Tôn sư trọng đạo
Nghiên cứu - Trao đổi 09/11/2022 10:37
Từ đó đến nay, ngày 20/11 hằng năm đã thực sự trở thành ngày hội của toàn dân và được tổ chức kỉ niệm trọng thể ở khắp các địa phương, nhằm tôn vinh các nhà giáo, tôn vinh sự học và ngành giáo dục nước nhà.
Dân tộc ta vốn có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, nghề thầy giáo được tôn vinh là một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Từ ngàn xưa, vào dịp lễ, tết hằng năm ông cha ta đã có câu: “Mồng một tết cha - Mồng hai tết mẹ - Mồng ba tết thầy”… Nghề thầy giáo đã rất được trọng vọng trong xã hội.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Người thầy giáo tốt-thầy giáo xứng đáng là thầy giáo-là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Người cũng dạy chúng ta “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Thực hiện lời dạy của Bác, giáo dục đã được Đảng ta coi là quốc sách hàng đầu và đội ngũ các thầy cô giáo - Nhân tố quyết định tới chất lượng và sự phát triển của giáo dục nước nhà đã được xã hội ta hết sức quan tâm.
Trước những khó khăn nhất thời và sự cám dỗ của đời sống vật chất trong nền kinh tế thị trường nhưng biết bao tấm gương của các thầy cô đã vượt lên những khó khăn của cuộc sống, không vì danh lợi mà đã dốc hết tâm lực, trí lực vì học sinh thân yêu, gắn bó cả cuộc đời vì sự nghiệp giáo dục để luôn xứng đáng với nghề cao quý của sự nghiệp “trồng người”. Chính những tấm gương đó đã để lại những tình cảm tốt đẹp và sự kính trọng của xã hội, của bao thế hệ học trò đối với nghề giáo. Ở một góc độ khác, đành rằng đâu đó trong đời thường vẫn còn những “khoảng tối” trái với đạo đức làm thầy nhưng đó không phải là người thầy đúng nghĩa. Cũng chính vì vậy mà hiện tượng coi trọng bằng cấp; học dể “chuẩn hóa” bằng việc chạy điểm, mua bằng, coi nhẹ đạo đức học đường, thiếu tôn sư, trọng đạo… làm băng hoại giá trị của sự nghiệp giáo dục đang gây nên những búc xúc, bị cộng đồng xã hội lên án và dư luận đòi hỏi phải chấn chỉnh. Mỗi chúng ta cũng cần thấy rằng, hệ lụy của những “khoảng tối” đó tất yếu sẽ dẫn đến sự xuống cấp của nền giáo dục, của đạo đức xã hội nói chung, trong đó không thể không nói đến trách nhiệm của người thầy.
Kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam ngoài ý nghĩa cao cả và bằng những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh và động viên sự nghiệp giáo dục, còn là dịp để mỗi thầy cô giáo tự nhìn nhận lại mình, tiếp tục rèn đức, luyện tài nhằm hoàn thiện mình hơn nữa để xứng đáng với sự tôn vinh, kính trọng của xã hội và của các thế hệ học trò yêu quý. Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”. Lời dạy đó của Người nhằm nhắc nhở, động viên những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục không được tự bằng lòng với kiến thức đã có, mà phải thường xuyên tích lũy kiến thức, rèn luyện đạo đức để mỗi người thầy và sự nghiệp giáo dục - đào tạo luôn xứng đáng với vị trí quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp “trồng người” và phát triển đất nước.