Tổng Bí thư Trần Phú - Hai miền quê yêu dấu
Nghiên cứu - Trao đổi 27/04/2024 10:30
Thân thế sự nghiệp và lí tưởng sáng ngời mọi thế hệ
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước tại thành An Thổ, phủ Tuy An (nay là xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên); nguyên quán làng Tùng Ảnh, xã An Đồng, tổng Việt Yên, (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Đồng chí Trần Phú là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em; cha là nhà nho yêu nước Trần Văn Phổ, mẹ là Hoàng Thị Cát.
Sinh thời, Trần Phú ở cùng cha mẹ tại thành An Thổ được 3 năm (1904 đến 1907) thì theo cha mẹ ra Đức Phổ, Quảng Ngãi. Năm 1908, mồ côi cha, năm 1910, mồ côi mẹ. Sau đó được người dì ruột là bà Hoàng Thị Khương cùng người thânnuôi dưỡng cho ăn học tại trường Tiểu học Việt Đông Ba, rồi Quốc học Huế. Năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kì thi Thành chung lúc 18 tuổi, được bổ nhiệm dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, TP Vinh. Trong quá trình dạy học, Trần Phú có dịp gần gũi với công nhân và nông dân, nhiệt tình truyền đạt kiến thức văn hóa, giác ngộ tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng cho những người lao động. Một thời gian sau đó, đồng chí Trần Phú thôi nghề dạy học, tập trung cho hoạt động cách mạng.
Tổng Bí thư Trần Phú |
Năm 1925, ông cùng một số người Việt Nam yêu nước sáng lập Hội Phục Việt, sau đổi là Hội Hưng Nam rồi lại đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng. Sau khi hợp nhất Tân Việt cách mạng Đảng vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1926, Trần Phú hoạt động cách mạng ở Quảng Châu với bí danh Lí Quý, tham gia học tập lí luận chính trị và được kết nạp vào Cộng sản Đoàn. Tháng 12/1926, ông được cử về Vinh tham gia cải tổ Việt Nam cách mạng Đảng theo đường lối của Việt Nam thanh niên Cách mạng. Một thời gian sau ông sang Quảng Châu, năm 1927 gặp Nguyễn Ái Quốc và được Người cử sang Liên Xô học ở Trường Đại học Phương Đông. Tại đây, chi bộ những người Cộng sản Việt Nam được thành lập, Trần Phú được cử làm Bí thư chi bộ. Năm 1928, Trần Phú dự Đại hội IV Quốc tế Cộng sản.
Tháng 4/1930, Trần Phú về nước, tháng 7/1930, được bố trí vào Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Lâm thời của Đảng chủ trì Hội nghị BCH Trung ương Đảng, được giao soạn thảo Luận cương Chính trị về vấn đề cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương. Tháng 10/1930, Hội Nghị lần thứ nhất BCH Trung ương Đảng tại Hương Cảng (Trung Quốc), Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo được Hội nghị BCH Trung ương thông qua, là văn kiện quan trọng của Đảng, vận dụng những nguyên lí của chủ nghĩa Mác - Lê nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản của Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Cũng tại Hội nghị này đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Ngay sau Hội nghị đồng chí Trần Phú vào Sài Gòn hoạt động, tháng 3/1931 Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần 2, đề ra một số chủ trương quan trọng về những vấn đề cần kíp của Đảng phải giải quyết.
Ngày 19/4/1931, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn dã man nhưng không thể làm lung lay chí khí người chiến sĩ cộng sản. Trong ngục tù, người chiến sĩ ấy tiếp tục tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, nêu cao tấm gương sáng trong đấu tranh; luôn căn dặn đồng chí, đồng đội giữ vững tinh thần chiến đấu, đặt niềm tin sắt son vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú hi sinh khi mới 27 tuổi, với câu nói bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Quãng đời hoạt động không dài nhưng đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng trong thời kì sôi động, quyết liệt nhất của những năm 1930-1931, là tấm gương sáng về “đạo đức cách mạng, chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập” như Bác Hồ kính yêu đã từng nói.
Hai miền quê yêu dấu, tự hào tiếp bước con đường cách mạng
Tự hào là quê hương và nơi sinh ra Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Đảng bộ, và Nhân dân xã Tùng Ảnh, cùng Đảng bộ và Nhân dân xã An Dân không ngừng đoàn kết, nỗ lực vươn lên, viết tiếp những trang sử hào hùng.
Đối với xã Tùng Ảnh, ông Nguyễn Văn Đức, Huyện uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Ở bất cứ thời kì nào, xã Tùng Ảnh cũng phát huy truyền thống cách mạng luôn có người đỗ đạt cao, cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Đặc biệt tháng 1/2021, Tùng Ảnh trở thành 1 trong 2 xã đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.
Phấn khởi, tự hào ông Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh: “Truyền thống khoa bảng, cách mạng đã hun đúc cho các thế hệ người dân Tùng Ảnh phẩm chất hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường, anh dũng trong chiến đấu và quyết tâm, đoàn kết, đồng thuận trong xây dựng cuộc sống mới. Tự hào với thành quả đạt được, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Tùng Ảnh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, tiếp tục đưa NTM lên một tầm cao mới… Đó cũng là cách mà chúng tôi “giữ vững chí khí chiến đấu” như lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Trần Phú ”.
Đối với xã An Dân, vùng đất bán sơn địa thủy, là địa danh có truyền thống anh hùng trong chống giặc ngoại xâm, nơi có thành An Thổ được xây dựng vào năm 1832 và hoàn thành khoảng 1836, là trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến ở Phú Yên; được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích khảo cổ cấp Quốc gia ngày 22/8/2005.
Ông Võ Văn Khương, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã An Dân cho rằng: “Tự hào là vùng đất sinh ra Trần Phú người con ưu tú của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân nơi đây đã nỗ lực không ngừng để xây dựng và phát triển quê hương. Diện mạo nông thôn mới ở vùng quê này đang ngày càng khởi sắc. Xây dựng thành An Thổ địa chỉ đỏ thành nơi du khách đến tham quan, tìm hiểu những giá trị lịch sử, văn hóa trong hành trình về với Phú Yên”.
Về xã An Dân trong những ngày này dễ dàng nhận thấy nhiều đổi thay của một vùng quê bên dòng sông Ngân Sơn. Con đường bê tông dẫn vào Di tích thành An Thổ rộng hơn 5m đỏ rực cờ hoa chuẩn bị cho Lễ kỉ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024). Các tuyến đường bê tông trong từng thôn, xóm khang trang, sạch đẹp, trồng hoa hai bên đường. Nhiều căn nhà mới cao tầng được xây dựng khiến cho vùng nông thôn thêm tươi mới.
Phát huy truyền thống cách mạng, tự hào nơi sinh ra đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân An Dân xây dựng xã đạt chuẩn NTM vào năm 2018; đạt 16/19 tiêu chí xã NTM nâng cao.
Nhân 120 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), hai địa phương kết nghĩa: huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) và huyện Tuy An (Phú Yên) đã phối hợp long trọng tổ chức nhiều hoạt động để kỉ niệm, với những chương trình, nội dung có ý nghĩa chính trị, lịch sử to lớn đối với địa phương và đất nước.