Tìm hiểu về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026
Nghiên cứu - Trao đổi 11/03/2021 09:40
Sau khi có kết quả hiệp thương lần thứ nhất về thỏa thuận cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi đến, chậm nhất là 90 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
Mục đích của việc điều chỉnh là nhằm bảo đảm cơ cấu, thành phần, số lượng chung của đại biểu Quốc hội cũng như phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Lần điều chỉnh này là cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Quy định về Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương cho người ứng cử đại biểu Quốc hội
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì hội nghị. Thành phần triệu tập và mời dự cũng như thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương là để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và phải được tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử.
Hội nghị gồm những nội dung sau:
- Căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và việc điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị; căn cứ vào sự thỏa thuận tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và các biên bản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi đến, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tình hình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để hội nghị thỏa thuận về việc lập danh sách sơ bộ những người ứng cử.
- Bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người trong danh sách sơ bộ những người ứng cử.
- Biên bản hội nghị ghi rõ thành phần, số lượng người được triệu tập, số người có mặt, diễn biến và thỏa thuận cuối cùng của hội nghị.
- Ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi biên bản và danh sách những người ứng cử đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quy định về Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho người ứng cử đại biểu Quốc hội
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh triệu tập và chủ trì Hội nghị vàcũng phải được tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử.
Thành phần hội nghị cũng như hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nội dung Hội nghị:
- Căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có).
- Biên bản Hội nghị phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị và được gửi ngay đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Bầu cử ở tỉnh.