Đối Diện, Hướng Đi, Tin Tưởng...
Năm 1970, nhà giáo, nhà thơ Ngô Kha cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn và Thái Ngọc San chủ trương phong trào Tự quyết, ra tập san Tự Quyết. Năm 1972, ông tham gia thành lập và được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung, đặt dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Huế. Ông cũng là chủ biên tập san của Mặt trận. Đặc biệt, ông đã cùng với văn nghệ sĩ Huế lên tiếng ủng hộ tuyên bố 7 điểm đề nghị chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình được bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, công bố tại Hội nghị Paris (ngày 1/7/1971).
Nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San, một thành viên của nhóm trí thức đấu tranh Tự quyết của Ngô Kha, nhớ lại: “Đầu những năm 70, thầy giáo, nhà thơ Ngô Kha xuất hiện như một ngọn cờ, hô hào bãi khóa, xuống đường và khởi thảo các bản tuyên ngôn, tuyên chiến với chế độ Sài Gòn. Những bài thơ mới của Ngô Kha trong giai đoạn này là những khúc tráng ca mang đầy dấu ấn của thời cuộc: “Bài ca tự quyết”, “Cho những người nằm xuống”, “Trường ca Hòa bình”… Chính vì vậy mà nhà chức trách đương thời ở Huế đã rất điên cuồng tìm mọi cách để triệt hạ ngọn cờ Ngô Kha”.
Nhà thơ, nhà giáo Ngô Kha đã bị chế độ Việt Nam Cộng hòa bắt 2 lần vào các năm 1966 và 1971. Đến đầu năm 1973, khi gần Tết đến Xuân về, Trưởng ty Cảnh sát quốc gia Thừa Thiên ra lệnh bắt ông và sau đó đã giết hại người thầy giáo đáng kính của nhiều thế hệ học sinh ở TP Huế.
Ngày 3/11/1981, nhà thơ, nhà giáo Ngô Kha được công nhận là liệt sĩ. Ngày 26/6/1989, ông được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Ngày nay, một con đường ở gần nhà ông và trường tiểu học tại địa bàn phường Gia Hội, TP Huế được mang tên liệt sĩ, nhà thơ, nhà giáo Ngô Kha.